Triết lý giáo dục Việt Nam đã có chưa?

(Dân trí) - Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra rằng về cơ bản Việt Nam đã có triết lý giáo dục. Có thể nói triết lý này đã được phôi thai và hình thành khá sớm, nhờ minh triết giáo dục Hồ Chí Minh (năm 1949), và sau này được nâng lên tầm quốc tế nhờ quan điểm (hay triết lý) "bốn trụ cột giáo dục" của UNESCO (năm 1996).

GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã gửi tới báo Dân trí bài viết: "Triết lý giáo dục Việt Nam đã có chưa?". Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

***

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra rằng về cơ bản Việt Nam đã có triết lý giáo dục. Có thể nói triết lý này đã được phôi thai và hình thành khá sớm, nhờ minh triết giáo dục Hồ Chí Minh (năm 1949), và sau này được nâng lên tầm quốc tế nhờ quan điểm (hay triết lý) "bốn trụ cột giáo dục" của UNESCO (năm 1996).

Để tránh phức tạp hóa, tránh tốn kém không cần thiết, chúng tôi kiến nghị: Nếu quả thực vẫn cần phải tiếp tục xây dựng triết lý cho giáo dục Việt Nam, thì ta nên dựa vào hai khuyến nghị quan trọng này của Hồ Chí Minh và UNESCO để hoàn thiện, để Việt Nam hóa và hiện đại hóa, cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Vì không phải là nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục, nên kiến nghị này của chúng tôi có thể còn mang tính chất cảm tính, mong được chỉ giáo và lượng thứ!

Triết lý giáo dục Việt Nam đã có chưa? - 1

Triết lý giáo dục của UNESCO

Uỷ ban quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI gồm 15 thành viên từ 15 nước trên thế giới, do ông Jacques Delors, nguyên Chủ tịch Hội đồng châu Âu (1985-1995), làm Chủ tịch. Ủy ban này đã đệ trình lên UNESCO một báo cáo quan trọng nhan đề: “Học tập: một kho báu tiềm ẩn”.

Tháng 4 năm 1996 công trình này được Nhà xuất bản UNESCO công bố bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng quốc tế khác. Bản dịch tiếng Việt được xuất bản ở Việt Nam năm 2002 bởi NXB GD VN. Tôi được làm quen với bản tiếng Anh của công trình này khoảng 20 năm trước và bản tiếng Việt năm 2002 [a].

Như chúng ta biết, những khuyến cáo, nghiên cứu và kinh nghiệm mà UNESCO (Paris), một tổ chức trí tuệ của Liên Hợp quốc, của hành tinh chúng ta, đưa ra là rất quan trọng và bổ ích cho việc xây dựng và phát triển giáo dục, khoa học, văn hóa Việt Nam và tất cả các nước trên thế giới

Báo cáo này thể hiện tư duy mới về giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI, với những nội dung chủ yếu: Vai trò cơ bản của giáo dục trong sự phát triển của xã hội và của cá nhân; học tập suốt đời như là một trong những chìa khoá để thích ứng với những thách thức của thế kỷ XXI; mọi xã hội đều tiến tới một xã hội học tập, ở đó mọi tài năng, như một kho báu tiềm ẩn trong con người, đều được khai thác và phát huy; và quan trọng nhất là triết lý bốn trụ cột của giáo dục: "Học để biết, học để làm việc, học để chung sống với nhau, học để làm người/Learning to know, Learning to work, Learning to live together and Learning to be".

Nhiều tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới cũng đã lấy triết lý giáo dục này của UNESCO làm nền tảng rồi bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh

Cũng khoảng 20 năm trước, sau khi đã được làm quen với triết lý giáo dục của UNESCO, tình cờ một hôm tôi tìm thấy bút tích của Bác Hồ tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Tháng 9 năm 1949, Bác đã viết trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” [b, c, d].

Khi viết ra những dòng này trong một hoàn cảnh cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ muốn nhắc nhở, khuyên răn những cán bộ lãnh đạo các cấp của Việt Nam trong tương lai trên bước đường học hỏi, phấn đấu và tu dưỡng. Người thường nói và viết rất giản dị, khiêm tốn, ít nói lý luận cao siêu, nhưng chúng ta phải "giải mã" cho đầy đủ từ đó.

Tôi cho rằng triết lý, lời căn dặn và mong mỏi của Bác Hồ còn sâu rộng, bao hàm cả những phẩm chất đạo đức rất cần thiết và quan trọng đối với người cán bộ, đối với một con người trong tương lai, đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Bước sang thế kỷ XXI, bây giờ và trong tương lai, chúng ta đang thấm và càng thấm lời dạy của Bác Hồ: Nạn tham nhũng đang thách thức nghiêm trọng sự tồn vong của đất nước chúng ta, của nhiều quốc gia trên thế giới, cả nghèo lẫn giàu, và của cả các tổ chức quốc tế, từ FIFA cho đến Liên Hợp quốc/UN.

