“Thần đồng” Đỗ Nhật Nam và kỉ niệm đón giao thừa trên đất Mỹ

(Dân trí) - “Đúng 12 giờ Việt Nam- giây phút đón giao thừa, em nghe thấy nhiều nơi đốt pháo. Giây phút đó, những kí ức tết Việt Nam vùn vụt chạy qua trong em... ”. Từ Mỹ, “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ riêng với PV Dân trí về kỉ niệm một mình đón tết xa quê, xa bố mẹ.

Miên man nhớ khoảnh khắc giao thừa

Mới 13 tuổi nhưng “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đang là du học sinh tại Mỹ và là giám đốc điều hành tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á Creative Melange. Đây cũng là năm thứ hai, cậu bé đón tết xa gia đình.

Chia sẻ về những cảm xúc khi một thiếu niên lần đầu tiên đón tết xa quê, Nam tâm sự: “Đến năm nay nữa em trải qua hai cái tết xa nhà. Trước đây, mỗi lần tết đến, đọc những bài viết của những người không có dịp về ăn tết với gia đình, chỉ thấy hơi man mác buồn nhưng giờ mới thấm thía.

Những nỗi nhớ gia đình, hàng ngày bị học hành, công việc cuốn đi nhưng đến dịp tết lại da diết hơn”.

Đỗ Nhật Nam trong một lần đón tết ở quê nhà (ảnh: gia đình cung cấp)
Đỗ Nhật Nam trong một lần đón tết ở quê nhà (ảnh: gia đình cung cấp)

Được biết tết năm ngoái, em ở cùng với nhà cô chú người Việt. Biết em buồn nên cô chú cho em đi chơi ở Cali. Đây là nơi có nhiều người Việt. Cảm giác đi giữa dòng người, thi thoảng thấy nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt rất ấm áp. Em cũng được ngắm hoa đào, được ăn bánh chưng. Tất nhiên là vị hơi khác so với ở Việt Nam nhưng rất tuyệt. Nó làm em đỡ nhớ những món ăn mẹ nấu.

Đúng 12 giờ Việt Nam, em nghe thấy nhiều nơi đốt pháo. Người Việt ở Cali vẫn muốn giữ lại chút “hồn vía” của tết Việt. Nhiều người ôm nhau nói lời chúc mừng năm mới. Giây phút đó, những kí ức tết Việt Nam vùn vụt chạy qua trong em.

Em đoán giờ này bố mẹ chắc lên trên sân thượng để cúng trung thiên. Mọi năm khi em ở nhà, em và mẹ thường chạy thật nhanh lên đúng khi đồng hồ điểm 12 tiếng để ôm chầm lấy bố, lúc đó đang cúng bái lạy tổ tiên trời đất. Cả nhà chúc mừng trong tiếng pháo hoa nổ gần xa rộn rã.

Nhật Nam và kỉ niệm khi bố mẹ qua Mỹ thăm em mới đây (Ảnh: gia đình cung cấp).
Nhật Nam và kỉ niệm khi bố mẹ qua Mỹ thăm em mới đây (Ảnh: gia đình cung cấp).

Rồi cả nhà sẽ xuống chúc tết, mừng tuổi ông bà. Bố em sẽ mở chai rượu vang để cả nhà cùng nhấp chén rượu mừng xuân. Tất cả đều rộn rã, náo nức. Em thích tận hưởng cái không khí đầm ấm đó. Thích nhìn hình ảnh mẹ tất bật đi lại chuẩn bị cho những bữa ăn gia đình. Má mẹ đỏ bừng, nụ cười hiền như mùa xuân mới. Em cứ miên man nhớ về những khoảnh khắc đó.

Mỗi lần nhắc với chúng tôi về con trai, mẹ em- cô giáo Phan Hồ Điệp vẫn lén lau nước mắt. Trả lời câu hỏi, chị nhớ nhất điều gì ở Nam vào đêm giao thừa? Chị lặng đi. Với chị, mỗi ngày trôi qua đều là "giao thừa" bởi hình ảnh cậu bé Nam đón tết cùng bố mẹ luôn trong tâm trí chị.

Thế mới biết, có những điều giản dị ở quanh ta, chỉ khi đi xa, ta mới cảm nhận, mới thấy nó có ý nghĩa sâu sắc với ta biết chừng nào.

“Tết” của em là... 3 tháng nữa"

Theo chia sẻ của Nhật Nam, ngày mùng 1 tết của Việt Nam thì bên Mỹ, mọi người vẫn đi học đi làm. Tết dương lịch mới đây của Mỹ, em cũng đang đợt nghỉ học và được nghỉ ở một gia đình người quen. Gia đình có hai em nhỏ nên tết càng vui hơn. Người Việt bên này cũng hòa nhập đời sống và ăn tết như người Mỹ. Những ngày tết, cả gia đình cũng sum vầy, nấu nướng những món ăn ngon.

Vào đêm giao thừa của Mỹ, em ngồi nhìn chăm chăm vào ti vi đang quay đồng hồ đếm ngược đón năm mới và lòng thầm mong những điều tốt đẹp cho gia đình yêu dấu của mình. Bố mẹ em cũng canh giờ để gọi điện vào đúng thời khắc ấy. Cả nhà nhìn nhau qua màn hình máy tính. Cả nhà cười nhưng ai cũng rưng rưng.

Mẹ Nhật Nam với đôi mắt hoe đỏ trong giây phút tiễn con trai ở lại một mình trên đất Mỹ (Ảnh: gia đình cung cấp)
Mẹ Nhật Nam với đôi mắt hoe đỏ trong giây phút tiễn con trai ở lại một mình trên đất Mỹ (Ảnh: gia đình cung cấp)

Em chỉ ước giá có thể ôm được bố mẹ vào lòng. Em nhớ lắm cái nắm tay mạnh mẽ của bố, những vòng ôm của mẹ. Bởi vậy, tết thực ra là để cho mọi người hiểu nhau hơn, yêu nhau hơn, gần nhau hơn. Tâm thức người Việt luôn đầy ắp những hình ảnh gia đình và dù có đi đâu, cũng luôn nhớ về nhau bằng tất cả nỗi niềm da diết.

Đã hai năm trôi qua, hiện tại em đang dần quen với việc đón tết Mỹ. Theo Nhật Nam, người Mỹ không coi trọng việc “ăn tết”. Đối với họ, những ngày nghỉ mà gia đình ở bên nhau, cùng nhau sum họp, thế cũng có nghĩa là “tết”. Em cho rằng, đó cũng là một quan niệm hay. Bởi thực ra, cuộc sống càng bận rộn, cơ hội được ở cạnh nhau, được trao cho nhau những yêu thương càng khó. Vậy ta nên tận dụng những khoảnh khắc đó, cho dù tết hay không tết.

Tết của Nhật Nam còn... 3 tháng nữa... (Ảnh: gia đình cung cấp)
"Tết" của Nhật Nam còn... 3 tháng nữa... (Ảnh: gia đình cung cấp)

Và bởi vậy, với em, mùa hè chính là mùa xuân. Những kì nghỉ hè chính là ngày tết. Khi đó, em được ở bên bố mẹ, được cảm nhận hơi ấm dịu dàng từ bố mẹ.

“Khi em nói những điều này trong tâm trạng có chút bồi hồi vì biết giờ này ở Việt Nam, mọi người đang chuẩn bị đón một cái tết đầm ấm. Em mong mọi người, mọi nhà sẽ cùng tận hưởng những giờ khắc tuyệt vời bên nhau.

Em cũng vừa được một cô chú người Việt hẹn đến nhà ăn tết cùng với cả gia đình. Em thầm biết ơn điều đó vì mọi người đã hiểu những nỗi lòng của những đứa trẻ du học xa nhà.

Và em cũng tự nhẩm tính: Tết của em còn ba tháng nữa sẽ tới. Nhanh thôi mà. Bố mẹ ơi”!

Mỹ Hà (ghi theo lời kể của Nhật Nam)

(Email:myha@dantri.com.vn)