Tự chủ đại học: Lãnh đạo né va chạm, ngại tinh giản bộ máy

(Dân trí) - Các trường đại học thí điểm tự chủ có xu hướng né tránh va chạm, chưa thực sự tích cực cải thiện bộ máy tổ chức theo hướng tinh giản, gọn nhẹ.

Đó là tồn tại, hạn chế nhất hiện nay của các trường đại học đang thực hiện thí điểm tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự. Khảo sát do nhóm nghiên cứu về tự chủ đại học của trường ĐH Kinh tế quốc dân thực hiện.

Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự được xem là khâu then chốt trong quá trình tự chủ của các trường đại học.

Có thể khẳng định, tự chủ về tổ chức bộ máy là cơ sở để nhà trường tái cấu trúc lại bộ máy, nâng cao chất lượng nhân sự (đặc biệt là chất lượng đội ngũ giảng viên) trong mối tương quan với mục tiêu chiến lược, đồng thời giúp nhà trường thích ứng tốt hơn với những thay đổi của môi trường và tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Theo tinh thần Nghị quyết 77, tự chủ về bộ máy, nhân sự thể hiện trên 3 góc độ: Quyết định thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các tổ chức trực thuộc; Quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc; tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng sau khi được Hội đồng trường thông qua; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật; hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Thách thức lớn đối với các trường đại học

Nhóm nghiên cứu về tự chủ đại học của trường ĐH Kinh tế quốc dân đã khảo sát những trường đang thí điểm tự chủ thì 6 trường có số đơn vị tăng lên và có 2 trường có số đơn vị trực thuộc giảm đi.

Các trường có nhiều sự thay đổi nhất trong tổ chức bộ máy là trường ĐH Kinh tế Tp. HCM (+8), trường ĐH Tôn Đức Thắng (+8), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (+3). Các con số trên cho thấy sự thay đổi tích cực về số lượng đơn vị ở các trường tự chủ. Tuy vậy sự thay đổi đó cũng chưa thực sự rõ nét bởi không dễ xóa đi một đơn vị nào đó. Các trường cũng rất thận trọng khi thành lập thêm đơn vị mới.

Lý do cơ bản của việc gia tăng số đơn vị trực thuộc là yêu cầu thành lập mới một số đơn vị (ví dụ Phòng Truyền thông) hay nâng cấp các đơn vị để phù hợp với xu hướng phát triển của đào tạo đại học và đáp ứng yêu cầu tự chủ. Việc nâng cấp/đổi tên một số đơn vị như khoa, trung tâm giúp các đơn vị này tự chủ hơn trong các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động kết nối, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài trường.

Ở chiều ngược lại, số lượng đơn vị giải thể theo hướng tinh giản, gọn nhẹ chưa nhiều. Trên thực tế việc giảm đơn vị cần nhiều thời gian và khó hơn nhiều so với thành lập mới bởi liên quan tới sắp xếp nhân sự và việc làm. Đây là cũng một thách thức lớn đối với các trường trong vấn đề tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự.

Tự chủ đại học: Lãnh đạo né va chạm, ngại tinh giản bộ máy - 1

Xu hướng biến động về tổ chức hoàn toàn phù hợp với kết quả khảo sát tại 12 trường đại học đã tự chủ trên 2 năm. Theo đó tự chủ về bộ máy nhân sự và tổ chức được đánh giá ở mức khá với 3,69/5 điểm.

Đây là là nội dung được đánh giá thấp nhất trong số các khía cạnh tự chủ. Không có tiêu chí nào về tổ chức bộ máy và nhân sự được đánh giá ở mức tốt.

Tăng lượng giảng viên

Theo kết quả khảo sát, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã có sự điều chỉnh cơ cấu nhân lực giữa giảng viên và chuyên viên, theo hướng gia tăng lực lượng giảng viên, giảm đội ngũ chuyên viên và nhân viên, chú trọng sử dụng công nghệ thông tin hoặc thuê ngoài nhằm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Tính đến tháng 7/2017, số lượng giảng viên chiếm 64,52% tổng số lực lượng lao động của các trường, lao động gián tiếp chiếm 25,48%.

Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư chiếm 9,2% tổng số giảng viên của các trường đại học đã tự chủ trên 2 năm. Con số này là khoảng 6% trong toàn bộ hệ thống GDĐH.

