Vì sao sinh viên ngành báo chí truyền thông khó thích nghi ngay với công việc?

Ngành quảng cáo, truyền thông, báo chí là những ngành “hot” hiện nay bởi đó là ngành nghề được cho là năng động, sáng tạo, đòi hỏi người làm phải am hiểu nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, điểm yếu của không ít sinh viên VN với ngành này chính là tiếng Anh và kỹ năng làm việc.


Vì sao sinh viên ngành báo chí truyền thông khó thích nghi ngay với công việc?

Một trong những lý do các nhà tuyển dụng coi trọng bằng cấp của Anh là việc giáo dục Anh rất coi trọng những kỹ năng nghề nghiệp thực tế. (Ảnh minh họa)

 

Cơ hội việc làm lớn, thích nghi ngay không dễ!

 

Trong thời đại ngày nay, thông tin dường như có một “quyền lực” độc tôn và không phải đơn giản mà báo chí được phong “quyền lực thứ tư”, một cách nói trang trọng đầy tự hào. Bởi vậy, báo chí và truyền thông ngày càng có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của tất cả các lĩnh vực. Và nghề báo đang thực sự trở thành một nghề nghiệp hấp dẫn đối với nhiều người, nhất là những bạn trẻ.

 

Hiện nay, cả nước có khoảng 700 tờ báo in và tạp chí, cùng hàng trăm đài phát thanh - truyền hình từ Trung ương tới địa phương, chưa kể các công ty truyền thông, các phòng ban truyền thông của các doanh nghiệp, công ty v.v... Chính vì vậy, có thể nói cơ hội việc làm của những ngành học này rất lớn.

 

Tuy nhiên, thực tế với kiến thức trong nhà trường đào tạo, nhiều sinh viên ra trường khó có khả năng đáp ứng ngay được với công việc đòi hỏi áp lực cao, xử lý thông tin nhanh... bởi các sinh viên thiếu nhiều kỹ năng thực hành và tiếng Anh - một đòi hỏi bắt buộc của nhiều cơ quan báo chí hiện nay.

Chính vì vậy, nhiều sinh viên ngành báo chí truyền thông sau khi tốt nghiệp phải lăn lộn đi học thêm tiếng Anh và nhiều kỹ năng nghề khác. Dự tuyển vào nghề biên tập viên truyền hình, sinh viên Nguyễn Thùy Nga vừa tốt nghiệp ngành báo chí của một trường đại học báo chí lớn tại Hà Nội tâm sự: “Rào cản lớn nhất của em hiện nay ngoại ngữ và kỹ năng phần mềm biên tập, phần mềm xử lý video, các công cụ social media, đặc biệt khả năng thuyết trình… Do vậy, khi ra trường, em đã phải đầu tư  nhiều thời gian để học thêm trau dồi các kỹ năng”.

 

Sinh viên Đặng Thị Châu cho hay: “Khi đi thực tập tại tòa soạn báo điện tử lớn, em cảm thấy mình không tự tin chút nào, động đến vấn đề nào cũng lóng ngóng ngay từ viết tin. Bên cạnh đó, với báo điện tử cần phải xử lý tình huống nhanh, viết tin bài nhanh và đặc biệt xử lý các kỹ thuật trên máy nhanh... điều đó hoàn toàn chúng em còn quá yếu và thiếu”.

  

Chị Nguyễn Kim Hải, lãnh đạo một công ty truyền thông lớn tại Việt Nam cho biết: “Khi tuyển dụng, chúng tôi đều yêu cầu ngoài kỹ năng chuyên môn thì ứng viên phải thành thạo tiếng Anh, biết sử dụng photoshop hoặc Illustrator hoặc các phần mềm design, lên trang báo; Sử dụng thành thạo các công cụ và phương tiện đặc thù của báo điện tử (máy ảnh kỹ thuật số, các phần mềm đồ hoạ thông dụng (photoshop)… để đáp ứng công việc nhưng nhiều em không đáp ứng được phải đào tạo lại rất nhiều”.

