Phong hàm GS,PGS: Đừng để tiêu chí "Chủ nhiệm đề tài cấp bộ, cấp cơ sở" làm thui chột nhân tài

(Dân trí) - Nếu chúng ta lấy tiêu chí chủ nhiệm đề tài để đủ điều kiện khi xét phong hàm GS, PGS thì không những rất khó có thể chọn được nhà giáo trẻ tuổi, giỏi thật sự mà còn, vô hình trung, tạo ra nhiều cơ chế kéo lùi phẩm chất và chất lượng khoa học của các nhà khoa học ở ta đi xuống.

Đó là ý kiến của một nhà khoa học đang công tác tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội (xin được dấu tên) góp ý về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.


Để công nhận một nhà giáo cao cấp trong môi trường đại học (GS, PGS), trước hết, chúng ta hãy lấy năng lực nghiên cứu khoa học thật của họ - thông qua các công bố quốc tế - làm tiêu chí để bầu, xét.

Để công nhận một nhà giáo cao cấp trong môi trường đại học (GS, PGS), trước hết, chúng ta hãy lấy năng lực nghiên cứu khoa học thật của họ - thông qua các công bố quốc tế - làm tiêu chí để bầu, xét.

Là người được đào tạo chuyên ngành khoa học xã hội ở trong nước, cũng đã từng có có công bố quốc tế, từng tham gia đào tạo đại học và sau đại học, sau những năm tháng quan sát, chứng kiến thực tiễn hoạt động khoa học ở nước ta, tôi xin có một vài góp ý cho Dự thảo:

Thứ nhất, tôi đồng ý với Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước khi nhận định rằng, để không lạc lõng với quốc tế, chúng ta phải có công bố quốc tế theo các chuẩn đã đề xuất - đó là các Tạp chí trong chỉ mục ISI và Scopus.

Theo tôi, đây mới chính là thước đo năng lực, trình độ thực thụ của một nhà giáo trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Cần phải nói thêm rằng, một GS có học vấn sâu, rộng, trình độ nghiên cứu thực sự thì dù có gặp một số nhược điểm về năng lực sư phạm cũng không ảnh hưởng tới việc đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước; tài năng và tình yêu khoa học của thọ mới chính là nguồn cảm hứng, và là thứ “ngôn ngữ” dễ hiểu nhất để truyền cảm hứng học tập và nghiên cứu khoa học tới các thế hệ học trò của họ.

Vì thế, để công nhận một nhà giáo cao cấp trong môi trường đại học (GS, PGS), trước hết, chúng ta hãy lấy năng lực nghiên cứu khoa học thật của họ - thông qua các công bố quốc tế - làm tiêu chí để bầu, xét.

Thứ hai, dự thảo đề xuất kinh nghiệm giảng dạy phải là 10 năm liên tục như vậy là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, và như vậy, vô hình trung lại là rào cản tiếp theo đối với các nhà khoa học trẻ tài năng khi có ước mơ trở thành GS, PGS đại học.

Bởi một lẽ, ở nhiều trường đại học tiên tiến (ở Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc,…), rất nhiều GS có tuổi đời rất trẻ, họ chính là những người truyền cảm hứng tốt nhất (xin lỗi các GS lớn tuổi) về niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho lớp học trò trẻ tuổi.

Nói cách khác, chính sách “mở cửa” khi tăng cường số lượng bài báo quốc tế, giảm thời gian…kinh nghiệm giảng dạy và một số tiêu chí khác (sẽ nói tiếp phần dưới) sẽ tạo cơ hội cho các trường đại học có được các nhà giáo trẻ tuổi và tài năng thực sự, từng bước nâng cấp trường đại học của ta theo chuẩn quốc tế.

Thứ ba, Việc Dự thảo đưa ra tiêu chí các ứng viên đã từng là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ hoặc chủ nhiệm 02 đề tài cấp Cơ sở. Điều này, theo tôi, là bức xúc hơn cả.

Có lẽ nhiều người biết, ở ta có một chuyện lạ là, phần lớn các đề tài nghiên cứu, đặc biệt là đề tài cấp Bộ, chủ yếu dành cho người làm lãnh đạo đứng làm chủ nhiệm, những người làm thật chỉ là thành viên tham gia!?. Quan trọng hơn, nếu (một số) nhà khoa học trẻ muốn làm chủ nhiệm một đề tài theo nguyện vọng của mình thì phải bỏ ra một khoản tiền (không ít) để “bôi trơn”!

Như thế chẳng khác nào chúng ta dành cho nhà khoa học trẻ một lời khuyên: bạn tạm thời gác chuyện cống hiến giảng dạy, nghiên cứu khoa học lại thay vì phấn đấu trở thành người làm lãnh đạo, quản lý; bởi khi lên làm lãnh đạo, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn khi tham gia chủ nhiệm công trình khoa học.

Đây có phải sự thật trong nghiên cứu khoa học ở ta hiện nay không, tác giả xin phép không đưa dẫn chứng vì sự thật thì “trong nhà với nhau” sẽ hiểu rõ. Tác giả cũng không muốn bình luận thêm về chất lượng của các công trình khoa học kiểu này vì đã có nhiều người bàn về nó với từ khóa chủ đạo là “công trình khoa học, nghiệm thu, trong ngăn kéo,…!”.

Cũng cần nói thêm, quá trình làm đề tài kiểu thế này gặp vô vàn khó khăn về các khâu hành chính, đặc biệt là khâu thanh quyết toán kinh phí. Thật sự, những người phải trải qua làm đề tài kiểu này đều phát hoảng về những vấn đề hành chính phục vụ công tác nghiên cứu và giải quyết vấn đề.

Và sự thật là, đối với những nhà khoa học trẻ có khả năng và lương tâm thì không bao giờ họ lao vào các nghiên cứu kiểu như vậy. Và, như trên đã trình bày một phần, nếu chúng ta lấy tiêu chí chủ nhiệm đề tài để đủ điều kiện khi xét phong hàm GS, PGS thì không những rất khó có thể chọn được nhà giáo trẻ tuổi, giỏi thật sự mà còn, vô hình trung, tạo ra nhiều cơ chế kéo lùi phẩm chất và chất lượng khoa học của các nhà khoa học ở ta đi xuống.

***

Thiết nghĩ, trong bối cảnh toàn cầu hóa về khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo như hiện nay, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo chuẩn quốc tế bằng các tiêu chí đánh giá quốc tế là cần thiết.

Và một trong những tiêu chí tốt, theo nhiều nhà khoa học, là lấy việc công bố quốc tế làm thước đo, đặc biệt là các công bố trên Tạp chí đã được đề xuất trong Dự thảo. Và, đồng thời với đó, nếu chúng ta muốn thu hút nhân tài là lớp các nhà khoa học trẻ, thì rất cần thiết phải nghiên cứu loại bỏ một số tiêu chí có tính chất rào cản, chưa thật khách quan, khoa học ở trên.

Tuệ Nguyễn