Tâm sự của chàng trai giành giải thưởng lãnh đạo sinh viên tại Australia

(Dân trí) - Đại học La Trobe mới đây đã trao cho học viên Học bổng Chính phủ Australia Đào Đăng Mạnh giải thưởng Lãnh đạo Sinh viên vì những đóng góp của anh cho cộng đồng sinh viên Việt Nam và quốc tế tại trường.

Anh Đào Đăng Mạnh theo học chương trình Thạc sĩ Quản lý và Hệ thống Thông tin Doanh nghiệp tại La Trobe và đảm nhiệm vị trí chủ tịch của Hội Sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, anh cũng sáng lập ra Foodie Connect, một ý tưởng khởi nghiệp được nhiều chuyên gia đánh giá cao.

Đây là một ứng dụng trên Smartphone kết nối mọi người bằng cách chia sẻ đồ ăn cũng như khuyến khích mọi người tài trợ các món ăn miễn phí cho trẻ em nghèo.


Đào Đăng Mạnh

Đào Đăng Mạnh

Tại La Trobe, anh thường xuyên tổ chức các hoạt động cho sinh viên quốc tế như câu lạc bộ ẩm thực, các hoạt động picnic ngoài trời hoặc các chuyến đi thăm quan các địa danh ở Melbourne.

“Mình luôn mong muốn một điều chia sẻ quảng bá hình ảnh Việt Nam, văn hóa cũng như ngôn ngữ của Việt nam cho bạn bè quốc tế. Vì vậy trong các ngày lễ cổ truyền như Tết, Trung Thu, mình luôn tổ chức các sự kiện giới thiệu về ẩm thực cũng như văn hóa của Việt Nam và mời các bạn bè quốc tết tham gia,” anh cho biết.

Tâm sự của chàng trai giành giải thưởng lãnh đạo sinh viên tại Australia - 2

Đào Đăng Mạnh chia sẻ kinh nghiệm, “Lúc mới sang mình gặp khó khăn trong việc giao tiếp với các bạn sinh viên quốc tế cũng như tiếp thu các bài giảng trên lớp. Phát âm không chuẩn, hoặc chưa tự tin nói tiếng Anh với các bạn bè quốc tế là một trở ngại không chỉ với mình mà với nhiều bạn trẻ khác.

Tuy nhiên mình đã vượt qua trở ngại đấy bằng cách chịu khó học tập, đọc và chuẩn bị bài trước khi lên lớp và quan trọng là không ngại ngần giao tiếp. Mình chủ động tích cực làm quen và kết bạn với các bạn sinh viên quốc tế khác.”


Đào Đăng Mạnh và các bạn sinh viên

Đào Đăng Mạnh và các bạn sinh viên

Đào Đăng Mạnh đưa ra lời khuyên đối với những bạn sắp sang Úc học: “Trước khi đi học, các bạn hãy chuẩn bị kỹ về tiếng Anh cũng như các kỹ năng mềm cần thiết nhất phục vụ cho cả việc đi học, đi làm thêm ở Úc sau này. Thứ hai là tự tin trong giao tiếp, đừng ngại khi giao tiếp bằng tiếng Anh, bạn có thể làm quen nói chuyên với bất cứ bạn bè mới nào bằng các câu hỏi làm quen như bạn tên là gì, bạn đến từ đâu, bạn học ngành gì, sở thích của bạn là gì. Với những câu hỏi mở đầu thế này và cử chỉ thân thiện bạn có thể nói chuyện với bất kỳ ai.

Bên cạnh việc học bạn cũng nên giữ cân bằng trong cuộc sống mở rộng mối quan hệ bằng việc tham gia các câu lạc bộ của trường, các chương trình tình nguyện của trường, của thành phố bạn đang học".

Nhật Hồng