Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Điểm sàn sẽ hợp lý để thí sinh có cơ hội đỗ

(Dân trí) -Trả lời PV <i>Dân trí</i>, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy khoảng 605.000 trên tổng số 1,3 triệu thí sinh tham gia thi. Vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ tính toán điểm sàn sao cho thí sinh có được nhiều cơ hội đỗ vào trường nhất”. <br><a href='http://dantri.com.vn/event-2264/Toan-canh-ky-thi-DH-CD-2013.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Toàn cảnh kỳ thi ĐH, CĐ 2013</b></a>

Điểm sàn phụ thuộc vào điểm thi của thí sinh

 

Chiều tối ngày 10/7, trong buổi họp báo kết thúc hai đợt thi ĐH năm 2013, trả lời câu hỏi của phóng viên là đề thi đại học môn Văn năm nay mở, liệu đáp án có mở để thí sinh trình bày quan điểm và ý tưởng của mình, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: “Đáp án cũng mở để các thầy cô giáo đánh giá tư duy sáng tạo của thí sinh. Quy trình chấm thi tiếp tục theo 2 vòng độc lập để bảo đảm công bằng cho thí sinh. Ngay sau kỳ thi, đề và đáp án chi tiết của từng môn đã được công khai rộng rãi đến thí sinh. Bộ GD-ĐT luôn thống nhất chỉ đạo các hội đồng tuyển sinh chấm thi đảm bảo công bằng, chính xác cho mỗi thí sinh. Năm nay, Bộ GD-ĐT có yêu cầu các trường tổ chức chấm thanh tra 5% bài thi đại học. Các trường ngoài ban chấm thi phải thành lập một ban chấm thanh tra riêng”.

 

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về nhiều ý kiến cho rằng đề thi năm nay có câu hỏi phân loại nhưng cũng có nhiều câu hỏi dễ như cho điểm thí sinh, phải chăng chủ trương ra đề của Bộ như vậy nhằm mục đích “cứu” các trường ngoài công lập, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay: “Đề thi khó dễ là tùy ở năng lực của các em. Việc ra đề thi của Bộ dựa trên nguyên tắc các câu hỏi nằm chương trình phổ thông không quá dài, quá khó. Đề phải đảm bảo tính phân loại. Không có ra đề chuyện dễ để các trường tuyển đủ. Phải chờ sau khi các trường chấm thi mới biết mức độ, năng lực của học sinh đến đâu và quyết định điểm sàn sao cho hợp lý”.

 

Về việc dự kiến thêm đợt tuyển sinh vào mùa xuân, Thứ trưởng Ga cho biết: "Lộ trình từ nay đến 2015 vẫn sẽ ổn định phương thức thi đại học "3 chung". Từ nay  đến năm 2015 nếu trường nào có đề xuất phương án tuyển sinh phù hợp Bộ sẽ xem xét quyết định dựa trên ý kiến, nếu dư luận đồng tình, Bộ sẽ cho triển khai. Tuy nhiên, các nước phát triển như Nhật Bản cũng đưa ra đề xuất thêm 1 kỳ thi đại học nhưng lộ trình của họ là 5 năm. Muốn thay đổi phải tính toán chứ thay đổi đột ngột sẽ làm ảnh hưởng tâm lí học sinh và dư luận xã hội".

 

Thứ trưởng Ga cho biết thêm, năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy khoảng 605.000 chỉ tiêu (tương ứng như năm ngoái) trên tổng số 1,3 triệu thí sinh tham gia thi. Vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ tính toán điểm sàn sao cho thí sinh có được nhiều cơ hội đỗ vào trường nhất.
 
Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo.

 

Về nguồn tuyển của các trường ngoài công lập sẽ lại gặp khó khăn, phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc cho hay, năm trước có nhiều trường gửi giấy báo trúng tuyển đến thí sinh nhưng các em không đến. Người học tự nhận thức được họ cần học để lấy kiến thức. Nếu trường không có chất lượng có mời họ cũng không học. Vì vậy các trường cần lưu ý các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

 

333 thí sinh bị xử lý kỷ luật

 

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, hai đợt thi ĐH năm 2013 đã được tổ chức chặt chẽ, diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Cả nước có 133 trường đại học tổ chức thi đợt 1 và 125 trường thi đợt 2. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả hai đợt là 1.673.628; số thí sinh đến dự thi là 1.298.522 , đạt tỷ lệ 77,6% giảm 0,7% so với năm 2012 (78,3%).

Trong hai đợt thi, cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật; trong đó, khiển trách 62; cảnh cáo 17; đình chỉ thi 254; đến muộn không được dự thi 6. Tổng số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị xử lý kỷ luật là 10 người, trong đó, khiển trách 7 và đình chỉ 3.

 

Trao đổi về vấn đề rút kinh nghiệm của kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Hội đồng thi đã biết hạn chế đúng số lượng thí sinh/phòng thi. Ý thức cán bộ coi thi cũng được nâng cao, làm việc công tâm và nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm quy chế. Công tác thanh tra lưu động, phối hợp thanh tra địa phương thanh kiểm tra các Hội đồng thi không báo trước. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý nhanh tất cả vấn đề có liên quan đến kỳ thi.

 

Về vướng mắc trong kỳ thi, Thứ trưởng Ga cũng cho hay, nhiều trường đại học không tổ chức thi mà gửi thí sinh thi nhờ, trong số đó có những trường đông thí sinhđăng ký nhưng không tổ chức đã gây khó khăn, thiệt hại kinh tế cho trường bạn. Vấn đề này sẽ được giải đáp, trao đổi trong hội nghị tuyển sinh sắp tới, nhằm không gây thiệt hại cho các trường tổ chức thi hộ.

 

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD-ĐT, học viện, trường ĐH, CĐ về chỉ tiêu và thời gian xét tuyển đối với học sinh được ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ. Theo đó, đối với thí sinh thuộc 20 huyện quy định tại công văn số 4007/BGD ĐT-GD ĐT và học sinh đạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, thời gian xét tuyển kéo dài đến hết 31/7/2013.

Sở GD&ĐT hướng dẫn học sinh 20 huyện nói trên căn cứ vào các tiêu chí xét tuyển của cơ sở giáo dục ĐH đã công bố, khai hồ sơ đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về cơ sở giáo dục ĐH để xét tuyển hoặc tiếp nhận vào học.

Đối với học sinh đạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, Sở GD&ĐT hướng dẫn học sinh khai hồ sơ đăng ký tuyển thẳng gửi trực tiếp về cơ sở giáo dục để tiếp nhận vào học.

Chỉ tiêu để các cơ sở giáo dục ĐH xét tuyển thẳng các học sinh được ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 03/2013/TT-BGD ĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy không nằm trong chỉ tiêu mà cơ sở giáo dục ĐH xác định hàng năm theo quy định hiện hành.

 

Hồng Hạnh