Cô giáo tâm sự:

Nỗi niềm khi dạy lớp chọn

(Dân trí) - Năm nay, tôi may mắn vì mình được dạy ở lớp chọn. Đây là lớp tập trung rất nhiều học sinh khá giỏi. Phải nói các em tiếp thu bài khá tốt. Mỗi khi lên lớp, thầy và trò đều rất hào hứng, sôi nổi. Tôi từng rất vui và hạnh phúc khi được dạy ở lớp này.

Ai đã từng dạy ở lớp chọn thì đều biết ưu và nhược điểm của lớp này. Ưu điểm thấy rõ là các em tiếp thu bài rất nhanh. Giáo viên không bị áp lực về chỉ tiêu thi đua. Ngoài ra, khi dự giờ hội giảng, giáo viên sẽ cảm thấy an tâm hơn. Các em phần lớn đều được gia đình quan tâm chu đáo. Vì thế nề nếp lớp thường rất tốt.

Tuy nhiên, dạy ở lớp chọn cũng gặp không ít áp lực. Khi lên lớp, giáo viên phải chuẩn bị bài thật kĩ. Các em thường thắc mắc những vấn đề chưa hiểu. Ngoài ra, các em cũng thường so bì, tỵ nạnh về điểm số. Ngay cả phụ huynh cũng thế. Họ thường ý kiến về điểm số của con mình. Nói chung dạy ở lớp chọn thường rắc rối hơn dạy ở lớp đại trà.

Suốt mấy bữa nay, tôi thật sự "đau đầu" với chuyện điểm số của học trò lớp 9 (lớp chọn). Các em vừa thi kết thúc xong học kì 2. Thời gian tới, các em chỉ tập trung  ôn thi cho kì chuyển cấp tới.

Sau những ngày bận rộn, vất vả, tôi thở phào nhẹ nhõm vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng suốt hai ngày nay tôi thật buồn vì những cuộc gọi của phụ huynh. Họ liên tục nhờ tôi xem lại bài thi có sai sót gì không. Có phụ huynh thì mong cô "rộng tay" để cháu đạt học sinh giỏi. Vì lớp chọn mà không đạt giỏi thì ngại lắm. Chưa kể các con còn thiệt thòi khi thi tuyển sinh lớp 10. Mỗi năm giỏi các con sẽ được cộng thêm 2 điểm. Các cô khó quá, sẽ thiệt thòi cho trò. Điều này cô là người hiểu rõ mà.

Là một giáo viên, những chuyện phụ huynh thắc mắc điểm số mùa thi không phải là chuyện hiếm. Với tôi, khi phụ huynh thắc mắc, bao giờ tôi cũng ghi nhận và xem lại bài thi của trò thật kĩ rồi mới giải đáp. Nếu phụ huynh nào chưa đồng tình, tôi sẽ mời vào trường rồi lấy bài thi để chỉ rõ cái sai cho phụ huynh thấy. Nguyên tắc chấm thi của tôi luôn là công tâm và khách quan. Đối với lớp 9, chúng tôi thường chấm hai vòng. Vì thế chuyện sai sót thường ít xảy ra. Riêng phần nâng điểm, tôi không bao giờ làm cả. Làm sao để trò nhận ra cái sai của mình mà nỗ lực phấn đấu vươn lên. Chứ nâng điểm cho trò, các em dễ bị ảo tưởng về mình. Từ đó mà dẫn đến chủ quan, lười học. Chưa kể sẽ rất bất công cho những trò khác trong lớp.

Hôm qua, một phụ huynh từng nhắn tin cho tôi thế này: "Con học ở lớp chọn chị  áp lực lắm. Cả lớp hầu hết là học sinh giỏi. Năm nay điểm tổng kết cháu đạt 8,0 rồi. Rất tiếc, cháu bị khống chế hai môn Văn - Toán. Em xem nâng điểm cho cháu môn Văn giúp chị được không. Cơ quan chị con cái đều giỏi cả. Chị rất ngại nếu con mình chỉ đạt Tiên tiến. Em giúp chị, chị mang ơn em nhiều lắm".

Dẫu rất thương trò và thông cảm với phụ huynh nữa nhưng tôi vẫn không thể giúp chị. Tôi biết chị giận tôi. Tôi biết chuyện nâng điểm môn Văn không khó. Nhưng tôi vẫn không làm. Tôi mong chị hiểu rằng điểm số phản ánh thực chất sức học của các con. Muốn đạt giỏi, con cần phải nỗ lực hơn nữa. Trong thi cử, nhất định chúng ta phải trung thực.

Một mùa thi nữa lại về. Chỉ mong sao phụ huynh hiểu cho nỗi lòng của các giáo viên chúng tôi. Chúng tôi thương các em nhưng không thể làm trái được lương tâm của mình.

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

LT

(Tây Ninh)