Thư gửi UNESCO

Sau khi phát hiện ra quan điểm (hay triết lý) giáo dục "bốn trụ cột" do UNESCO đưa ra năm 1996 rất gần gũi với quan điểm (hay triết lý) giáo dục do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên năm 1949,ngày 11/7/2014, tôi đã gửi thư đến Tổng Giám đốc UNESCO ở Paris, Bà Irina Bokova, giới thiệu triết lý giáo dục Hồ Chí Minh, so sánh với triết lý giáo dục của UNESCO, và ngày 30/9/2014 tôi đã nhận được trả lời như sau từ TS.

Qian Tang, Trợ lý về Giáo dục của Tổng Giám đốc UNESCO: "Kính thưa GS. Trần Văn Nhung, thay mặt Tổng Giám đốc, tôi xin cảm ơn ông về bức thư đề ngày 11/7/2014, trong đó ông đã cung cấp bút tích để minh chứng đóng góp và cống hiến quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng và tầm nhìn giáo dục.

Quả thực, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi với bốn trụ cột giáo dục được đề xuất trong Báo cáo Delors năm 1996 của UNESCO với nhan đề “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn”. UNESCO đánh giá cao sự cố gắng của các ông khi dịch và truyền bá Báo cáo Delors ở Việt Nam.

Chúng tôi đặc biệt cảm ơn ông đã góp phần tiếp tục làm giàu lý luận giáo dục thế giới bằng minh chứng tầm nhìn giáo dục rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh..."[d]

Khi muốn áp dụng triết lý bốn trụ cột giáo dục của UNESCO vào Việt Nam, có người ngại vì có thể nó chưa phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Ngược lại khi ta đi tìm triết lý cho giáo dục Việt Nam, cũng có người lo phải hội nhập quốc tế. Vậy còn gì tuyệt vời hơn sự gặp gỡ giữa minh triết giáo dục Hồ Chí Minh (năm 1949) với triết lý bốn trụ cột giáo dục của UNESCO (năm 1996) sau nửa thế kỷ? Quốc tế và quốc gia đã gặp gỡ, phù hợp và hòa quyện lẫn nhau.

Để tránh phức tạp hóa, tránh tốn kém không cần thiết, chúng tôi kiến nghị: Nếu quả thực vẫn cần phải tiếp tục xây dựng triết lý cho giáo dục Việt Nam, thì ta nên dựa vào hai khuyến nghị quan trọng này của Hồ Chí Minh và UNESCO để hoàn thiện, để Việt Nam hóa và hiện đại hóa, cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Cần phải quốc tế hóa nền giáo dục Việt Nam để phát triển nhanh

Từ năm 1994 [c, d], tôi đã kiến nghị, muốn Việt Nam phát triển nhanh, cần phải quốc tế hóa nền giáo dục một cách nhanh chóng, toàn diện và triệt để, theo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế và gìn giữ bản sắc dân tộc.

Quốc tế hóa từ triết lý giáo dục cho đến chương trình, sách giáo khoa và toàn bộ quá trình giáo dục, như các nước phát triển thần kỳ đã làm. Chỉ khi đó, nguồn nhân lực do chúng ta tạo ra mới đủ trình độ và sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên toàn cầu trong thời đại CMCN 4.0 và biến đổi số.

Ngay tình hình khó khăn và phức tạp như hiện nay ở Biển Đông cũng không thể có cách nào giải quyết hay hơn việc quốc tế hóa.

Chúng tôi xin nêu "công thức"sau đây [d] trong thế kỷ XXI:

Công dân toàn cầu = Sức khoẻ tốt + Trái tim nhân nhậu + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Tiếng Anh + IT, ICT.

Tất nhiên dùng công thức chỉ là để viết tắt cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Theo công thức này, công dân toàn cầu cần có đầy đủ các tố chất văn, thể, mỹ, hài hòa không cực đoan, phiến diện (và luôn nhớ mình là người Việt Nam!)

Ngày 19/5/2015, tôi đã gửi bức tâm thư [d] kiến nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét, nghiên cứu để sớm có được một chỉ thị hay nghị quyết (nói nôm na là một quốc sách) để tăng cường việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam, trong thời hội nhập quốc tế, tương tự như Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của BCHTW Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT.

Tài liệu tham khảo:

[a] Delors, J., Learning: The Treasure Within, Report to UNESCO of the International Commission on Education for the Twenty-first Century. UNESCO Publishing 1998, ISBN 9231034707, 9789231034701. Xem bản dịch tiếng Việt của Trịnh Đức Thắng, do Vũ Văn Tảo hiệu đính, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội-2002.

[b] Tuyển tập Hồ Chí Minh (12 tập), xem tập 5 (1947-1949), trang 684; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2004.

[c] Trần Văn Nhung: Về GD-ĐT: Đôi điều ghi lại, Nhà Xuất bản GD VN, Hà Nội-2011.

[d] Trần Văn Nhung: Sộp thành Nhà giáo, Nhà Xuất bản GD VN, Hà Nội-2018.

Hà Nội, 13/7/2019

GS.TSKH Trần Văn Nhung

(Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT)