Thạc sĩ Chính sách ĐH Harvard: “Mọi hình phạt đều không được làm mất thời gian học hành của trẻ”

(Dân trí) - Liên quan đến quy định gây tranh cãi vừa qua của Sở GD&ĐT Hà Nội, Thạc sĩ Chính sách và Quản lý Giáo dục, Đại học Harvard, Mỹ - Trương Phạm Hoài Chung nhận định, một hình phạt tốt phải phù hợp để vừa giáo dục nhân cách, vừa không ảnh hưởng đến việc học của các em.

Đình chỉ học 1 tuần có thể gây ảnh hưởng lớn đến trình độ

Theo quan điểm giáo dục của một số trường phổ thông ở Mỹ thì tất cả các hình thức kỷ luật đều không được làm mất đi thời gian học hành của trẻ em. Vì nếu trẻ em có kết quả học tập không tốt thì chính do những hình thức kỷ luật đó gây ra.

Theo lối suy nghĩ đó thì hình phạt đình chỉ học tập 1 tuần nếu vi phạm luật giao thông nhiều lần có thể ảnh hưởng lớn đến việc học của các em, gây thêm áp lực cho thầy cô giáo và làm mất cân bằng giữa trình độ của học sinh trong lớp học. Nhìn tổng thể, tất cả học sinh đều bị ảnh hưởng dù là trực tiếp hay gián tiếp.

Hơn thế nữa, khi một môi trường học có nhiều học sinh vi phạm luật gì đó, thì nó phản ánh chương trình giáo dục của trường đó chưa bao hàm đầy đủ các khía cạnh để trở thành công dân tiêu biểu. Trước khi đưa ra các hình thức kỷ luật cần tổ chức các đợt thanh tra xem trường dành ra bao nhiêu thời gian trong 1 năm học để giúp các em được tiếp cận và thực hành các luật an toàn giao thông. Sau đó, cần khảo sát và đánh giá xem các em có thực sự hiểu luật không.


Thạc sĩ Chính sách và Quản lí giáo dục ĐH Harvard - Trương Phạm Hoài Chung

Thạc sĩ Chính sách và Quản lí giáo dục ĐH Harvard - Trương Phạm Hoài Chung

Hãy lắng nghe các em

Quay về câu hỏi hình phạt nào phù hợp để vừa giáo dục nhân cách, vừa không ảnh hưởng đến việc học của các em thì tôi đề nghị có thể tổ chức những buổi gặp mặt giữa thầy giám thị và học trò vi phạm không phải là để kỷ luật mà là để “giải quyết vấn đề”.

Vấn đề ở đây là các em vi phạm an toàn giao thông, nhưng người lớn có lắng nghe lý do ngọn ngành từ phía học trò không? Có thể các em thấy nhiều người lớn vi phạm nên làm theo mà không nghĩ bản thân mắc lỗi. Có thể các em sợ bị trễ học mà giao thông thì ách tắc, phương tiện công cộng không thuận tiện. Ở Mỹ không có hình phạt về vi phạm an toàn giao thông với học sinh, bởi lẽ học sinh mọi độ tuổi - ở tất cả các cấp đều có xe bus đưa đến trường học.

Có thể các em phạm luật là những em gia đình khó khăn phải tự đi học mà không có người lớn đưa đèo. Khi người lớn lắng nghe và cho học trò có tiếng nói trong việc giải quyết vấn đề thì sẽ đạt được kết quả tích cực hơn là áp đặt trẻ em luôn sai và phải bị răn đe trừng trị.


Các em cần được phân tích luật và những lợi ích cho bản thân và người khác nếu mình tuân thủ luật

Các em cần được phân tích luật và những lợi ích cho bản thân và người khác nếu mình tuân thủ luật

Trường hợp thứ 1 cần giúp các em phân tích luật và những lợi ích cho bản thân và người khác nếu mình tuân thủ luật. Các em cần phải hiểu là sẽ có những người lớn không gương mẫu (cũng giống như sẽ có người lớn trộm cướp, giết người), nhưng nhà trường sẽ giúp cho các em lớn lên không giống như những người lớn ấy.

Trường hợp thứ 2 và thứ 3, trường cần tìm hiểu cách giúp các em đến trường một cách an toàn nhất, đặc biệt là ở những tuyến đường phức tạp. Trường cần liên lạc với phụ huynh để giúp nhắc nhở các em khởi hành đi học sớm và đồng hành trên đường đi học cùng các em càng lâu càng tốt.

“Tóm lại, khi trẻ em vi phạm, bên cạnh các biện pháp kỷ luật đã được công bố rõ ràng từ đầu năm học, trường cần dành thời gian để tìm hiểu lý do đằng sau mỗi đợt vi phạm và cùng các em giải quyết vấn đề mà không làm mất thời gian học tập quý báu của các em”, Thạc sĩ Chính sách và Quản lí giáo dục ĐH Harvard - Trương Phạm Hoài Chung chia sẻ.

“Học sinh phạm luật thì cha mẹ bị phạt”

“Theo tôi biết thì học sinh phổ thông ở Úc được giáo dục tốt về an toàn giao thông. Thậm chí từ mẫu giáo các cháu đã được thực hành về an toàn giao thông qua các bài hát/trò chơi. Trong trường hợp học sinh phạm luật thì cha mẹ bị phạt chứ hoàn toàn không có chuyện buộc thôi học” – (Nghiêm Hồng Sơn, Nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Công nghệ Queensand, Úc).

“Trách nhiệm đào tạo những công dân tôn trọng pháp luật”

“Trường học là một cơ sở đào tạo không có thẩm quyền trong việc này. Trách nhiệm của trường học là đào tạo học sinh trở thành những công dân tôn trọng luật pháp trong đó có luật giao thông”(GS.TS Trương Nguyện Thành, giáo sư Đại học Utah, Mỹ).

“Gia đình, cha mẹ, xã hội thất bại chứ không phải chỉ mình trẻ”

“Mình nghĩ việc học sinh vi phạm luật pháp mà phạt học sinh thôi thì không công bằng với trẻ. Trẻ dưới 18 tuổi được coi là chưa đủ khả năng tự quyết định nhiều việc nên những trường hợp phạm pháp họ cũng có toà án riêng và nhiều khi cha mẹ và người giám hộ cũng bị điều tra. Còn những việc nhỏ hơn như phạm luật giao thông thì có lẽ cha mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm - vì dạy con cái ý thức pháp luật là nhiệm vụ của gia đình cha mẹ, và có sự hỗ trợ của nhà trường và xã hội.

Nếu không thực hiện được là gia đình cha mẹ và xã hội thất bại chứ không phải chỉ mình trẻ. Ở đây những lỗi kiểu này, nếu lặp đi lặp lại thường có sự can thiệp của cán bộ xã hội thay vì cảnh sát hay phạt”(Kim Hương – Du học sinh Đại học Queensland, Úc).

“Khi tham gia giao thông mọi người nên được đối xử bình đẳng”

“Hình thức kỉ luật buộc thôi học là hình thức kỉ luật rất phản giáo dục vì chúng ta đang muốn khuyến khích con em mình học tập để nhận thức về thế giới xung qanh. Tôi nghĩ khi tham gia giao thông thì mọi người nên được đối xử bình đẳng; nghĩa là ai vi phạm thì bị phạt theo quy định của pháp luật (học sinh không có tiền thì phụ huynh phải trả tiền) và nhà trường sẽ ghi lại những vi phạm đó vào học bạ của hoc sinh. Những vi phạm này sẽ theo đuổi học sinh suốt cuộc đời vì học sinh thường xuyên vi phạm cũng đồng nghĩa với ý thức kỷ luật kém. Khi phụ huynh học sinh phải trả tiền phạt hoặc phải nhờ vả nhiều thì cũng sẽ giáo dục các cháu về việc tuân thủ luật giao thông.

Bên cạnh đó nhà trường cũng nên tổ chức giáo dục các cháu về lý do, mục đích và tác hai của việc không chấp hành luật giao thông. Giáo dục là cách giúp người ta nhận thức được vấn đề. Khi nhận thức được vấn đề thì người ta sẽ thay đổi hành vi. Cho nên nếu kỷ luật bằng cách cấm người ta học thì người ta sẽ không bao giờ nhận thức được vấn đề do đó sẽ không thay đổi hành vi”- (Tiến sĩ Chinh Quoc Hoang – Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Indiana UniversityPurdue- University Indianapolis, Mỹ).

Lệ Thu (ghi)