4 vấn đề phải thực hiện khi đào tạo theo nhu cầu xã hội

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa các gợi ý cho Bộ GD-ĐT về việc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Theo đó, Thủ tướng khẳng định năm 2008 phải là năm có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo bước đột phá về việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.

Thủ tướng nhắc Bộ GD-ĐT cần phải đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế quản lý, tăng đầu tư của Nhà nước đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, hướng mạnh đào tạo nghề (cả đại học và cao đẳng) theo nhu cầu của xã hội và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách.

Có 4 vấn đề lớn Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tập trung thực hiện khi thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội:

1. Đặc biệt chú trọng phát triển dạy nghề, tạo được sự phát triển mạnh trong những năm tới
 
Sau hơn 20 năm đổi mới, đào tạo nghề có những bước phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập.

Để phát triển đào tạo nghề thì phải mở rộng quy mô các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề ở mọi trình độ, trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phổ biến kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Quý I năm 2008, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn chỉnh đề án đổi mới và phát triển hệ thống dạy nghề, xây dựng chương trình đào tạo nghề với quy mô lớn, trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp ở các cấp học, bậc học, các loại hình đào tạo từ giáo dục phổ thông tới dạy nghề, cao đẳng và đại học

Chất lượng giáo dục phổ thông là nền tảng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học khác, kể cả giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề.
 
Do đó, cùng với việc tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải hợp lý, cơ bản, hệ thống, hiện đại, thiết thực, cần đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học nhằm nâng cao óc sáng tạo, khả năng thực hành, sử dụng ngoại ngữ, tin học cho học sinh, tăng cường giáo dục đạo đức, thể chất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đẩy mạnh đào tạo nghề, tập trung nâng cao chất lượng đi liền với đảm bảo số lượng, phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề phù hợp với cơ cấu vùng, miền. Nâng cao chất lượng đào tạo là một đòi hỏi bức thiết, song là một quá trình, phải triển khai có hệ thống với các bước đi thích hợp.

3. Mở thêm các trường đại học, cao đẳng
 
Tăng số lượng người học đạt 200 sinh viên trên một vạn dân vào năm 2010. Xây dựng các trường đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực cho vùng, miền, địa phương cùng với việc tập trung xây dựng các trường có chất lượng quốc tế, khu vực, đạt chất lượng cao của quốc gia.
 
Thủ tướng cũng khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực với các hình thức khác nhau, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, các Tập đoàn mở các trường đào tạo nguồn nhân lực cho bản thân doanh nghiệp và cho xã hội.
 
4. Rà soát lại quy hoạch và công khai quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng
 
Thành lập Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực ở các địa phương; chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, sớm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo; xây dựng đề án học phí trình Chính phủ; chỉ đạo xây dựng đề án thành lập bốn trường đại học chất lượng cao.

Trước mắt, Bộ tập trung xây dựng đề án thành lập trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tại Hà Nội, trường Đại học Việt - Đức tại TPHCM.

Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia; rà soát các cơ sở dạy nghề trong toàn quốc, đánh giá năng lực đào tạo, xây dựng chuẩn đào tạo nghề; xác định các ngành nghề được ưu tiên đào tạo...

Trên cơ sở đó xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

M.M