“Mua trường đại học chỉ được quan tâm bằng 1/100 của việc uống bia”

(Dân trí) - Bàn về sự sôi động mua bán trường đại học yếu kém hiện nay, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân cho rằng: "Việc đầu tư vào đại học cũng chỉ được quan tâm bằng 1/100 của việc uống bia mà thôi".

Những năm gần đây, giáo dục – đào tạo dường như trở thành lĩnh vực béo bở, đầy hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư lớn "nhảy vào" với hàng loạt cuộc mua bán, chuyển giao chủ sở hữu. Có trường từ chỗ đang phát triển nhưng khi chuyển sang nhà đầu tư mới lại có vấn đề; nhưng cũng nhiều trường từ đống đổ nát, khi có nhà đầu tư mới lại phát triển mạnh hơn.

Vậy, thực chất các cuộc mua bán này có giá như thế nào? Liệu chất lượng giáo dục đại học của các trường đại học ngoài công lập có được nâng lên?

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân về sự mua bán sôi động này.


TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân

TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân

Tiết kiệm thời gian và tiền bạc

Chưa lúc nào hết thị trường mua bán trường đại học lại sôi động như hiện nay. Nhiều vụ chuyển nhượng mua bán hàng trăm tỷ đồng để sở hữu một trường đại học là những "ông lớn" thuộc các công ty, tập đoàn thì còn có cả cá nhân. Là nhà nghiên cứu giáo dục, người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm hiệu trưởng cho các trường đại học tư thục, ý kiến của ông như thế nào về sự mua bán sôi động này?

Theo quan sát của tôi thì những trường đại học tư thục được chuyển nhượng, trường đại học dân lập có đầu tư mới trong thời gian vừa qua đều là những trường có vấn đề kéo dài. Vì vậy, việc có những đầu tư nghiêm túc để phát triển trường là việc tích cực. Ví dụ như Trường ĐH Hoa Sen có mâu thuẫn cổ đông kéo dài, ĐH Yersin, ĐH Gia Định hoạt động kém hiệu quả. Bản chất nếu anh không làm tốt được thì để cho người khác làm tốt hơn. Đó là quy luật tự nhiên.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý lắm với từ “sôi động”. Thực tế hiện nay có rất nhiều trường đại học, cao đẳng hoạt động kém hiệu quả muốn được chuyển nhượng hoặc có nhà đầu tư mới. Có thể kể đến như trường ĐH Lương Thế Vinh, trường ĐH Công nghiệp Vinh, trường ĐH Vạn Xuân và rất nhiều trường khác nữa.

Những trường trên đều đã hoạt động cầm chừng với rất ít sinh viên, nếu nhà đầu tư nào có năng lực có thể tham gia ngay. Nhưng thực tế không phải ai cũng mặn mà với việc đầu tư này. Thực tế khi tiếp nhận lại một trường đại học số tiền đầu tư vào là khá lớn và dài hạn, vậy nên nếu tính theo kinh doanh thông thường thì đầu tư vào giáo dục không phải béo bở như mọi người vẫn lầm tưởng.

Kinh nghiệm cho thấy những đại học có đầu tư rất lớn nhưng vẫn ì ạch và không phát triển như trường ĐH Anh Quốc hay trường ĐH Tân Tạo. Ngoài ra, tính “thanh khoản” trong lĩnh vực này rất thấp. Thị trường nhỏ và chỉ có 1-2 thương vụ đã được coi là nhiều.

Với tình trạng nhiều trường tư yếu kém và khát đầu tư như hiện nay thì tôi mong muốn và kêu gọi có nhiều nhà đầu tư tâm huyết dám tham gia vào lĩnh vực giáo dục đào tạo nhiều hơn nữa.

Ngành nào có nhiều đầu tư thì ngành đó mới tốt lên.Đầu tư một ngàn tỉ một năm đi nữa thì cũng mới bằng 1/100 một thương vụ của một công ty giải khát là Bia Sài Gòn trong năm qua. Hoá ra việc đầu tư vào đại học cũng chỉ được quan tâm bằng 1/100 của việc uống bia mà thôi.

Nghị định 46 năm 2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong đó quy định rõ điều kiện hoạt động của tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học cũng như tổ chức kiểm định giáo dục ban hành năm 2017, để mở một trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường). Đây có phải là nguyên nhân chính để các nhà đầu tư mua lại trường với con số rẻ tới bằng 1/10 điều kiện?

Chính xác đây là nguyên nhân khiến cho các trường đại học, cao đẳng yếu kém trở nên có giá. Việc sáp nhập, mua bán phần sở hữu các trường đại học là việc khó khăn hơn nhiều so với các doanh nghiệp thông thường, nhưng vẫn dễ hơn việc thành lập mới. Nên nhiều nhà đầu tư quyết định cải cách, đầu tư vào các trường cũ thay vì mở mới để rút ngắn thời gian và tiền bạc.

Giả sử việc đăng ký thành lập doanh nghiệp không dễ dàng như hiện nay mà cần vốn 10 tỷ, tôi chắc chắn sẽ có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh tệ hại nhưng vẫn dễ dàng được mua lại với giá 1-2 tỷ. Đó là quy luật kinh tế thông thường.

Xã hội sẽ đào thải nếu trường kém chất lượng

Chất lượng giáo dục của nhà trường phụ thuộc vào tư duy của từng ông chủ. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, các ông chủ thường chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ giá nào mà không quan tâm tới chất lượng?

