Quanh chuyện ông Bob Kerrey: Phải trái, đúng sai…

(Dân trí) - Theo TS Huỳnh Thế Du, điều trớ trêu là việc minh định phải trái đúng sai trong câu chuyện nóng liên quan đến Bob Kerrey và ĐH Fulbright Việt Nam dường như là nhiệm vụ bất khả thi.

Xung quanh chuyện cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey được bầu chọn làm Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đang là tâm điểm dư luận, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công - Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã bày tỏ quan điểm của một người trong cuộc.


Tác giả bài viết TS. Huỳnh Thế Du.

Tác giả bài viết TS. Huỳnh Thế Du.

Báo Dân trí đăng tải nguyên văn quan điểm của TS Huỳnh Thế Du:

Là người trong cuộc, trong lúc tổ chức của mình đang ở tâm bão, tôi ủng hộ những quyết định của những người cầm lái và tôi tôn trọng quyết định của Bob Kerrey. Dù ông có quyết định như thế nào, tôi cũng tin rằng, mục tiêu duy nhất cũng chỉ vì tương lai của FUV, vì mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trong notes này, tôi xin không bàn tới việc ủng hộ hay phản đối mà xin mạo muội giải thích tại sao lại có hai luồng ý kiến trái chiều này. Thực ra, cả hai bên đều có cơ sở và tính chính đáng, nhưng điều trớ trêu là việc minh định phải trái đúng sai dường như là nhiệm vụ bất khả thi.

Phải trái, đúng sai

Những điều mà Bob Kerrey đã làm trong chiến tranh quả là kinh khủng, nhưng cái lằn ranh phải trái, đúng sai quả là mong manh.

Tôi xin kể ra đây câu chuyện có thật mà Michael Sandel đã kể lại trong “Justice” mà đã được dịch sang tiếng Việt với tiêu đề “Phải trái đúng sai”.

Trong một lần tập kích để tiêu diệt một thủ lĩnh quân Taliban ở Afghanistan, biệt đội SEAL 4 người đã bị phát hiện bởi hai bố con người chăn dê và người con chỉ khoảng 14 tuổi.

Biệt đội này đã không có dây để trói cũng không có đủ thời gian để tìm chỗ ẩn nấp khác, trong khi ở làng cách đấy không xa có khoảng 140-150 lính Taliban được trang bị vũ khí tối tân. Do vậy, họ đã đối mặt tình huống lưỡng nan: thả hay thủ tiêu hai người kia.

Một người cho rằng cần phải thủ tiêu với lập luận: “Chúng ta đang làm nhiệm vụ trong vùng của địch, được ra lệnh đến đây bởi những chỉ huy cao cấp. Chúng ta có quyền làm bất cứ điều gì để bảo vệ sinh mạng của mình. Quyết định quân sự là rõ ràng. Sẽ là sai lầm nếu thả họ đi.”

Marcus Luttrell, người sống sót duy nhất đã kể lại: “Trong tâm thức của tôi, tôi biết anh ấy đúng. Chúng tôi không nên thả họ đi. Nhưng vấn đề là tâm thức của tôi cũng mách bảo (như có gì đó thì thầm bên tai) rằng sẽ là sai lầm khi sát hại những thường dân không một tấc sắt trong tay một cách lạnh lùng.”

Bốn người đã biểu quyết với chỉ một người đồng ý thủ tiêu và hai người kia đã được thả. Khoảng hơn một giờ sau họ đã bị tấn công bởi khoảng 100 lính Taliban. Ba người trong đội cùng với 16 người trên chiếc trực thăng cứu hộ đã thiệt mạng.

Luttrell bị thương rất nặng, lết đến một ngôi làng cách đó hơn chục cây số và được người dân bảo vệ cho đến khi được cứu đi.

Luttrell đã dày vò và lên án mình tại sao đã không biểu quyết để thủ tiêu những người chăn dê nêu trên. Ông đã viết: “Đó là một quyết định ngu ngốc nhất trong đời tôi.”

Thế lưỡng nan và sự độc ác của chiến tranh quả là khủng khiếp như lời bài hát của Phạm Minh Tuấn: “Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa.”

Với những thông tin hiện có, tôi không thể biết được ở tuổi ngoài đôi mươi, động cơ thực sự sau hành động của Bob Kerrey lúc đó là gì?

Sự sốc nổi của tuổi thanh niên được lớn lên môi trường với biểu tượng anh hùng Rambo của Mỹ (trái ngược với kiểu anh hùng của Hồng vệ binh ở Trung Quốc) mà tuổi trẻ dễ được nhồi nhét bằng những lý tưởng hay giá trị mà họ tin là chân lý và cứ thể làm; Hành động của một sát nhân máu lạnh; hay vì những lý do nào khác. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp là phải chọn hay một trong hai ở trong thế tiến thoái lưỡng nan nêu trên.

Chuyện mãi đến khi sắp kết thúc sự nghiệp chính trị của mình cộng với những phóng sự điều tra của các hãng truyền thông lớn ở Mỹ thì Bob Kerrey mới thừa nhận hành động của mình, xét về khía cạnh con người thì có thể giải thích được.

Đã là con người, mấy ai có đủ can đảm nói ra hết các lỗi lầm của mình. Không chỉ sự nghiệp, mà còn gia đình và nhiều thứ khác nữa. Hơn thế, nhiều trường hợp những quan điểm thường trái chiều, rất khó phân định là đúng hay sai.

Quá khứ chiến tranh quả là khốc liệt.

Đối với giai đoạn sau khi kết thúc chiến tranh, tôi tin những gì mà Bob Kerrey cùng với một số người khác đã làm để hàn gắn mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà chúng có tác động tích cực cho sự phát triển của Việt Nam là thực sự và có ý nghĩa rất lớn.

FETP rồi đến FUV là một trường hợp như vậy. Quá trình phát triển lên thác xuống ghềnh suốt hơn hai thập kỷ qua. Bây giờ lại bắt đầu vào một giai đoạn khởi đầu đầy gian nan.

Tôi biết những người tạo dựng nên FUV hiểu rằng việc huy động các nguồn lực (nhất là nguồn lực tài chính) và có được những người hiểu những thách thức của việc hình thành một đại học chất lượng cao là một điều kiện hết sức quan trọng.

Một số vấn đề mà anh Nguyễn Thanh Việt cũng như một số người khác nêu ra trong cái notes của mình về việc Kerrey ở New School là có, nhưng những đóng góp của ông trong việc hình thành những ngôi trường có tên tuổi trong một khoảng thời gian khiêm tốn là không thể phủ nhận. FUV thực sự cần những người như ông.

Nỗi đau vẫn còn đó

Bốn mươi năm chiến tranh đã kết thúc những người muốn hướng về phía trước (trong đó có tôi) luôn muốn khép lại quá khứ để chung tay cho những gì tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề không đơn giản một chút nào.

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt là người ý thức rất rõ điều này khi ông đã phát biểu vào năm 2005: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.”

Điều hay được nhắc đến trong phát biểu trên là những người ở hai bên. Tuy nhiên, ngay trong “những người vui” cũng có cả triệu người buồn. Ở những thời khắc “kỷ niệm” là hình ảnh ánh mắt và tâm trạng của hàng triệu người nhìn những tấm ảnh/bài vị trên bàn thờ nghi ngút khói hương.

Hiện đang có gần 30% người Việt sinh ra trước năm 1975 và gần 10 triệu người có độ tuổi từ 60 trở lên - những người đã trải qua suốt những năm tháng của chiến tranh.

Những cảm nhận chung trên mạng xã hội là muốn hướng về phía trước. Tuy nhiên,đa phần người dùng FB là sinh sau 1975. Số người trên 60 có FB và tiếp cận thông tin trên mạng không nhiều . Có thể lòng vị tha thường lớn lên cùng với tuổi tác, nhưng tôi không chắc lắm nỗi đau với rất nhiều người đã thực sự qua chưa.

Nói gì thì nói rất khó để có thể phủ nhận rằng bóng ma của chiến tranh vẫn còn dai dẳng ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Gần đây nhất là tôi được nghe câu chuyện anh Phan Chánh Dưỡng kể về những nạn nhân chất độc màu da cam ở khắp 63 tỉnh thành của cả nước mà khi đó ông Thomas Vallely đã lặng người đi.

Do vậy, một cách khách quan những người nêu ra và thảo luận những điều mà nó có thể khơi gợi lại các vết thương chiến tranh là chính đáng. Đâu ai muốn nhắc lại nỗi đau, nhưng đâu thể nào quên! Đây vẫn đang là một sự thật.

Bảo vệ tư do học thuật và tự chủ quản trị

Là người trong cuộc, tôi chỉ muốn mọi chuyện thuận lợi để FUV có thể phát triển. Đương nhiên là tôi không vui với những điều gây ra những tác động tiêu cực cho tổ chức của mình.

Tuy nhiên, tôi tôn trọng những quan điểm khác biệt, tôn trọng những người theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp dựa trên giá trị và cách hành xử thông thường trong nghề của mình.

Nền tảng của tự do học thuật mà FETP đã và đang và sắp tới là FUV đeo đuổi chính là như vậy.

Một số người đã hỏi tôi hoặc tìm hiểu xem quan điểm chung/chính của Harvard là gì. Tôi thường trả lời rằng quan điểm chung ở đó là ai thích thể hiện quan điểm của mình như thế nào thì tùy. Như trong chiến tranh Việt Nam nhiều người chống nhưng nhiều người cũng ủng hộ.

Ở Fulbright chúng tôi theo cách tiếp cận này. Mỗi một thành viên riêng biệt đều có cách nhìn và quan điểm của mình. Đối với những vấn đề chung thì người có thẩm quyền phát ngôn chính thức thể hiện quan điểm của tổ chức. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là tất cả các thành viên trong tổ chức đều phải theo.

Điều làm tôi lo lắng là sắp tới với FUV, liệu điều này có được đảm bảo trong bối cảnh kỳ vọng, áp lực cũng như sự giám sát của xã hội sẽ lớn hơn FETP bội phần.

Cho dù câu chuyện về Bob Kerrey có đi theo hướng nào, tôi cũng mong rằng những nền tảng cơ bản của tự do học thuật, tự chủ quản trị sẽ được đảm bảo .

Thú thực hiện tại tôi đang bị giằng xé rất dữ dội về hai luồng kiến. Giống như tâm trạng của Luttrell trong câu chuyện ở trên vậy. Mỗi người đều có thể thể hiện quan điểm hay chính kiến riêng của mình, nhưng rất khó để có thể nói bên nào đúng bên nào không.

Tuy nhiên, tôi chỉ mong mỏi rằng, tất cả chúng ta cùng tôn trọng sự khác biệt và trao đổi cũng như tranh luận trên tinh thần xây dựng để sao cho dù kết quả có theo về phía bên nào thì mọi người cùng chung tay vì những mục tiêu tốt đẹp nhất.

Những người đang ở hai bên hiện nay đã và đang là những người bạn, thậm chí là rất thân với nhau. Rất mong rằng, khi chuyện qua đi chúng ta vẫn là những người bạn tốt của nhau. Thôi thì sau khi “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa!”.

Huỳnh Thế Du

(*Bài viết được đăng lại từ Facebook với sự đồng ý của tác giả)