“Tiểu thuyết gia” 10 tuổi thông minh và hóm hỉnh

Buổi giao lưu với “tiểu thuyết gia” 10 tuổi Nguyễn Bình tại buổi ra mắt tập sách <i>Cuộc chiến với hành tinh Fantom</i> đã đưa khách mời đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì những câu trả lời vô cùng hóm hỉnh và thông minh của tác giả nhí này.

“Tiểu thuyết gia” 10 tuổi thông minh và hóm hỉnh - 1
Cậu bé Nguyễn Bình trả lời tại buổi giao lưu bên cạnh bố mẹ sáng 20/11 tại TPHCM.
 
Bất ngờ vì sự chuyên nghiệp
 
Thấy ống kính hướng về mình là chạy tọt ra phía sau để… trốn nhưng cậu bé Nguyễn Bình (hiện học lớp 5, Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) lại rất tự tin và hào hứng khi trả lời những câu hỏi về cách chọn nhân vật, hoàn cảnh, tình tiết trong cuốn sách vừa xuất bản của em mang tên Cuộc chiến với hành tinh Fantom.
 
Lý giải về việc các nhân vật trong truyện đều là người Mỹ và lấy bối cảnh tại Mỹ, Nguyễn Bình cho biết đây là đất nước có nền khoa học công nghệ phát triển cao, thích hợp với dạng truyện viễn tưởng. Hơn nữa, trẻ em Mỹ rất tự lập nên họ có thể một mình lênh đênh trên thuyền hay trên một hòn đảo mà không cần đến sự trợ giúp của bố mẹ.
 
Có người thắc mắc tại sao các nhân vật trong truyện hầu hết đều 10 tuổi, Nguyễn Bình lý luận hệt như một tiểu thuyết gia lâu năm: “Cháu chọn 10 tuổi vì đây là lứa tuổi của cháu. Chọn hơn tuổi thì cháu sẽ rất khó khăn trong việc nắm bắt tâm lý của nhân vật”.
 
Khi được hỏi vì sao chọn bối cảnh câu chuyện vào năm 2015, cậu bé hồn nhiên giải thích: “Vì chọn mốc thời gian xa quá sẽ khó tưởng tượng bối cảnh, còn nếu chọn vào năm 2013, 2014 thì nhỡ đến lúc đó cháu mới viết xong tiểu thuyết này thì người ta lại nói truyện cháu không đúng với sự thật thì sao?”.
“Tiểu thuyết gia” 10 tuổi thông minh và hóm hỉnh - 2
Tác giả 10 tuổi Nguyễn Bình trả lời tại buổi giao lưu.
 
“Tiểu thuyết gia” 10 tuổi thông minh và hóm hỉnh - 3
Cậu bé Nguyễn Bình nhiệt tình ký tặng sách cho độc giả lớn tuổi.
 
Những câu trả lời hồn nhiên nhưng không kém phần “có lý” của Nguyễn Bình đã dễ dàng thuyết phục được những người lớn có mặt tại buổi giao lưu. Ông Phạm Sỹ Sáu (Nhà xuất bản Trẻ), người biên tập bộ tiểu thuyết này, cho biết khi mới nhận được tập bản thảo của Nguyễn Bình, ông đã rất bất ngờ khi một cậu bé chỉ mới 10 tuổi lại viết tiếng Việt chuẩn như vậy. Ngay khi đọc xong bản thảo Cuộc chiến với hành tinh Fantom, ông đã liên hệ ngay với gia đình để bàn bạc việc xuất bản cuốn tiểu thuyết này.
 
Ông cũng khen ngợi sự chuyên nghiệp của tiểu thuyết gia nhỏ tuổi này. Chính Nguyễn Bình đã yêu cầu nhà xuất bản gửi bìa minh họa cho em xem trước. Sau khi xem xong 18 hình minh họa, Nguyễn Bình đã yêu cầu họa sĩ làm nhạt tóc nhân vật đi vì trong tưởng tượng của em, nhận vật có tóc màu hung chứ không phải màu đen.
 
Logo “Không chỉ Trái đất mới có sự sống” trên quyển sách do chính Nguyễn Bình tự thiết kế. “Đây là câu chuyện dạng viễn tưởng, với lại mới đây cũng có một số phát hiện về dấu hiệu của sự sống ở các hành tinh khác nên cháu kết luận không chỉ có Trái đất mới có sự sống” - Nguyễn Bình giải thích.
 
