Đồng Tháp:

Xã nuôi 1.500 con heo đất khuyến học… thu hơn nửa tỷ đồng/năm

(Dân trí) - Những năm đầu, toàn xã Phong Mỹ chỉ nuôi được vài trăm con heo đất khuyến học. Từ 2013, đàn heo đất của xã không ngừng tăng lên. Hiện nay, cả xã nuôi được 1.500 con, số tiền “mổ heo” trên nửa tỷ đồng. Nhờ số tiền này, nhiều HS, SV được “tiếp sức” kịp thời.

Từ nhiều năm qua, xã Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh) được xem là một trong những điểm sáng về phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh Đồng Tháp. Trong các công tác phát triển hội viên, phát triển gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học… đều đạt kết quả cao. Nổi bật nhất là phong trào nuôi heo đất và công tác vận động doanh nghiệp “tiếp sức” cho học trò nghèo.

Gặp Chủ tịch Hội khuyến học xã Phong Mỹ, ông Đặng Văn Chính trong những ngày cận kề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Khuyến học Việt Nam, ông Chính vui mừng chia sẻ: " Lần Đại hội này tôi vinh dự được ra Hà Nội dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Trung ương Hội. Đây là dịp mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều đơn vị, anh em để học hỏi thêm những mô hình, cách làm hay trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng một xã hội học tập cho chính địa phương mình”.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phong Mỹ Đặng Văn Chính cho biết, mô hình nuôi heo đất khuyến học tại địa phương thành công như thời gian qua là được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng mà trong đó cán bộ, Đảng viên luôn là người tiên phong trong phong trào này
Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phong Mỹ Đặng Văn Chính cho biết, mô hình nuôi heo đất khuyến học tại địa phương thành công như thời gian qua là được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng mà trong đó cán bộ, Đảng viên luôn là người tiên phong trong phong trào này

Nói về điểm son của Hội khuyến học xã Phong Mỹ, ông Chính cho biết: Trong suốt thời gian gắng bó với Hội khuyến học xã, đến nay tôi thấy kết quả đạt được không chỉ là con số trao bao nhiêu suất học bổng, vận động được bao nhiêu tiền cho các cháu… mà thành công nhất chính là ý thức của mọi người dân đều quan tâm đến việc chăm lo giáo dục con cái học hành tốt. Được kết quả này là do Đảng ủy các cấp quan tâm, từ đó các cơ quan, đoàn thể chung tay với Hội thực hiện tốt các phòng trào khuyến học, khuyến tài, như: mô hình nuôi heo đất; mô hình nuôi dạy con tốt, mô hình 1+1… Trong đó hiệu quả nhất là phòng trào nuôi heo đất khuyến học, vì hiện nay cả xã đã nuôi trên 1.500 con heo đất, số tiền “mổ heo” hàng năm trên nửa tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phong Mỹ cho biết, những năm đầu phát động phong trào nuôi heo đất khuyến học, cả xã chỉ được vài trăm con. Từ năm 2013 được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, ủy ban xã nên phong trào nuôi heo đất lan tỏa và số lượng heo đất không ngừng tăng lên. Cụ thể, năm học 2013 - 2014, toàn xã nuôi được 1.285 con heo đất, số tiền “mổ heo” được 497 triệu đồng; Năm học 2014 - 2015, đàn heo của xã tăng lên 1.310 con heo đất, tổng số tiền “mổ heo” được 502 triệu đồng. Năm học 2015 – 2016, đàn heo đất của xã tăng lên 1.500 con, số tiền mổ heo trên 500 triệu đồng.

Hiện nay cả xã Phong Mỹ nuôi 1.500 con heo đất khuyến học và số tiền mổ heo 02 năm qua luôn trên nửa tỷ đồng
Hiện nay cả xã Phong Mỹ nuôi 1.500 con heo đất khuyến học và số tiền "mổ heo" 02 năm qua luôn trên nửa tỷ đồng

Ngoài số heo đất người dân nuôi tại 7 ấp và 162 tổ dân phòng, các ban ngành đoàn thể tại UBND xã đều nuôi heo đất khuyến học. Theo Hội khuyến học xã Phong Mỹ cho biết, trước dịp khai giảng năm học mới hàng năm, UBND xã tổ chức “mổ heo”, số tiền heo đất của các đoàn thể thu được từ 10 – 15 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền này, Ủy ban xã đều trao tặng lại cho Quỹ khuyến học xã để kịp thời trao nóng cho các học sinh, sinh viên thật sự khó khăn, cần giúp ngay. Riêng số tiền nuôi heo đất của người dân thì gia đình nào có con cháu đi học, tự gìn giữ lo cho các cháu. Riêng những hộ nào không sử dụng thì góp về quỹ khuyến học xã hoặc quỹ khuyến học của ấp, tổ dân phòng, lo cho con em trong xóm ấp.

Một trong những người dân tiên phong và ủng hộ phong trào nuôi heo đất suốt 5 năm qua là cụ Nguyễn Thị Liên (ấp 4 xã Phong Mỹ). Năm nay cụ Liên đã 85 tuổi nhưng vẫn cần kiệm trong chi tiêu nuôi hai con heo đất. Cụ Liên nói: “Tôi sống có một mình nên một con heo đất tôi nuôi để làm giỗ Bác Hồ hàng năm; con heo đất còn lại là nuôi để giúp các học trò nghèo. Cá nhân tôi thấy Hội khuyến học vận động bà con nuôi heo đất là cách làm hay, thiết thực cho phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương”.

Cụ Nguyễn Thị Liên năm nay đã 85 tuổi vẫn nuôi heo đất giúp học trò nghèo. Theo cụ, việc nuôi heo đất khuyến học trong tại mỗi gia đình cũng là cách giáo dục con cháu ý thức học tập và biết tiết kiệm
Cụ Nguyễn Thị Liên năm nay đã 85 tuổi vẫn nuôi heo đất giúp học trò nghèo. Theo cụ, việc nuôi heo đất khuyến học trong tại mỗi gia đình cũng là cách giáo dục con cháu ý thức học tập và biết tiết kiệm

Ông Bùi Văn Nhỏ - Bí thư Chi bộ Đảng ấp 4 chia sẻ: Ban đầu đến vận động người dân, nhiều người còn lo ngại phong trào nuôi heo đất chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, với những gia đình khó khăn, khui một con heo đất được 400.000 – 500.000 đồng, họ mừng lắm. Vì với bà con, bất chợt kiếm số tiền từng đó mua sách vở, quần áo cho các con không hề đơn giản. Đặc biệt, theo tôi phong trào nuôi heo đất không chỉ giúp người dân có một số tiền lo cho con cháu mà còn giáo dục các cháu biết tiết kiệm, quý trọng đồng tiền. Nhất là những đồng tiền mà ba mẹ các cháu dành dụm, tiết kiệm có được để mua cây viết, cuốn vở cho các cháu.

Ông Đặng Văn Chính - Chủ tịch Hội khuyến học xã Phong Mỹ cho biết, phong trào nuôi heo đất khuyến học hiện nay đã lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân mà “chất men” tạo nên điều này chính là sự tiên phong của cán bộ, Đảng viên đang công tác từ ấp đến xã. Nhờ đó, số heo đất khuyến học mỗi năm tăng lên, số tiền giúp các cháu học sinh, sinh viên năm sau luôn cao hơn năm trước. Và kết quả là nhiều năm qua địa phương không để một trường hợp nào bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Nguyễn Hành