Thanh Hóa:

Xúc động hình ảnh giáo viên vượt hiểm nguy đến trường cho kịp lễ khai giảng

(Dân trí) - Mùa tựu trường năm nay vào đúng thời điểm trên địa bàn Thanh Hóa mưa lũ diễn ra. Đặc biệt, khu vực huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) đường sá hư hỏng, giao thông chia cắt. Thế nhưng, để kịp cho ngày mai lễ khai giảng, các thầy cô đã liều mình vượt qua nguy hiểm, đi cả trăm cây số đường rừng để lên điểm trường.

Những ngày qua, huyện Mường Lát có mưa lớn, cùng với mực nước sông dâng cao nên đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn nhiều xã, thị trấn của huyện. Trong đó nặng nhất các xã Tam Chung, Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn, Mường Lý.


Hình ảnh thầy Hoàng Lê Thành - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Chung dò dẫm từng bước chân đi bộ hàng chục km trên những cung đường sạt lở.

Hình ảnh thầy Hoàng Lê Thành - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Chung dò dẫm từng bước chân đi bộ hàng chục km trên những cung đường sạt lở.

Thiệt hại nặng nề nhất đó là hệ thống đường giao thông bao gồm các quốc lộ 15C, 16, đường tỉnh và đường liên thôn, liên bản. Các điểm sạt lở nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua mới được giải tỏa, thông tuyến chưa lâu, nay lại tiếp tục bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn hơn rất nhiều, nặng nhất là tuyến quốc lộ 15C từ xã Trung Lý đi thị trấn Mường Lát với hàng chục điểm sạt lở, khiến cho tuyến đường này tê liệt hoàn toàn.

Tuyến đường 16 từ xã Trung Lý đi cầu Chiềng Nưa (xã Mường Lý), nối với xã Tam Chung và thị trấn cùng bị chia cắt hoàn toàn do có nhiều điểm sạt lở nặng, các phương tiện giao thông không thể di chuyển qua được. Ngoài ra, tình trạng sạt lở, ngập úng cũng đã làm hư hỏng, vùi lấp và gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông khác, nhiều thôn, bản bị cô lập hoàn toàn.

Xúc động hình ảnh giáo viên vượt hiểm nguy đến trường cho kịp lễ khai giảng - 2
Để vào được các điểm trường, các thầy cô giáo phải đi qua những cung đường khủng khiếp như thế này.
Để vào được các điểm trường, các thầy cô giáo phải đi qua những cung đường khủng khiếp như thế này.

Rất nhiều các thầy cô giáo công tác ở Mường Lát đều xuất thân từ miền xuôi. Để kịp cho lễ khai giảng, các thầy cô giáo đã bất chấp đường sá đi lại khó khăn, bất chấp cả sự hiểm nguy vượt hàng trăm cây số để đến với học trò.

Cô giáo Trịnh Kim Quế có thâm niên 14 năm gieo chữ ở những bản xa xôi nhất Mường Lát, mỗi tuần cô vẫn vượt mấy trăm cây số bằng xe máy về thành phố với gia đình. Thế nhưng, cô tâm sự rằng, 14 năm qua chưa bao giờ cô gặp cảnh kinh hoàng như lần này.

Cô giáo Quế vẫn chưa hoàn hồn khi đi trên chiếc thuyền để vào bản Cá Giáng khi mực nước dâng cao và củi khô tràn ngập sông.
Cô giáo Quế vẫn chưa hoàn hồn khi đi trên chiếc thuyền để vào bản Cá Giáng khi mực nước dâng cao và củi khô tràn ngập sông.

“14 năm trước khi đặt chân lên đây, sự rậm rạp âm u của rừng núi không làm mình sợ mà chùn bước. Vậy mà 14 năm sau mình đã chùn bước vì cảnh tượng này. Lần đầu tiên sau 14 năm mình đã đi một chặng đường thật khủng khiếp. Hơn 4 tiếng ngồi xe ô tô, 2 tiếng đi xe ôm, 3 tiếng cuốc bộ trong bùn lầy, 4 tiếng lênh đênh trên thuyền, rồi lại hành quân bộ trong nước, bùn ngập đầu gối mới lên được với học trò. Đúng là vượt một chặng đường mà giờ nghĩ lại vẫn không thể nào tin được mình đã đi qua được như thế” - cô giáo Quế tâm sự.

Lên đến điểm trường Cá Giáng (khu lẻ của Trường Tiểu học Trung Lý), cô mới hoàn hồn biết mình vẫn còn sống. “Mấy tiếng đồng hồ đi bộ dưới đường vỡ nát, nhiều đoạn bùn nhão nhoẹt ngập ngang bụng, đá lởm chởm, cây cối đổ khắp nơi, mệt, sợ và tủi thân nên khóc cả đoạn đường, người ta còn trêu mình, nước mắt cô giáo đủ làm một đập thủy điện Trung Sơn mới rồi” - cô giáo Quế chia sẻ.

Nhiều nơi, bùn ngập đến đầu gối hoặc ngang bụng, thầy cô vẫn cố gắng vượt qua để đến với học trò thân yêu.
Nhiều nơi, bùn ngập đến đầu gối hoặc ngang bụng, thầy cô vẫn cố gắng vượt qua để đến với học trò thân yêu.

Để có thể kịp để ngày mùng 5 tổ chức khai giảng cho học sinh, thầy Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu và thầy Hoàng Lê Thành, Hiệu Trưởng trường Tiểu học Tam Chung đã phải vượt gần 300 km từ dưới xuôi lên. Hai thầy đi từ sáng ngày mùng 3/9, gần 2 ngày rong ruổi trên đường mới có thể đến được điểm trường.

“Khắp nơi cây cối đổ ngổn ngang chắn đường, nhiều đoạn đường bị sạt lở, bùn đất ngập ngang người, vừa đi, chúng tôi vừa phải dò đường. Có những đoạn vô cùng nguy hiểm nhưng vẫn bám nhau từng bước một để vượt lên bờ bên kia…” - thầy Dung kể.

“Có đoạn đường nào đi được xe máy thì người dân lại “tăng bo” cho mình một đoạn. Thế mà hết 1 ngày trời, mình cùng một số đồng nghiệp mới lên đến Trung Lý. Nhóm mình phải ngủ lại ở đây, và đến sáng nay (mùng 4/9) lại tiếp tục hành trình tìm đường đến trường. Từ Trung Lý lên đến Quang Chiểu, đường sá sạt lở, hư hỏng hết nên đều phải lội bộ, lúc đến được trường cũng hết cả ngày trời. Để có thể tìm đường vào đến trường chỉ có thể là may mắn” - thầy Dung chia sẻ.

Xúc động hình ảnh giáo viên vượt hiểm nguy đến trường cho kịp lễ khai giảng - 6
Vào đến điểm trường, các thầy cô phải lo làm sao kéo bùn ra khỏi lớp học để học sinh có chỗ ngồi.
Vào đến điểm trường, các thầy cô phải lo làm sao kéo bùn ra khỏi lớp học để học sinh có chỗ ngồi.

Với tình yêu nghề, yêu học trò, giống như thầy Dung, cô Quế, thầy Thành, có rất nhiều thầy cô giáo khác nơi vùng núi này vẫn liều mình vượt hiểm nguy để bám bản, bám nghề, mang ánh sáng tri thức tới những học trò vùng sâu, vùng xa. Cảm phục và thiêng liêng biết bao sự nghiệp trồng người ấy!

Nguyễn Thùy