Việc học không bao giờ là muộn

(Dân trí) - Đã mười năm đứng trên bục giảng, niềm mong ước được đi học ngày nào của tôi đã thành hiện thực. Bây giờ thì niềm vui của tôi đã trọn, mặc dù phía trước vẫn còn khó khăn nhưng tôi sẽ biết cách để đứng lên...

Miền Trung quê tôi nghèo lắm, gia đình tôi cũng vậy. Cha tôi mất khi tôi mới chưa đầy ba tuổi, cái tuổi không thể cho tôi nhớ gì về hình ảnh người đã sinh thành ra mình. Tôi lớn lên giữa lúc đất nước sắp bước vào đổi mới với muôn vàn khó khăn của những năm tám mươi của thế kỉ trước. Bạn bè của tôi đa số đã bỏ học dở dang để bước vào đời mưu sinh. Cố gắng lắm tôi cũng chỉ học xong được cấp 2 rồi phải nghỉ học.

Buồn, tuyệt vọng là những gì xảy ra với tôi lúc đó, không có nỗi đau nào sâu thẳm hơn là dở dang đường học tập. 15 tuổi tôi bắt đầu bước vào đời bằng một công việc vô cùng nặng nhọc đó là đi là thuê cho các ông chủ nấu vôi (vật liệu để làm vữa xây dựng). Cả ngày kèo kẹo bưng bê đá và than, bẩn, bụi, nhem nhuốc mà đồng công chả đáng bao nhiêu. Ngày đó, công của tôi mỗi ngày được 1.000 đồng, tương đương khoảng nửa kg gạo. Thấp là vậy nhưng có việc là may rồi bởi lúc bấy giờ ai cũng khổ cả. Mỗi ngày làm từ 12-14 tiếng, nhiều hôm ra lò phải làm cả ngày đêm. Đôi mắt lúc nào cũng đỏ kè vì thiếu ngủ. Tôi đã làm công việc này trong 3 năm. Một quãng đời lầm lũi và cơ cực mà tôi đã đi qua đến bây giờ nghĩ lại còn ngao ngán và sợ hãi.

Thời gian đó, mỗi lần về nhà gặp mấy đứa bạn thời đi học tôi luôn mặc cảm không dám trò chuyện và thường xuyên lẩn tránh. Mặc cảm vì mình đã bỏ học giữa chừng và tủi hổ khi nghe bạn bè hỏi thăm về công việc. Có đứa hỏi để cảm thông với hoàn cảnh nhưng có đứa cố tình hỏi để làm tôi đau khổ…

Khi bạn bè cùng trang lứa vào đại học, cao đẳng là lúc tôi lên đường nhập ngũ. Ba năm lính không đem lại cho tôi lợi ích gì về kinh tế nhưng đã cho tôi nhiều niềm tin để đối mặt với thực tại của cuộc đời. Tôi chín chắn hơn và cũng sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tôi đã quyết định trở lại học cấp 3. Một quyết định khó khăn của tôi lúc bấy giờ. Mà lúc ấy không một người nào tán đồng, ủng hộ tôi. Ai cũng khuyên ở nhà lấy vợ rồi lập nghiệp, học hành chi nữa khi gần 10 năm xa trường lớp.

Ba năm cấp 3 của tôi là những tháng ngày miệt mài quên đi mọi thú vui khác. Tôi không để lãng phí thời giờ vào những chuyện vui chơi như bè bạn mà cùng vài đứa bạn trong lớp lập thành một nhóm học tập. Chúng tôi học quên ngày tháng. Ngoài giờ học trên lớp là lại tập trung về một chỗ để tham gia học tập. Mấy quyển sách giáo khoa các môn xã hội ngày ấy chúng tôi thuộc làu làu. Sau khi thuộc rồi chúng tôi bắt đầu phân tích, thảo luận, liên hệ, khái quát và giải các đề thi đại học.

Kỳ thi năm đó mấy anh em đều đậu vào đại học. Đứa nào cũng vui, nhưng có lẽ tôi là người vui nhất. Không vui sao được khi công sức tôi bỏ ra quá nhiều, khi tôi đã nghe quá nhiều lời thị phi để đứng lên giữa những khó khăn nhất của cuộc đời mình.

Đã mười năm đứng trên bục giảng, niềm mong ước được đi học ngày nào của tôi đã thành hiện thực. Bây giờ thì niềm vui của tôi đã trọn, mặc dù phía trước vẫn còn khó khăn rất nhiều nhưng tôi sẽ biết cách để đứng lên. Bài học của tôi năm nào luôn là nguồn động viên cho những học trò của tôi hôm nay gặp khó khăn biết đứng lên trước những thử thách của cuộc đời.

Các bạn trẻ hôm nay có những em xem thường học tập, không có quyết tâm trước những khó khăn hoặc vấp ngã cuộc đời. Có em quá ham hưởng thụ mà chưa nghĩ đến cống hiến và khát khao vươn lên. Hy vọng câu chuyện nhỏ của tôi sẽ là một nguồn động viên “nho nhỏ” để một số em biết vươn lên trong học tập.

Nguyễn Cao

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!