Gia Lai:

Thực hiện “3 đủ” đưa giáo dục vùng cao “trỗi dậy”

(Dân trí) - Công tác duy trì sĩ số học sinh vùng cao luôn là nỗi trăn trở của ngành Giáo dục. Xuyên suốt cả năm học, hình ảnh những giáo viên “trèo đèo, lội suối” đi vận động học sinh đến trường không còn xa lạ. Huyện vùng sâu Kbang (Gia Lai) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì sĩ số, bước đầu đã mang lại hiệu quả, giúp cho giáo dục vùng cao như được “trỗi dậy”.

“3 đủ” vì học sinh vùng cao

Nhiều năm nay, tạc các xã vùng cao của huyện Kbang như: xã Krong, Đăk Roong, Lơ Ku, Kon Pne…, tình trạng trẻ em đi học không chuyên cần vẫn còn cao. Đặc biệt, vào vụ mùa, lễ hội các em có thể nghỉ đến cả tháng để lên rẫy cùng gia đình. Điều này khiến cho việc học tập các em bị gián đoạn trong một thời gian dài, không tiếp thu được gây khó khăn cho công tác giảng dạy của nhà trường.

Những năm qua, các trường bán trú huyện Kbang luôn chú trọng thực hiện phong trào "3 đủ" nhằm khuyến khích các học sinh đến trường

Trước những bất cập vì học sinh nghỉ nhiều, các đơn vị trường đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nên tỷ lệ huy động học sinh đến trường ngày được nâng cao. Đặc biệt, mô hình bán trú… ở nội trú của huyện Kbang đã góp phần quan trọng trong công tác duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Khi đến trường học, các em học sinh đồng bào được thầy cô lo cho đủ cơm 3 bữa, quần áo và quá trình ở suốt 1 tuần
Khi đến trường học, các em học sinh đồng bào được thầy cô lo cho đủ cơm 3 bữa, quần áo và quá trình ở suốt 1 tuần

Điểm mới mà các trường bán trú vùng cao huyện Kbang làm được là thực hiện “3 đủ” : “Đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở” - điều này khiến cho học sinh vùng cao thích đến trường, tách rời các em khỏi môi trường rừng núi, nếp sống lạc hậu… Với việc thực hiện “3 đủ” nhiều trường bán trú gần thị trấn và các vùng ven tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 100% và các trường vùng sâu như xã Kon Pne, Đăk Krong, Lơ Ku đạt từ 95 - 98%.

Là một trường đi đầu trong phong trào “Duy trì sĩ số học sinh” trên địa bàn toàn tỉnh, Trường PTDT BT Tiểu học Đăk Rong (huyện Kbang) đã xuất sắc được UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen năm học 2017 - 2018 vừa qua. Nhiều năm nay, trường Đăk Rong đã huy động mọi nguồn lực từ sức dân và các lòng hảo tâm về xây dựng trường học, khu sân bóng đá, bóng chuyền nhân tạo, khu vui chơi, ăn, nghỉ, học cho các em học sinh vùng cao. Chính vì vậy, đã khiến các em học sinh thích thú khi đến trường vì được ăn ngon, mặc đẹp được các thầy cô giáo dạy học và quen bạn bè mới… Đây cũng được mệnh danh là ngôi trường bán trú đẹp nhất trên khu vực Tây Nguyên.

Rời xa núi rừng, các em như tờ giấy trắng nên thầy cô phải hướng dẫn, dạy dỗ lại từ đầu
Rời xa núi rừng, các em như tờ giấy trắng nên thầy cô phải hướng dẫn, dạy dỗ lại từ đầu

Trao đổi với chúng tôi, thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Các em học sinh đến trường là bước vào một môi trường mới nên mọi thức đối với em từ con số không - không biết ăn mặc, không biết sinh hoạt cá nhân hay kể cả không biết tiếng Việt. Khi vào trường các em được ăn ngày 3 bữa với đủ các món thịt, cá, rau… điều mà từ xưa nay các em khó có thể mơ đến. Ngoài nguồn hỗ trợ từ nhà nước, nhà trường phải đi vận động thêm sách, vở, ác em đi học đều phải đi vận động, xin các nhà hảo tâm gửi về để mua… Với việc đến trường các em được đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở” đã góp phần giữ học sinh ở lại trường rất cao, nhiều em coi nhà trường, thầy cô như một gia đình và không muốn về nhà…”.

