Thanh niên đốt chứng chỉ du học gây tranh cãi

(Dân trí) - “Hãy học vì sự phát triển của bản thân”, đừng vì một luật lệ nào đó mà giới hạn khả năng của mình”, thông điệp của thanh niên có tên Dinh Thanh Hung sau khi đốt 2 chứng chỉ du học đã gây nhiều tranh cãi. Theo một số chuyên gia giáo dục, để chứng minh bằng đại học chỉ là tờ giấy và đốt đi như vậy là không đáng.

Thức tỉnh kiểu học tập chạy theo bằng cấp

Một facebooker có tên Dinh Thanh Hung đăng hình ảnh hai chứng chỉ du học vừa bị đốt đã thu hút hàng nghìn bình luận của cư dân mạng. Hình ảnh đã thu hút gần 3 nghìn lượt thích (like) và gần 500 chia sẻ.

“Hôm nay tấm bằng JLPT-N1 đã về đến tay. Lần này thi được 177 điểm, chắc cũng có số có má tại Việt Nam. Quyết định đốt luôn. Đốt xong, nhớ ra hơn 1 năm trước thi kỳ thi cho du học sinh (EJU) bên Nhật cũng được thủ khoa khối du học sinh Việt Nam, tiện bật lửa, lôi ra đốt nốt...”, chủ nhân 2 tấm bằng chia sẻ trên facebook cá nhân.

Nói về nguyên nhân cũng như động cơ của việc đốt chứng chỉ du học, trên trang cá nhân Hung cho biết: “Mình không dám phân bua nhiều về tính khả thi của việc cải cách giáo dục ở Việt Nam. Nhưng qua “tâm thư” đó, mình chỉ mong truyền tải tới các bạn một thông điệp về việc học. “hãy học như chưa hề biết gì”. “Mọi con đường đều có 2 mặt. Quan trọng là cá nhân cảm thấy thoải mái. Mình ko khuyên ai nên chọn con đường nào”.

Ngay lập tức, hình ảnh đốt bằng của Hung đã gây ra nhiều tranh cãi. Một độc giả đến từ Hà Nội chia sẻ: “Chúng ta đang sống và làm việc ở những nơi trọng bằng cấp, nếu giữ tấm bằng, trong ta sẽ luôn có tư tưởng, thế là đạt được mục tiêu, đủ rồi.

Còn nếu không có tấm bằng đó, ta có lẽ sẽ phải học, học mãi vì nó không bao giờ ta đạt được mục tiêu. Nếu việc đó thức tỉnh những người đã và đang chạy theo bằng cấp, định hướng cho họ mục tiêu học tập thì đốt cũng đáng đấy chứ”, độc giả này nhận xét.

Bạ Sang Trường Phạm cũng tâm sự: "Đốt bằng đau lắm chứ! Nó là kết quả của bao mồ hôi, công sức, bao ngày tháng xa gia đình, xa bạn bè, là bao đêm vùi đầu vào học tập và cố gắng, là bao ngày tháng ốm đau vẫn phải cố gắng đến trường, đến lớp, là bao nhiêu nước mắt, nụ cười..... rồi cả hi vọng ta đều đặt trọn vào nó. Tấm bằng đó còn là kết quả của cả chặng đường của một con người. Hành động đốt bằng không sai, nó chỉ thể hiện là nỗi đau ngày hôm qua đó đã đến đỉnh điểm.

Cô Thanh Vân, một giáo viên cấp 2 nghỉ hưu (Đồng Hới, Quảng Bình) cho rằng, hiện nhiều người đang nặng về vấn đề bằng cấp vì có bằng đẹp dễ xin việc, có lương cao hơn nên tôi nghĩ, hành động đốt chứng chỉ của em là một cách trả lời rằng việc học không chỉ đơn thuần có vậy.


Hình ảnh đốt chứng chỉ du học Nhật được Hung đăng trên trang cá nhân mới đây

Hình ảnh đốt chứng chỉ du học Nhật được Hung đăng trên trang cá nhân mới đây

Nhiều cung đường phải cần “tấm vé”

Ngược lại với một số ý kiến tung hô và ủng hộ cho hành động đốt chứng chỉ của Dinh Thanh Hung, nhiều độc giả cũng lên tiếng phản đối vì cho rằng, đấy chỉ mới hướng đến cải cách tư tưởng về việc học chứ chưa phải cải cách giáo dục.

“Nếu không cần thì bạn thi cử làm gì? Nếu đã thi, tôi nghĩ nên trân trọng những gì mình có. Tấm bằng nó là kết quả của cả một quá trình rèn luyện phấn đấu, tuy ở nước ta còn nhiều bất cập nhưng cách bạn làm vẫn rất ấu trĩ”, Nguyễn Thanh Hưng (Tp Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Đồng quan điểm này, bạn Nguyễn Thành (Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho rằng, nếu nói hành động này thể hiện thông điệp muốn cải cách giáo dục thì chưa đúng. “Tôi nghĩ bạn mới chỉ hướng mọi người cải cách tư tưởng về việc học thôi chứ chưa phải là cải cách giáo dục”, bạn Thành nói.

Trao đổi với chúng tôi, cô Trần Ái Vân, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng nhận xét, ở nước ta, bằng cấp vẫn quan trọng bởi đó gần như là tấm vé để vào đời. Tất cả các nhà tuyển dụng hầu như đều lấy tấm bằng làm tiêu chí tuyển người. Thậm chí ở Đà Nẵng hiện nay, một số ngành không tuyển sinh viên ra trường có bằng khá.

Đối với những người cho rằng mình không quan trọng bằng cấp nhưng khi họ mở công ty riêng, việc tuyển người cũng căn cứ trên tấm bằng đại học. Hoặc chỉ tuyển bằng kinh nghiệm nhưng sau một thời gian làm việc, họ cũng cho nhân viên đó đi học để lấy bằng cấp. Vậy, nếu nói không cần thiết thì có lẽ không đúng.

“Tóm lại, với quan điểm của mình, tôi cho rằng, bằng đại học là cần thiết cho mỗi người trong xã hội hiện nay. Việc thành công hay không lại tùy thuộc vào sự học hỏi của mỗi người khi bước vào đời sau đó”, cô Vân nói.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh), không nên quan niệm bằng cấp không có giá trị. Người ta có thể đi khắp thế gian nhưng có những cung đường cần đến tấm vé.

Ông Đặng Ngọc Toàn (Đại học Western- Úc) cũng cho rằng, theo như “tác giả”, việc học đại học là không cần thiết và lãng phí hay thậm chí là “âm thầm phá nát sự sáng tạo, cơ hội phát triển của mọi người”. Cá nhân tôi chưa thật sự hiểu ý tác giả muốn nói thật sự là gì. Tôi đang tự hỏi tác giả có đang hàm ý rằng giáo dục đại học ở trên thế giới đều vô dụng và đang giết chết sự sáng tạo của người học hay tác giả chỉ muốn nói rằng môi trường đại học quá nhỏ bé để rồi tác giả không thể đạt được ước muốn “đơn giản vì mình muốn học được nhiều hơn nữa, học hơn 10 lần, 100 lần so với mọi người”?.

Nếu giả thuyết thứ nhất phản ảnh đúng ý của tác giả, tôi cho rằng điều đó là không ổn vì trên thực tế, tất cả các xã hội đều khuyến khích công dân mình đi học và hướng đến việc học lên cao như bậc đại học và thậm chí cao hơn nữa. Vì theo họ và thực tiễn cũng cho thấy, việc học lên cao như đại học không chỉ làm tăng cơ hội tham gia vào quá trình phát triển cho người học, ở đó họ có thể sáng tạo hơn, mà còn giúp cho người học có được sự hiểu biết tốt hơn về thế giới xung quanh. Tôi cho rằng cả hai điều này đều rất quan trọng đối với bất kỳ ai.

"Cá nhân tôi cũng học đại học ở Việt Nam. Dù trường Đại học của tôi chỉ là một ngôi Trường tỉnh lẻ khiêm tốn, không thể so sánh được với các trường khác trong cả nước, nhưng với tôi tấm bằng đại học tôi có được từ ngôi Trường ấy cũng rất có giá trị. Vì tôi ý thức được rằng nó không chỉ là công sức và mồ hôi của cá nhân tôi. Nó là kết quả của sự cố gắng của nhiều người.

Nó chứng minh một điều rằng tôi đã không lãng phí những sự giúp đỡ và những tháng năm ròng rã. Nó bắc cho tôi nhịp cầu để bước tiếp, khám phá nhiều hơn về thế giới xung quanh mình. Dĩ nhiên, nó không phải là cuối cùng mà đích tôi nhắm tới trong hành trình của mình, nhưng cho đến bây giờ, nó vẫn là phương tiện hữu ích giúp tôi đi đến cùng đích. Vì thế, khác với ý kiến của “tác giả” và nhiều người, tôi trân trọng mảnh bằng tôi có được từ mái trường khiêm tốn ấy và tôi sẽ không bao giờ đốt nó", ông Toàn cho biết.

Được biết nam thanh niên này có tên Đinh Thành Hưng. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hưng học tiếng Nhật tại Việt Nam 6 tháng và sang Nhật từ tháng 3 năm 2011 theo diện tư phí. Hưng sang Nhật học tiếng Nhật tại trường tiếng Nhật (tỉnh Saitama) 2 năm và lên đại học (tỉnh Chiba) ngành Kinh tế luật, tháng 6 năm 2014 (đại học năm 2) về Việt Nam phát triển câu lạc bộ tiếng Nhật.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)