Không hoang tưởng con mình là thần đồng
 
Ngoài sự khâm phục dành cho Nguyễn Bình, nhiều người còn rất tò mò về cách nuôi dạy con của ông bà Nguyễn Hòa và Nguyễn Thị Oanh, bố mẹ của cháu.
 
Trả lời những thắc mắc này, ông Nguyễn Hòa cho biết không thể dùng những quy tắc của thế hệ trước để áp đặt vào cháu. “Chúng tôi vẫn thường nói với cháu rằng mỗi người có 1 ổ khóa trong cuộc đời, bố mẹ không thể mở khóa thay con mà chỉ có thể giúp con mở khóa dễ dàng hơn”.
 
Từ nhỏ, Nguyễn Bình đã tỏ ra thông minh hơn những đứa trẻ khác. 3 tuổi đã biết sử dụng máy tính. 5 tuổi đã có hộp mail riêng. Ngoài ra em còn biết đọc, biết viết từ khá sớm. Mặc dù nhận ra những khả năng khác thường của con nhưng gia đình vẫn tạo điều kiện cho con phát triển bình thường và đặc biệt là “không hoang tưởng về những khả năng của con”.
“Tiểu thuyết gia” 10 tuổi thông minh và hóm hỉnh - 4
Nguyễn Bình với chồng sách vừa “tậu” được khi đến TP.HCM.
 
Ông Nguyễn Hòa cho biết: “Ngay cả khi báo chí gọi cháu là thần đồng thì tôi vẫn nhắc nhở cháu rằng các cô chú gọi con là thần đồng, vậy con có nghĩ mình là thần đồng không. Cháu trả lời rằng “thần đồng” là “thằng đần” thôi bố ạ. Cách chơi chữ hóm hỉnh của cháu đã làm tôi yên tâm là cháu không bị hoang tưởng về khả năng của mình. Cha mẹ nào cũng vậy, đừng biến con cái thành nơi thể hiện sở thích và mong ước của mình. Hãy để cháu phát triển tự nhiên”.
 
Bà Nguyễn Thị Oanh cho biết thêm gia đình rất ít can thiệp vào việc học mà luôn để Nguyễn Bình tự học. Việc cho cậu bé sớm tiếp xúc với Internet được ông Nguyễn Hòa giải thích: “Bản thân môi trường Internet không xấu mà người sử dụng phải biết sàng lọc. Cũng nhờ cho cháu tiếp xúc với Internet sớm nên cháu đã tự tìm ra phần mềm học tiếng Hán và sau đó là tiếng Anh. Giờ thì cháu còn tự tải phim trên mạng về để dịch phụ đề nữa”.
 
Ông cũng chia sẻ thêm dù bận rộn cách mấy cũng dành ra 15 phút mỗi ngày để nói chuyện với con. Trong gia đình ông, con cái luôn được dạy dỗ nghiêm khắc nhưng đối xử rất công bằng. Chính vì thế mà cậu bé Nguyễn Bình vẫn thường hóm hỉnh gọi cha là quý ông, quý ngài…
 

Những đối đáp dí dỏm của tiểu thuyết gia 10 tuổi Nguyễn Bình

* Bố cháu nổi tiếng hay cháu nổi tiếng hơn?

- Cái này phải hỏi đài truyền hình ạ.

* Cháu có nghĩ rằng cháu giỏi hơn bố cháu?

- Bố cháu làm việc ở lĩnh vực khác nên không thể so sánh được ạ.

* Cháu hãy giới thiệu về bố mẹ cháu?

- Bố mẹ cháu trải qua rất nhiều chuyện nên thôi để bố mẹ cháu tổng kết lại sau ạ.

* Cháu thích nhất quyển sách nào?

- Cháu đọc nhiều nhưng khổ nỗi không thích quyển sách nào nhất. Nhưng mà hiện tại thì cháu… cũng không thích nhất quyển nào.

* Tại sao là cuộc chiến với hành tinh Fantom mà không phải thám hiểm hay truy tìm kho báu?

-  Vì khó mà nghĩ ra lý do cho việc đi thám hiểm hay là đi kiếm kho báu.

 
Theo Thiên Hương
Tuổi Trẻ Online