Bạn đọc viết:

Những trăn trở xung quanh việc cấm dạy thêm trong trường học

(Dân trí) - Dạy thêm, học thêm đang được ví như một “vấn nạn” của xã hội khi áp lực chạy đua học thêm đè lên vai học sinh, gánh nặng chi phí khiến phụ huynh ca thán và hình ảnh người thầy bị ảnh hưởng khá nhiều.

Mới đây, UBND TPHCM đã có chỉ đạo công tác trong năm học 2016-2017 phải chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm tại các trường trên địa bàn thành phố, chỉ cho phép dạy thêm học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường.

Quy định này vừa mới ban ra đã nhận được khá nhiều luồng ý kiến ủng hộ tích cực của xã hội. Tuy nhiên, xung quanh việc cấm dạy thêm học thêm trong trường học còn có nhiều điều phải trăn trở.

Học thêm là một như cầu có thật, là nguyện vọng chính đáng của xã hội. Xuất phát từ tâm nguyện đầu tư toàn diện cho tương lai con trẻ, nhất là việc học nên nhiều gia đình sẵn sàng chi những khoản lớn để con em học thêm, không chỉ là theo kịp chương trình học ở trường mà còn muốn mở rộng, nâng cao kiến thức làm nền tảng vững chắc cho các kì thi tuyển sinh đầu cấp cũng như chuẩn bị cho ngưỡng cửa đại học. Tuy nhiên, việc phụ huynh lạm dụng việc học thêm để chạy theo áp lực thành tích, để quản lí tối đa quĩ thời gian rảnh rỗi của con hay để làm vừa lòng chiều ý của giáo viên hòng đổi lại điểm số thì mới đáng lên án.

Chương trình học tập căng thẳng với khối lượng kiến thức - kĩ năng lớn và áp lực thi cử nặng nề cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc học sinh buộc phải tìm đến các lớp học thêm như là một giải pháp tình thế để “ôm” hết chương trình. Một thực tế khó thay đổi là không học thêm đồng nghĩa với tỉ lệ đậu vào các trường chuyên, đậu những trường đại học top đầu sẽ rất thấp. Bởi dù có học hết kiến thức trong SGK, làm thông thạo các bài tập ở sách bài tập nằm trong chương trình thì vẫn không thể đáp ứng được “chuẩn” khó trong các đề thi. Từ nhu cầu học thêm để mở rộng kiến thức, vô hình trung bị biến tướng thành cách học trước bài trên lớp và hệ lụy tất yếu là khả năng tự học của học sinh rất thấp. Một nền giáo dục vững bền phải dựa trên nền tảng tự học của học sinh. Nhưng nhìn vào hiện trạng ồ ạt học thêm từ khi chuẩn bị vào lớp 1 như hiện nay thì khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh có nguy cơ bị triệt tiêu vì các lớp học thêm đã làm thay nhiệm vụ ấy.

Xét về phía người dạy, khi xã hội có “cầu” thì giáo viên đáp ứng phần “cung” là hoàn toàn hợp lí. Dạy thêm cũng như rất nhiều nghề tay trái khác như buôn bán, may mặc, thêu thùa, làm nông… là cách để kiếm thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sẽ không có gì đáng phải lên án đối với những nhà giáo làm ra đồng tiền bằng chất xám, bằng mồ hôi và tâm huyết chân chính. Tuy nhiên, điều cần gay gắt và quyết liệt phản đối chính là một bộ phận giáo viên biến việc dạy thêm thành “kinh doanh” và làm giàu bằng cách gợi ý, o ép đến cả việc dùng thủ đoạn để tranh giành học sinh, tăng sĩ số lớp… Dù vậy, cần phải có cái nhìn công tâm đối với đội ngũ nhà giáo, không thể đánh đồng tất cả mọi giáo viên dạy thêm là xấu, không thể quy chụp tất cả là tiêu cực và không thể cào bằng cái tâm của tất cả những ai đang theo đuổi nghiệp gieo chữ.

Khi quy định cấm dạy thêm, học thêm trong trường học ở TPHCM đi vào thực tiễn, chắc chắn rằng phải đối diện với một số vấn đề nan giải:

Thứ nhất, nhu cầu học thêm trong xã hội vẫn chưa dập tắt được thì giờ đây nó chuyển hướng đến các trung tâm luyện thi, các lớp bồi dưỡng kiến thức phổ thông. Thay vì giáo viên dạy trong trường học dưới sự quản lí của Ban giám hiệu nhà trường thì chỉ cần khéo léo “chỉ điểm” chỗ dạy của mình ở trung tâm và học sinh cứ thế đến học. Tiêu cực sẽ không giảm được, có khác chăng là làm giàu cho đội ngũ cán bộ điều hành trung tâm. Họ trực tiếp thu tiền học sinh và trả lương cho giáo viên theo tỉ lệ phần trăm và luôn tính lợi cho mình.

Thứ hai, cấm dạy thêm trong trường học nhưng nhà trường và các ban ngành có quản lí được các hình thức dạy “chui” của giáo viên không? Nhiều giáo viên có tâm sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định nhưng một số giáo viên vẫn tìm cách “lách” quy định bằng cách xé lớp thành nhóm nhỏ để dạy, hoặc nhờ người thân quen làm nghề tự do đứng ra mở lớp rồi mình trực tiếp dạy, núp bóng dưới một tờ giấy phép hợp lệ.

Thứ ba, qui định ban hành cần phải được nghiêm túc thực hiện. Đã cấm thì phải cấm triệt để, không thể nơi làm “căng”, nơi “nới lỏng” qui định. Các hình thức xử phạt khi giáo viên vi phạm cần minh bạch và đủ sức răn đe mới có thể chấn chỉnh triệt để việc dạy chui và các biểu hiện coi thường quy định của cấp trên.

Thứ tư, cần có các giải pháp dài lâu cho chất lượng học sinh khi tiến tới bỏ hẳn việc học thêm. Dạy phụ đạo học sinh yếu kém trong trường học như thế nào để đem lại hiệu quả cho học sinh mà vẫn có sức động viên đối với giáo viên đứng lớp? Nâng cao chất lượng giờ học chính khóa như thế nào để có thể đáp ứng các yêu cầu về chuẩn kiến thức và kĩ năng mà không cần phải “cày” thêm ở các lớp học ngoài giờ?

Thứ năm, cần nhìn nhận một cách toàn diện về cái gốc của việc dạy thêm, học thêm khi nhu cầu của một bộ phận phụ huynh là có thật, chương trình học và áp lực thi cử nặng nề cùng với thực tế mức lương của giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nên chăng cần phải cải tiến thi cử và tăng thu nhập giáo viên thì mới giải được “bài toán” dạy thêm, học thêm lâu nay? Hoặc là tình huống buộc phải chấp nhận “sống chung” với dạy thêm học thêm thì cần có kế hoạch tổ chức sao cho khoa học, hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên, tránh dư luận xấu trong xã hội.

Thanh Ny

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Dạy thêm, học thêm