Chất lượng giáo dục và cả chất lượng quản trị đều phụ thuộc vào ông chủ, điều này đúng với tất cả hàng hoá nói chung, và cả hàng hoá dịch vụ và giáo dục nói riêng.

Trong các ngành kinh tế chỉ có ngành liên quan đến tài nguyên mới có thể siêu lợi nhuận do khai thác tài nguyên thiên nhiên còn trong các ngành dịch vụ và sản xuất nói chung, rất khó có chuyện không có chất lượng mà doanh nghiệp, tổ chức có thể tồn tại được. Vẫn biết rằng thị trường là có hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng đó không phải là bản chất của thị trường.

Hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ dần bị đào thải. Trường đại học cũng vậy, nếu kém chất lượng sẽ bị đào thải nhanh hơn rất nhiều. Vì vậy, chất lượng không đồng nhất với lợi nhuận thấp và ngược lại kém chất lượng thì lợi nhuận cao. Thực tế cho thấy các đơn vị càng có chất lượng thì có tiềm lực tài chính, lợi nhuận càng tốt.

Như vậy, khái niệm trường tư không vì lợi nhuận mà được coi như là một cơ sở kinh doanh đã trở thành thực tế?

Hiện nay có lẽ mới có Trường ĐH Fulbright là trường tư thục không vì lợi nhuận đúng nghĩa. Ngoài ra, các trường đều đang hoạt động theo dạng doanh nghiệp. Thậm chí, các trường vẫn đang phải đóng thuế khi có lợi nhuận như các doanh nghiệp thông thường.

Đây có phải “cuộc chơi” của những “ông lớn” với giáo dục ngoài công lập?. Như vậy, họ phải làm như thế nào để có uy tín trong xã hội và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà?

Trường ĐH là một tổ chức phức tạp và có ảnh hưởng to lớn đến xã hội. Chính vì vậy, không thể chỉ thực hiện bởi các cá nhân riêng lẻ mà cần được tổ chức một cách chặt chẽ. Chính vì vậy, giai đoạn quá độ các trường đại học được thành lập bởi các cá nhân hay nhóm cá nhân sẽ sớm lỗi thời để nhường chỗ cho các tổ chức có trình độ quản trị cao hơn.

Trường đại học xét cho cùng cũng phải cạnh tranh, cả trong nước và quốc tế. Vậy nên, vấn đề là xã hội, chính phủ phải tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng thì các trường tốt sẽ phát triển được, các trường kém hơn sẽ lùi bước.

Hiện nay đã có nhiều trường đại học tư rất có uy tín và cạnh tranh sòng phẳng với các trường đại học công lập tốt nhất và có truyền thống lâu đời. Nhiều trường đại học tư thục thậm chí còn tiên phong nhanh hơn các trường công trong nhiều lĩnh vực như việc tuyển sinh viên quốc tế hay mở rộng đào tạo ra nước ngoài.


Nhiều trường đại học có năng lực hoạt động yếu kém vẫn đang cần các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tài chính tốt và cả tâm huyết với lĩnh vực giáo dục tham gia

Nhiều trường đại học có năng lực hoạt động yếu kém vẫn đang cần các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tài chính tốt và cả tâm huyết với lĩnh vực giáo dục tham gia

Bài toán khó với nhà đầu tư

Theo ông, trong những năm tới việc phát triển và xu thế mua bán sáp nhập (M&A) các trường đại học, cao đẳng sẽ diễn ra như thế nào?

Có thể nói giai đoạn sơ khởi của các trường đại học tư thục đã qua, thị trường bản chất đã có thực thi tính sàng lọc của mình. Những trường đại học yếu kém đóng góp ít cho xã hội đã dần mất chỗ đứng. Bên cạnh đó, những trường đại học ngoài công lập tốt đã dần có vị thế vững chắc hơn và ở khía cạnh nào đó đang cung cấp những dịch vụ mà các trường công lập không có lợi thế.

Theo quan sát của tôi hiện vẫn rất nhiều trường đại học có năng lực hoạt động yếu kém vẫn đang cần các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tài chính tốt và cả tâm huyết với lĩnh vực giáo dục tham gia.

Đầu tư vào giáo dục bản chất là loại đầu tư khó khăn, nhiều rủi ro nên các nhà đầu tư bản chất vẫn e ngại và không mặn mà. Các khoản đầu tư vào bất động sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống thậm chí công nghệ sản xuất vẫn hấp dẫn hơn rất nhiều. Nhà quản lý giáo dục, đặc biệt quản lý trường tư thục hiện nay cũng rất thiếu người đủ tầm và tài.

Sự kiện Trường Đại học Hoa Sen vất vả trong việc tìm kiếm hiệu trưởng là một minh chứng. Bên cạnh Hoa Sen, nhiều trường đại học tư cũng đang chật vật với đội ngũ quản lý của mình. Yêu cầu vừa phải đảm bảo đủ bằng cấp cao, đảm bảo tính sư phạm mà vẫn phải nhạy bén trong môi trường ngày càng cạnh tranh. Trong khi đó, thu nhập lại không thể cao như các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh khác. Đó thực sự là bài toán khó với nhiều nhà đầu tư giáo dục đại học.

Các trường đại học do thế hệ các nhà giáo tâm huyết thành lập với các lãnh đạo lớn tuổi hiện còn khá nhiều. Đa phần họ đều muốn nghỉ ngơi nhưng chưa thể chuyển giao được. Họ cần những người đáng tin cậy và có năng lực để chuyển giao. Nhưng có lẽ đây không phải việc dễ dàng.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh