Sẽ dừng việc thuê nhà dân để dạy của Trường tiểu học Thăng Long

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí ngày 26/9, ông Ngô Trí Nam, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Sẽ dừng việc thuê nhà 319 Bạch Đằng của Trường tiểu học Thăng Long”.

Sẽ dừng việc thuê nhà dân để dạy của Trường tiểu học Thăng Long - 1
Ngôi nhà mà dự kiến có khoảng hơn 400 học sinh Trường tiểu học Thăng Long sẽ học. (Ảnh: Tuổi trẻ)
 
Thời gian vừa qua, hàng trăm phụ huynh Trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đặc biệt là tập thể phụ huynh lớp 3E, bày tỏ bức xúc và phản đối về việc lãnh đạo trường dự kiến chuyển địa điểm 10 lớp học với hơn 400 học sinh tới địa chỉ nhà dân 319 Bạch Đằng chật hẹp và không an toàn. Ông Ngô Trí Nam, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: “Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh đồng thời chủ trương vì sự an toàn của học sinh lên trên hết, đến thời điểm này có thể khẳng định là chúng tôi sẽ yêu cầu dừng không tính đến việc thuê nhà 319 Bạch Đằng làm lớp học như dự kiến nữa. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu nhà trường, giáo viên, phụ huynh cùng vào cuộc để các cháu có chỗ học tốt nhất trong thời gian xây dựng trường mới”.
 
Ông Nam cũng cho hay: "Chủ trương ban đầu của chúng tôi là không xé lẻ quá nhiều địa điểm học khác nhau để đỡ khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn. Nếu mượn phòng trống của các trường thì không có trường nào đáp ứng được 10 phòng học. Hơn nữa, cùng thời điểm này thì Trường tiểu học Trần Quốc Toản trên địa bàn cũng xây dựng và đã mượn cơ sở của Trường Trưng Vương để học nhờ 1/2 số học sinh. Địa điểm 319 Bạch Đằng cũng chỉ là một địa chỉ để tham khảo trong quá trình tìm kiếm chứ không phải đã quyết định lựa chọn. Thời gian tới, trong cuộc họp giao ban với các trường, chúng tôi chủ trương sẽ kêu gọi các trường trên địa bàn quận một cách quyết liệt hơn trong việc cho Trường Thăng Long mượn cơ sở vật chất".
 
Về nhiều ý kiến cho rằng, Trường tiểu học Thăng Long cần được giữ lại như một chứng tích lịch sử - ngôi trường là nơi khởi nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nam nói: “Tôi hiểu rằng đó là những điều rất đáng trân trọng nhưng vì di tích mà để học sinh phải thiếu chỗ học, thiếu chỗ sinh hoạt tập thể mãi như thế cũng không được. Trước ý kiến đó thì chúng tôi cũng sẽ cân nhắc và kiến nghị với ngành văn hóa bảo tồn ở một góc độ nào đó. Còn việc xây dựng trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia, học sinh đủ chỗ học, không phải đi chia nhau học ở các điểm lẻ, có chỗ vui chơi, sinh hoạt tập thể là rất cần thiết và nên ủng hộ việc làm đó”.

Trước đó, ngày 24/9, báo Dân trí đã đăng bài “Phụ huynh bức xúc vì trường “dồn” hơn 400 HS vào nhà dân học”. Do được phê duyệt xây lại trường mới, Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội) đã lên kế hoạch đưa hơn 400 HS về học tại ngôi nhà thuê 6 tầng với diện tích chật hẹp.

Bức xúc trước sự bất ổn của địa điểm này, phụ huynh lớp 3E đã tổ chức buổi họp khẩn với lãnh đạo nhà trường và đã đưa ra thông tin cụ thể như: Diện tích mặt tiền chỉ 4m2, nhà 6 tầng. Tầng 2, 3 phòng học ngoài chỉ có diện tích 27m2, 1 toalet rất nhỏ. Phía trong gồm 2 phòng, 1 phòng ở giữa không có ánh nắng mặt trời, khoảng 17m2... Hành lang bề rộng chỉ có 80cm, dài khoảng 4m để đi vào lớp, khu vệ sinh và cầu thang. Tương tự, tại tầng 4, 5, 6 phòng học ngoài chỉ có 27m2, phòng trong khoảng 45m2 mà chỉ có 1 toalet và không có cửa sổ. Tầng 6 là cửa kính rất nguy hiểm cho học sinh.
 
Tại buổi họp, tất cả các ý kiến của phụ huynh đều phản đối địa điểm học mới của nhà trường đưa ra và mong muốn nhà trường tìm địa điểm mới phù hợp hơn, an toàn hơn với các học sinh.

Hồng Hạnh