Những ưu điểm của nền giáo dục Na Uy

(Dân trí) - Na Uy là một nước Bắc Âu có nền giáo dục, đào tạo khá tốt, uy tín và hiện vẫn được nhà nước miễn phí cho người học. Tiếp xúc với các nhà quản lý, giảng viên, sinh viên, nhà khoa học Na Uy hay là người gốc Việt, hoặc dự các cuộc hội thảo liên quan đến giáo dục nước bạn, chúng tôi càng thấy rõ nhiều điểm mà các nước đang phát triển như nước ta có thể tham chiếu, học tập.

Giáo dục gắn chặt với nghiên cứu - ứng dụng 

Giáo dục và nghiên cứu của Na Uy được đặt trong quan hệ hữu cơ, hai trong một, gắn với cuộc sống thực tiễn, khuyến khích sự sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh. Những điểm cơ bản trong chính sách Giáo dục và nghiên cứu (GDNC) là: Có chính sách, chiến lược phát triển dài hạn; định kỳ ra Sách trắng về GDNC để cập nhật, công khai chính sách, có định hướng hợp thực tiễn; Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, phân công cụ thể chức trách khi phối hợp; Tận dụng được Quỹ Nghiên cứu của cả Na Uy và quốc tế; Chú trọng đạo đức, tính liêm chính, chế tài trong giáo dục- nghiên cứu; Sử dụng đòn bẩy các giải thưởng uy tín, thực chất về KHCN; Tham gia tích cực vào Hội đồng nghiên cứu châu Âu ERC. Na Uy đang chuyển hướng từ nền kinh tế dựa vào khai thác dầu mỏ sang nền kinh tế dựa trên tri thức- công nghệ.
 
Đại học Oslo (Na Uy)
Đại học Oslo (Na Uy).

Hiện Na Uy có 25 đại học, cao đẳng thuộc sở hữu Nhà nước; 21 đại học tư; 8 đại học, cao đẳng, trường đào tạo chuyên nghiệp thuộc ngành quốc phòng, an ninh. Hàng năm có hơn 233.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (học sinh Na Uy học 13 năm) đăng ký học lên đại học. Do chế độ học tập miễn phí nên chương trình Đại học chủ yếu là bằng tiếng Na Uy để phục vụ công dân Na Uy (trừ chương trình liên kết), còn Cao học và nghiên cứu sinh sau đại học có nhiều chương trình bằng tiếng Anh, nếu được chọn làm nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ thì nghiên cứu sinh được hưởng lương như công chức của trường.

Tuy nhiên các trường có hệ thống thư viện rất tốt, sách, tài liệu tiếng Anh phong phú và trong hệ thống đào tạo đại học, sau đại học của Na Uy có hơn 4700 chương trình dạy bằng tiếng nước ngoài. Việc trao đổi giao dục với nước ngoài của Na Uy hiện khá mạnh mẽ, sinh viên, nghiên cứu sinh có thể đăng ký đi thực tập, nghiên cứu tại đại học, cơ sở đào nước ngoài (miễn là các nơi đó có liên kết với trường Na Uy mà học viên đang học). Tỉ lệ nghiên cứu sinh trong các trường là: người Na Uy chiếm 64% còn 36 % là học viên nước ngoài. Đối với các nền văn hóa phương Đông, một số đại học Na Uy có khoa hoặc bộ môn chuyên sâu ví dụ khoa/bộ môn Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa/Nhật Bản. Ngành Việt Nam học ở Na Uy chưa có, tuy nhiên ĐH Oslo đã có khoa ký hợp tác trao đổi với ĐH Đà Nẵng đưa sinh viên đi thực tập. Năm 2015, chính phủ Na Uy trên cơ sở học bổng và quy chế cho sinh viên Na Uy vay sẽ cấp khoảng 109.000 Cuaron Na Uy (NOK) mỗi năm cho 1 sinh viên Na Uy.

Về đào tạo máy cái, Na Uy tăng cường đội ngũ cho các đại học sư phạm đào tạo giáo viên chất lượng, với mục tiêu từ 9/2015 tổ chức bồi dưỡng thường xuyên nâng cao chất lượng chuyên môn cho khoảng 5.000 giáo viên các cấp.

Về tài chính, riêng năm 2015 chính phủ dành 60 triệu NOK đầu tư cho hệ thống mẫu giáo; 275 triệu cho các trường phổ thông; 31 tỷ NOK cho các trường đại học, cao đẳng (khoảng 26% GDP).

