TP.HCM: Siết chạy trường bằng đường hộ khẩu

(Dân trí) - “Chạy” hộ khổ là cách thức chạy trường phổ biến được nhiều phụ huynh sử dụng để tìm cho con chỗ học ở trường điểm. Tuy nhiên, năm nay nhiều quận huyện ở TPHCM đưa ra những biện pháp hạn chế lợi dụng hộ khẩu để chạy trường.

Có nhiều cách để phụ huynh xoay xở tìm chỗ cho con vào học ở những ngôi trường có tiếng tăm, cơ sở vật chất tốt, trong đó “chạy” hộ khẩu là một trong những cách truyền thống được nhiều người sử dụng. Có những gia đình đã chuẩn bị bước đệm từ nhiều năm trước, làm mọi cách để nhập hộ khẩu cho con nhắm vào địa bàn sẽ được xếp vào ngôi trường họ “chấm” từ trước. Đó có thể là ghép vào hộ khẩu ông bà, người thân, người quen…

Trên thực tế, không ít trường hợp trẻ có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng thật ra sống ở nơi khác, cũng như có trẻ hàng ngày sống cùng bố mẹ ở Thủ Đức, Bình Chánh nhưng hộ khẩu nằm “lọt” vào Q.1, Q.3 hay sống ở phường này nhưng hộ khẩu ở phường khác…

TPHCM đưa ra nhiều cách thức siết chạy trường bằng đường hộ khẩu để vào lớp 1 (Ảnh minh họa)
TPHCM đưa ra nhiều cách thức "siết" chạy trường bằng đường hộ khẩu để vào lớp 1 (Ảnh minh họa)

Việc chạy trường thông qua hộ khẩu dẫn tình trạng có những học sinh đúng tuyến lại không được nhận vào trường. Trước đây, ở TPHCM đã có những vụ việc chạy trường thông qua hộ khẩu bị đổ bể dẫn đến bức xúc của người dân. Một trong những vụ nổi cộm là mùa tuyển sinh năm 2009 ở Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1.

Với sự ráo riết nói không với việc chạy trường từ lãnh đạo thành phố, năm nay nhiều quận huyện ở TPHCM đưa ra những cách thức tuyển sinh nhằm hạn chế tình trạng chạy trường.

Tại Q.5, năm học này sẽ có gần 8.000 học sinh được huy động vào các lớp đầu cấp 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Việc phân tuyến thực hiện dựa trên nguyên tắc tạo điều kiện cho học sinh đi học gần nơi cư trú nhất. Quận cũng đưa ra mốc thời gian đối với học sinh có hộ khẩu tập thể, mới chuyển hộ khẩu hoặc KT3 chỉ tính từ tháng 1/2016 trở về trước. Còn hộ khẩu nhập sau thời gian này sẽ phải “qua tay” ban chỉ đạo tuyển sinh xem xét và phân bổ tùy tình hình thực tế.

Quận Bình Thạnh đưa ra quy định vào lớp 1 Trường tiểu học Chu Văn An một cách chi tiết, hộ khẩu của trẻ phải đi cùng hộ khẩu với cha mẹ hoặc ông bà là chủ sở hữu căn nhà đúng địa chỉ trong hộ khẩu. Cụ thể đối với khu phố 1, 2, phường 26 tiếp nhận theo tiêu chí: Học sinh và cha (hoặc mẹ) có hộ khẩu trên địa bàn khu phố; cha (hoặc mẹ) là chủ sở hữu nhà ở trên cùng địa chỉ hộ khẩu.

Đối với khu phố 6, phường 26 tiếp nhận vào trường khi học sinh và cha (hoặc mẹ) có hộ khẩu trên địa bàn khu phố; cha (hoặc mẹ) là chủ sở hữu nhà ở trên cùng địa chỉ hộ khẩu; Học sinh và cha (hoặc mẹ) có hộ khẩu trên địa bàn khu phố; ông, bà (nội, ngoại) là chủ sở hữu nhà ở trên cùng địa chỉ hộ khẩu.

Điều này làm nhiều phụ huynh bất mãn khi con mình chỉ có hộ khẩu ghép, không phải gia đình cũng có điều kiện sở hữu căn nhà ở địa bàn. Tuy nhiên đây là cách làm mạnh tay của quận để “siết” việc chạy trường thông qua hộ khẩu vì thực tế có nhiều trẻ 6 tuổi ở địa bàn là hộ khẩu ghép chứ không thường xuyên sinh sống ở đây.

Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Q.1 chỉ nhận học sinh trong địa bàn nhập hộ khẩu từ năm 2010
Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Q.1 chỉ nhận học sinh trong địa bàn nhập hộ khẩu từ năm 2010

Quận 1 cũng chặn việc “lợi dụng” hộ khẩu để chạy trường bằng yêu cầu trẻ vào lớp 1 có hộ khẩu nhập vào thời điểm nhất định. Điển hình ngôi trường nổi tiếng Đinh Tiên Hoàng được phân bổ 152 chỉ tiêu, nhận học sinh của phường Đa Kao nhưng phải có hộ khẩu ngay vào năm chào đời là năm 2010. Như vậy, phụ huynh nào dốc sức kiếm cho con được một suất hộ khẩu ở địa bàn này để chạy trường xem như… đổ sông đổ biển.

Mới đây, Sở GD – ĐT TPHCM cũng yêu cầu các quận huyện tăng cường tuyên truyền, giải thích cho đội ngũ cán bộ quản lý các trường, cha mẹ học sinh để hạn chế việc chạy trường chạy lớp; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực nhằm chạy trường chạy lớp đối với học sinh vào lớp 1.

Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, ngôi trường đắt giá ở TPHCM được nhiều phụ huynh canh cho con vào học.
Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, ngôi trường "đắt giá" ở TPHCM được nhiều phụ huynh "canh" cho con vào học.

Ngoài ra, Phòng GD-ĐT các quận huyện tham mưu với UBND quận/huyện để thực hiện phân tuyến, giao chỉ tiêu phù hợp với chỉ tiêu trường lớp, cơ sở vật chất và mật độ dân cư của địa phương. Ngoài các biện pháp chống chạy trường thì cần chú ý đến việc mở thêm trường thêm lớp để giảm áp lực tuyển sinh ở những địa bàn đông dân cư.

Bên cạnh xóa dạy thêm học thêm trong trường học, TPHCM đang kiên quyết “chống” lại nạn chạy trường chạy lớp để lấy lại uy tín của ngành giáo dục. Bên cạnh “chặn” chạy trường bằng hộ khẩu, muốn dẹp nạn chạy trường chắc chắn ngành giáo dục phải có thêm nhiều biện pháp, có thêm nhiều “móng tay nhọn” mới hy vọng trị được “vỏ quýt dày”. Bởi chạy thông qua đường hộ khẩu mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong nạn chạy trường, chạy lớp gây nhức nhối.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)