Ở thời điểm hiện tại, trường có nhiều giáo sư nhất là trường ĐH Tôn Đức Thắng (33 giáo sư), trường ĐH Kinh tế quốc dân có nhiều phó giáo sư nhất (133 người) và trường ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh có nhiều giảng viên chính nhất (107 người).

Về học vị, hơn 72% cán bộ/giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Đây là cơ sở quan trọng để các trường đại học tự chủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở tất cả các bậc đạo tạo nhất là bậc nghiên cứu sinh và cao học.

Tự chủ đại học: Lãnh đạo né va chạm, ngại tinh giản bộ máy - 2

Theo báo cáo của các trường, số lượng cán bộ/giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường đã tự chủ tăng lên đáng kể, số lượng cử nhân giảm xuống so với giai đoạn trước tự chủ.

Kết quả tích cực này đến từ việc các trường chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên, tuyển dụng đội ngũ giảng viên có học vị từ tiến sĩ trở lên, kéo dài thời gian công tác đối với giảng viên có chức danh, học vị cao.

Một số trường đã dành nguồn kinh phí cao hơn để đầu tư phát triển nguồn nhân lực như cử giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài, tuyển giảng viên, quản lý hoặc chuyên viên là người nước ngoài làm việc tại bộ phận hợp tác quốc tế hoặc đào tạo quốc tế (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, trường ĐH Mở Tp. Hồ Chí Minh v.v.).

Tự chủ đại học: Lãnh đạo né va chạm, ngại tinh giản bộ máy - 3

Có thể nói, cơ chế tự chủ cho phép các trường đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng. Một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, chủ động trong tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với những giảng viên có trình độ cao.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã ban hành Đề án vị trí việc làm giai đoạn 2016-2019 để làm cơ sở tuyển dụng và đã tuyển dụng được 126 giảng viên, nghiên cứu viên, viên chức cơ hữu; 22 chuyên gia là các nhà khoa học, phó giáo sư và giáo sư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, hoạt động tuyển dụng nhân sự nước ngoài của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã thu hút được 200 nhà khoa học nước ngoài. Đây là một trong những nhân tố quan trọng trong việc nâng cao các công bố quốc tế của trường.

Trường ĐH Mở Tp. Hồ Chí Minh đã ký 55 hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động với các viên chức, nhà khoa học có trình độ cao, trong đó có 01 phó giáo sư, 36 tiến sĩ, 18 thạc sĩ. Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã chủ động xây dựng Đề án vị trí việc làm, định biên gắn với tinh giản biên chế, khoán quỹ thu nhập tăng thêm, khoán việc cho một số bộ phận, đồng thời thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc trung tâm chuyên gia của Học viện.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được đáng kể như trên, vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Một số trường còn chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường theo quy định, 4/12 trường chưa thành lập Hội đồng trường, chưa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐT, chưa phê duyệt đề án vị trí việc làm để làm cơ sở cho công tác tuyển dụng, thành lập đơn vị mới, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm viên chức.

"Các trường có xu hướng né tránh va chạm, chưa thực sự tích cực cải thiện bộ máy tổ chức theo hướng tinh giản, gọn nhẹ. Đây là cũng một thách thức lớn đối với các trường trong vấn đề tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự" - nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị với Bộ Nội vụ:

Xem xét bãi bỏ tư cách công chức ở các trường đại học tự chủ. Cân nhắc việc mở rộng/bãi bỏ quy định tuổi cho Giám hiệu và Chủ tịch HĐT.

Cần trao quyền cho các trường tự chủ trong việc tổ chức thi nâng ngạch bậc cho chuyên viên, chuyên viên chính, giảng viên; giảng viên chính; giảng viên cao cấp. Cân nhắc việc cho phép các trường tự chủ được lựa chọn việc áp dụng Luật lao động thay vì Luật viên chức đối với các trường tự chủ.

Cho phép các trường được tự chủ xây dựng qui chế tuyển dụng, trả thù lao, đào tạo, phát triển và sử dụng đội ngũ chuyên gia, đặc biệt việc thu hút, tuyển dụng và thù lao các chuyên gia nước ngoài.

Cần đơn giản hoá thủ tục cấp Giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài.

Nhật Hồng