 

Lãnh đạo của một tờ báo cho hay, khi tuyển dụng biên tập viên, phóng viên, tòa soạn yêu cầu khả năng viết tốt, biên tập tin bài tốt, khả năng tự tổ chức bài viết, đề tài, chuyên đề, có tốc độ triển khai bài viết nhanh, hiệu quả, năng động, nhiệt tình; chịu được áp lực cao trong công việc. Tuy nhiên, để tuyển chọn được sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng ngay được công việc rất khó vì các em còn thiếu nhiều kỹ năng.

 

Kinh nghiệm học tập tại nước ngoài

 

Chia sẻ kinh nghiệm học tập ngành truyền thông tại Vương Quốc Anh, Vũ Hải Đăng, (tốt nghiệp trường University of Westminster với chuyên ngành MA Media Management) hiện đang làm việc British Council Vietnam trong lĩnh vực truyền thông cho biết:  “Làm việc trong ngành truyền thông không khó, nhưng để vươn lên và có được thành công trong ngành truyền thông thì chắc chắn không hề dễ dàng. Theo tôi, các bạn sinh viên cần phải học tiếng Anh thật giỏi - theo quan sát của tôi, kỹ năng quan trọng này chưa được coi trọng xứng đáng. Ngoài ra, hãy “làm việc” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Truyền thông là ngành công nghiệp “nội dung”, với sự cho phép của mạng xã hội hiện nay, bạn cần phải có sẵn một profile ấn tượng về bản thân khi tốt nghiệp thì mới mong có thể tạo sự khác biệt khi xin việc. Quan trọng hơn, việc “dám” bắt đầu sẽ mang lại cho bạn năng lượng, sự tự tin và những bài học không trường lớp nào dạy được”.

 

Được biết, có được công việc tốt và thu nhập cao hiện nay, do Vũ Hải Đăng có lợi thế là đã tham gia  khóa học về Quản lý truyền thông kéo dài một năm tại Vương Quốc Anh.

Hải Đăng cho hay: “Trong một năm học đó, tôi được học nhiều về bối cảnh truyền thông hiện đại, cách xây dựng và thực hiện các chiến lược truyền thông, thách thức mà các hãng truyền thông đang phải đối mặt hiện nay và cách thức giải quyết những thách thức đó. Khóa học thực sự rất bổ ích khi tôi được tham quan BBC, được gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông như Dannii Minogue, Giám khảo của The XFactor UK, Boris Johnson, Thị trưởng thành phố London và cũng là một cây bút sắc sảo cùng nhiều nhà báo nổi tiếng”.

 

“Nội dung tôi cảm thấy cực kỳ bổ ích trong khóa học là xây dựng quy trình sản xuất trong lĩnh vực truyền thông. Nghe thì có vẻ khô cứng và không có gì đặc biệt, nhưng thực tế là xây dựng quy trình là khâu đặc biệt khó khăn ở Việt Nam khi ngành truyền thông còn mới và mọi thứ đang ở trạng thái “vừa học vừa làm.” Nhưng đã trải qua công việc thực tế nên tôi thấy rằng quy trình là điều sẽ khiến cho chúng ta đi được dài hơn, bền sức hơn và phát triển ngày một tốt hơn” – Hải Đăng nhận định.

 

 
Có thể nói cơ hội việc làm của những ngành báo chí truyền thông là rất lớn

Có thể nói cơ hội việc làm của những ngành báo chí truyền thông là rất lớn

 Cơ hội cho sinh viên Việt Nam

Nói đến lĩnh vực truyền thông - báo chí, những người làm trong lĩnh vực này sẽ nghĩ ngay đến Vương quốc Anh là trung tâm thực hành xuất sắc trong lĩnh vực truyền thông với uy tín về chất lượng, sự đa dạng và các sáng tạo truyền thông.

 

Vương quốc Anh không chỉ đầu tư mạnh mẽ vào ngành phát thanh và truyền hình. Hội đồng nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (ESRC) là cơ quan đứng đầu Vương quốc Anh về tài trợ các hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực xã hội và kinh tế. Năm 2011-2012, cơ quan này có ngân sách nghiên cứu 203 triệu bảng Anh và vào bất cứ thời điểm nào, Hội đồng này cũng đang tài trợ cho hơn 4.000 nhà nghiên cứu và các sinh viên sau đại học trong các trường và viện nghiên cứu trên khắp Vương quốc Anh.

