Gia Lai:

Phần mềm ra đề được mua rồi… cất vào tủ

(Dân trí) - Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Mang Yang (Gia Lai) sau khi được cấp phần mềm hỗ trợ soạn giảng và ra đề để phục vụ cho việc giảng dạy, đã mang về cất vào tủ vì phần mềm chưa phù hợp với thực tế của các cơ sở giáo dục trên địa bàn nơi đây.

Hơn 2 năm trước, Phòng GD-ĐT huyện Mang Yang đã có văn bản xin UBND huyện này xin kinh phí để mua phần mềm Trí Việt của Công ty TNHH Phát triển Hương Việt, để phát cho các trường tiểu học và trung học cơ sở thuộc quản lý của Phòng để sử dụng trong việc giảng dạy.

Tính năng của phần mềm này là giúp hỗ trợ các giáo viên trong việc soạn giảng và ra đề thi. Tuy nhiên, khi áp dụng vào tình hình thực tiễn tại huyện Mang Yang thì phần mềm này lại tồn tại một số hạn chế như: quá hiện đại, nhiều trường thiếu máy móc, phương tiện, người dùng không quen… Chính vì vậy, phần mềm này không chỉ không phát huy được tác dụng mà ngược lại còn gây lãng phí ngân sách nhà nước, tốn kém thời gian của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Phần mềm trên sau khi mua về thì được cấp cho 27 trường tiểu học và trung học cơ sở. Theo các giáo viên, vào thời điểm các trường được cấp phầm mềm trên, Phòng GD đã gọi đại diện các trường (mỗi trường 2 người) đi tập huấn sử dụng phần mềm. Sau đó, những người đi tập huấn sẽ về hướng dẫn lại cách thức sử dụng cho những giáo viên còn lại trong trường. Kết thúc buổi tập huấn, Phòng đã phát cho mỗi trường 1 bộ gồm 3 đĩa cài để về cài đặt và sử dụng. Theo các trường thì mỗi bộ cài là 35 triệu đồng. Và sau khi nhận được đĩa cài đặt, nhiều trường đã mang về cất vào tủ chứ không sử dụng.

Cô Lê Thị Lan - Hiệu trưởng Trường tiểu học ĐắK Djăng cho biết, từ lúc nhận về, trường chưa đua vào sử dụng nên chưa biết hiệu quả thế nào. Lý do được cô Lan đưa ra là trường còn thiếu máy tính, máy chiếu… nên chưa thể áp dụng.

Đại diện một trường khác cũng cho biết, lúc nhận bộ cài về, trường đã cất và chưa sử dụng vì nhiều lý do. Ngoài ra, nhiều trường ở các xã vùng sâu, vùng xa cũng thông tin rằng trường mình cũng nhận phần mềm về để… cất tủ.

Các giáo viên cho biết, cách đây một thời gian, Phòng GD huyện Mang Yang đã gọi đại diện các trường lên để đổi lại bộ cài đặt phần mềm mới thay cho bộ cài cũ, và cùng với đó là tiếp tục tập huấn sử dụng phần mềm.


Bộ phần mềm có giá 35 triệu đồng này chỉ để... cất vì không phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Bộ phần mềm có giá 35 triệu đồng này chỉ để... cất vì không phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Một giáo viên tham gia buổi tập huấn đã tiết lộ, trong buổi tập huấn thay đổi phần mềm thì họ nhận được thông báo là phần mềm trước đã mắc một số lỗi nên phải đổi bộ cài phần mềm mới hiện đại, đã được nâng cấp.

Và sau khi nhận được phần mềm “nâng cấp” này, nhiều trường cũng chỉ biết mang về cất tủ.

Trong những lý do nhận phần mềm về để cất tủ, thì chúng tôi được biết, nội dung trong phần mềm rườm rà, quá tải so với học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số. Với nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai, việc học sinh đến lớp đầy đủ cũng là điều may mắn đối với các thầy cô. Và một nguyên nhân rất quan trọng và thực tiễn đối với ngành giáo dục nơi đây là, nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, khi đến trường thì mới được tiếp xúc hoặc nói tiếng Việt, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và Nhà nước phải hỗ trợ gạo, tiền hàng tháng để học sinh không bị đói khi đi học. Chính vì vậy, phần mềm trên trở thành điều quá xa vời và không phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Các giáo viên cho biết thêm, một bộ phận giáo viên còn chưa rành máy tính để sử dụng phần mềm. Vì vậy, phần mềm này khiến họ tốn thời gian, rắc rối… Và khi sử dụng phần mềm để trộn đề thi thì mắc một số lỗi không theo được ý muốn chủ quan của người làm…

Trước thực tế trên, ông Ngô Văn Diệp - Trưởng phòng GD huyện Mang Yang cho biết, việc mua phần mềm trên xuất phát từ nhu cầu của ngành. Thời điểm mua bộ phần mềm đã lâu nên ông không nhớ mỗi bộ có giá bao nhiêu. Còn về hiệu quả của phần mềm thì ông Diệp nói rằng, có hiệu quả hay không thì phải dài ngày mới biết được… và vốn đầu tư của huyện eo hẹp lắm, để xin được cái gì đó đâu đơn giản đâu. Vì huyện này là huyện nghèo.

Ông Diệp cũng thật thà trả lời khi PV hỏi trước khi đi mua phần mềm, Phòng có đi khảo sát tình hình thực tế, điều kiện của các trường không?- “Em hỏi câu đó hơi khó cho ngành. Có những dự án còn đẩy vào những vùng khó khăn hơn nữa nhưng vẫn đưa vào… Đưa vào để người ta tiếp cận, làm quen”.

Trước vụ việc trê, bà Trần Thu Hà - Chánh văn phòng Sở GD tỉnh Gia Lai cho biết, Sở chưa nắm được thông tin về việc trên, Phòng GD mua phần mềm cũng không báo cáo lên Sở.

Thiên Thư- Y Võ