Thường các trường bán trú được nhà nước hỗ trợ ăn buổi trưa theo chế độ rồi chiều các em học sinh lại nhà. Nhưng đối với các trường bán trú Kbang thì cũng với mức hỗ trợ đó nhưng lại giữ các em học sinh ở lại trường nuôi suốt 1 tuần. Từ một bữa cơm nay được chia thành 3 bữa và được lo cho các em quần áo, học tập...Vì thế nên áp lực trên vai những người thầy luôn “nặng nề” khi lo cho hàng trăm học sinh “3 đủ”. Để cải thiện bữa ăn, các thầy và trò trường bán trú trên địa bàn đã nuôi heo, trồng rau… để kiếm thêm thu nhập phục vụ lại công tác ăn ở của các em học sinh… Nhờ thực hiện phong trào “3 đủ” đã giúp cho các trường duy trì được sĩ số, nâng cao giáo dục vùng khó.

Nhiều giải pháp để “giữ học sinh”

Thầy Lê Thanh Hải - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kbang chia sẻ, với đặc thù là một huyện vùng cao nên công tác duy trì sĩ số vô cùng khó khăn. Không như học sinh vùng đồng bằng, học sinh đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên rất nhút nhát, khi đến trường hầu như các em không biết nói tiếng Việt và các việc sinh hoạt cá nhân. Chính vì vậy, các đơn vị bán trú đã đề ra rất nhiều giải pháp giúp cho học sinh vừa học và nắm vững các kĩ năng sống…

Hướng dẫn các em học sinh vùng cao trồng rau, nuôi heo...
Hướng dẫn các em học sinh vùng cao trồng rau, nuôi heo...

“Theo đó, ngay từ đầu năm toàn bộ các trường đã xây dựng Ban quản lý bán trú để quản lý, hướng dẫn học sinh trong học tập, vui chơi, nuôi dạy, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho các em trong trường. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Bên cạnh đó, các trường còn hay tổ chức cuộc thi, giao lưu kĩ năng sống, giao lưu tiếng Việt, ngoài khóa lồng ghép các trò chơi dân gian cho em. Từ những hoạt động trên đã giúp các em mạnh dạn, tự tin, hòa nhập, thúc đẩy việc học tập và đặc biệt là sự gắn bó các em với nhà trường thân thiết hơn…”, thầy Hải cho biết.

Thực hiện 3 đủ đã giúp các em đến trường đầy đủ, đưa giáo dục vùng cao như được trỗi dậy
Thực hiện "3 đủ" đã giúp các em đến trường đầy đủ, đưa giáo dục vùng cao như được trỗi dậy

Vừa qua, thầy Nguyễn Thế Anh - Hiệu trưởng Trường PTDT BT tiểu học và trung học cơ sở Đăk Smar (huyện Kbang) đã được UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen vì những đóng góp của thầy trong phong trào duy trì sĩ số học sinh. Thấy Nguyễn Thế Anh cho biết: “Mô hình bán trú của trường mới thành lập nên gặp rất nhiều khó khăn khi huy động nguồn lực để xây dựng trường và tạo điều kiện học tập cho các em. Nhưng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các trường bạn luôn giúp đỡ nhiệt tình nên nhà trường cố gắng thực hiện tốt phong trào “3 đủ”. Từ đó, các em cũng hào hứng khi đến trường…”.

Cùng với phong trào “3 đủ”, huyện Kbang còn phát động phong trào “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học”. Đồng thời, tất cả giáo viên phải nắm chắc số học sinh cụ thể như: tên, tuổi, địa chỉ và hoàn cảnh gia đình. Đồng thời, nhà trường, giáo viên phải liên kết chặt chẽ với hệ thống chính quyền thôn, già làng nhằm huy động các em đến trường.

Phạm Hoàng