 

Chính vì thế, ở một cơ hội rất gần để cho sinh viên có thể hiểu thêm về lĩnh vực báo chí và truyền thông, cũng như về nền giáo dục của Vương Quốc Anh, đó là cùng tham gia Ngày hội giáo dục Vương quốc Anh, được tổ chức vào ngày 11/10 tới tại Hà Nội, ngày 12/10 tại TP.HCM và ngày 14/10 tại Đà Nẵng. ‘Khám phá kỹ năng cho nghề nghiệp tương lai’ sẽ là chủ đề xuyên suốt của sự kiện, với mục đích mang lại cơ hội cho các bạn trẻ gặp gỡ và trao đổi với đại diện của hơn 70 trường đến từ Vương quốc Anh về các chương trình học tập từ bậc phổ thông tới sau đại học.

 

Ngày hội Giáo dục Vương quốc Anh là cơ hội tốt nhất trong năm để học sinh, sinh viên khám phá về du học Anh. Học tập trong bất kỳ chương trình học nào tại Anh, sinh viên đều được trang bị những kỹ năng và bằng cấp cần thiết để thành công trong các ngành nghề. Theo Bảng Xếp hạng Đại học Thế giới Quacquarelli Symonds (QS) 2013/14, các nhà tuyển dụng trên khắp thế giới công nhận các sinh viên tốt nghiệp tại Vương quốc Anh đứng hàng đầu thế giới về khả năng tuyển dụng. Từ một cuộc khảo sát toàn cầu có sự tham gia của 27.000 nhà tuyển dụng, năm đại học Vương quốc Anh nằm trong top 10. Và cũng dễ hiểu khi 10% sinh viên quốc tế trên toàn thế giới lựa chọn Vương quốc Anh là điểm đến cho lựa chọn du học của họ.

 

Một trong những lý do các nhà tuyển dụng coi trọng bằng cấp của Anh là việc giáo dục Anh rất coi trọng những kỹ năng nghề nghiệp thực tế. Theo Báo cáo Sáng tạo thường niên 2012 của Bộ Kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng Vương quốc Anh, Vương quốc Anh đứng thứ hai trên thế giới về hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhiều khóa học tại Vương quốc Anh được thiết kế với sự tham gia của các doanh nghiệp và có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia đến từ khối doanh nghiệp; chính vì vậy, các sinh viên học tập tại Anh thu nhận được những kinh nghiệm thực tế cho nghề nghiệp tương lai.

 

Chương trình còn mang đến cơ hội cho các bạn trẻ trò chuyện với các cựu du học sinh Anh và chuyên gia nhân sự cao cấp về nhu cầu thị trường nhân lực hiện nay cũng như kỹ năng nghề nghiệp sinh viên cần có để có thể thành công trong công việc. Báo chí và truyền thông sẽ là một trong những lĩnh vực ngành nghề được các living books - là những cựu du học sinh Anh chia sẻ về con đường học tập đã giúp họ lựa chọn nghề nghiệp hiện nay như thế nào.

 

Thông tin về Ngày hội Giáo dục Vương quốc Anh:

Hà Nội: 13:00 - 17:30, Thứ Bảy 11/10/2014
Khách sạn Melia - 44B Lý Thường Kiệt

Thành phố Hồ Chí Minh: 13:00 - 17:30, Chủ Nhật 12/10/2014
Khách sạn InterContinental -Góc Hai Bà Trưng và Lê Duẩn

Đà Nẵng: 15:00 - 18:30, Thứ Ba, 14/10/2014
Khách sạn Grand Mercure - Khu Đảo Xanh, Quận Hải Châu

Đăng ký tham gia tại trang web: http://duhocanh.eduk.vn

Nhấn "Like" trên Facebook để được cập nhật thường xuyên các thông tin về sự kiện: http://www.facebook.com/NuocAnhTrongMatToi.

 

 

Vũ Ngọc

Dòng sự kiện: Cơ hội du học Anh