Nhằm phát triển thị trường khoa học lành mạnh, phục vụ nhu cầu đất nước và cuộc sống cộng đồng, trên mọi bình diện quốc gia, bộ ngành, địa phương đều ban hành các ưu tiên, các đơn hàng về sản xuất, dịch vụ, phát minh... Hiện nay các ưu tiên và đơn hàng đều hướng vào các lĩnh vực: Biển và đại dương; Biến đổi khí hậu - môi trường; Công nghệ độc đáo thân thiện môi trường; các lĩnh vực công nghiệp hướng đến sáng tạo và thích nghi cuộc sống hiện đại; Y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Năng lượng tái tạo và hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển khoa học công nghệ. Các nhà khoa học, các tổ chức có năng lực nghiên cứu đều có thể đăng ký và cạnh tranh để thực hiện đề án, chương trình. Nguyên tắc là mở rộng thành phần tham gia nghiên cứu đa dạng gồm các đại học, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân… ở cả khu vực công, khu vực tư. 

Na Uy - mô hình du học tốt ở châu Âu

Na Uy - mô hình du học tốt ở châu Âu

So với các nước châu Âu được ưa chuộng về du học như Anh, Ireland, Thụy Sĩ, Hà Lan… thì thị trường du học Na Uy không nhộn nhịp bằng. Nhưng môi trường du học Na Uy có những lợi thế nhất định. Tại các trường đại học công, sinh viên không phải đóng học phí, chỉ ăn ở tự túc, nếu đăng ký sớm thì có thể tìm được phòng giá rẻ trong ký túc xá (dạng phòng riêng, bếp và phòng vệ sinh chung). Gần đây chính phủ đề nghị thu học phí đối với sinh viên ngoài khối EU, nhưng Quốc hội không đồng ý vẫn quyết định miễn học phí cho các đối tượng sinh viên. Thường ứng viên nước ngoài hết trung học muốn học đại học Na Uy, cần nộp đơn xin học trên mạng vào trường định học đóng một khoản phí hơn 10.000 USD tiền ký quỹ để xin Visa, khi nhập học, trường sẽ hoàn trả lại. Chương trình Đại học và Cao đẳng tại Na Uy dùng tiếng Na Uy nhưng yêu cầu chứng chỉ Anh văn đầu vào IELTS chỉ 6,5, khi học thì họ phải học thêm chương trình tiếng Na Uy dành cho học viên ngoại quốc. Nhiều trường đại học tư đào tạo bằng tiếng Anh với nhiều ngành ưa chuộng như kinh tế quốc tế, hành chính công, PR, báo chí truyền thông, môi trường và phát triển bền vững…

Về học bổng dành cho học viên cao học đã tốt nghiệp cử nhân một trường bản địa (trường lại có ký hợp tác với trường tương ứng của Na Uy) thì có thể vào mạng Intenet, tìm học bổng của chính phủ Na Uy theo chương trình Quota Scheme dành cho các nước Đông Âu, Nam Á, bán đảo Ban Căng, các nước đang phát triển như Việt Nam… Học bổng chính phủ phân bổ về các đại học, trường căn cứ trên hồ sơ, điểm học các năm của ứng viên và để cấp học bổng toàn phần, học bổng chỉ cho ăn ở, học bổng một phần nào đó…(Hiện ĐH Ngoại thương Hà Nội có ký hợp tác với ĐH Kinh doanh BI Na Uy; ĐH Đà Nẵng hợp tác với ĐH Oslo và Akershus; ĐH Vestfold hợp tác với ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh…). Hàng năm, Na Uy còn có chương trình học bổng của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) dành cho đào tạo cử nhân và thạc sĩ trong các trường ĐH tại Na Uy hoặc ở một số nước khác, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, NORAD dành khá nhiều học bổng và tăng cường hợp tác nhằm nâng cao năng lực đào tạo - nghiên cứu thông qua Dự án hợp tác với ĐH Thủy sản Nha Trang. Hiện dự án được mở rộng thêm thành phần hợp tác (Ngoài ĐH Tromso còn có ĐH Bergen, ĐH Khoa học Công nghệ NTNU đóng tại thành phố Trondheim tham gia). Mấy năm nay một số ĐH của Việt Nam như Trường ĐH Nông nghiệp I, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội… đã có những hợp tác, cử người sang đào tạo tại các đại học Na Uy. 

Tóm lại, nhìn cả bức tranh tổng thể về giáo dục - đào tạo của Na Uy có thể thấy rằng quốc gia này đã và đang rất chú trọng đến lĩnh vực trồng người. Giáo dục, đào tạo tại Na Uy luôn gắn với hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, với yêu cầu thực tiễn và thế mạnh của họ, đồng thời hội nhập với quốc tế. Chiến lược giáo dục nghiên cứu rõ ràng, dài hạn, có phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp tốt, quản lý hiệu quả và được bàn bạc rộng rãi, công khai, được xã hội đồng thuận. Đó là những điểm mà nhiều nước như nước ta hiện đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể học tập trao đổi, hợp tác với Na Uy.

Lê Thanh Bình
Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy