Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo muốn bỏ kiến nghị Nhà nước làm sách giáo khoa

Hoài Thu

(Dân trí) - "Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt vấn đề.

Có cần một bộ sách giáo khoa chung của Nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung là vấn đề được đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về nội dung giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chiều 14/8.

Băn khoăn cần hay không một bộ sách giáo khoa chung?

Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Theo quy định Nghị quyết 88 về biên soạn sách giáo khoa, chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách).

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo muốn bỏ kiến nghị Nhà nước làm sách giáo khoa - 1

Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/8 (Ảnh: Phạm Thắng).

Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa (một hoặc một số đầu sách theo khả năng), không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn một bộ sách giáo khoa gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa. Cử tri tại nhiều địa phương đề nghị thực hiện một bộ sách thống nhất trong phạm vi toàn quốc hoặc một địa phương.

Đoàn giám sát cho biết có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị nên có một bộ sách giáo khoa để sử dụng chung, theo báo cáo của Ban Dân nguyện.

Phát biểu làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị cân nhắc bỏ một nội dung kiến nghị của Đoàn giám sát về việc "trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước".

Theo Bộ trưởng Sơn, Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh. Còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, hỗ trợ giáo viên chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?

Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?", Bộ trưởng Sơn đặt vấn đề.

Yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục là thầy cô giáo

Với lo lắng về an toàn, an ninh sách giáo khoa, theo Bộ trưởng Giáo dục, điều này không thành vấn đề, vì Nhà xuất bản Giáo dục là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định…

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo muốn bỏ kiến nghị Nhà nước làm sách giáo khoa - 2

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Phạm Thắng).

Nhấn mạnh chủ trương đổi mới là đúng nhưng trên chặng đường thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc vấp phải khó khăn là khó tránh khỏi.

Vấn đề lớn lúc này, Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh, là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chiều chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới.

Bộ trưởng Giáo dục kiến nghị ngoài nghị quyết giám sát chuyên đề này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục.

"Cần nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề", theo Bộ trưởng Sơn.

Ông nhấn mạnh nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Giới hạn của số lượng và chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo là giới hạn của đổi mới và giới hạn chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, cũng cần đủ trường lớp, trường lớp được kiên cố, khang trang, đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa, đủ nhà vệ sinh cho trường học, đủ trang thiết bị cho giáo dục, đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động…

"Nếu không có những cái tối thiểu đó, ngành giáo dục, các nhà giáo có nỗ lực mấy cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn", theo lời Bộ trưởng Giáo dục.