Cám cảnh phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ, đòi nợ chưa được lại… đóng tiền

Hoài Nam

(Dân trí) - Sau nhiều lần đòi nợ trường gói đầu tư học phí bất thành, đem bán cũng không xong, chị Hương, phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ đành tiếp tục đóng thêm tiền để duy trì việc học cho con.

Nhiều lần rao bán gói đầu tư với lý do "đi định cư"

Chị Lê Hương (tên nhân vật đã được thay đổi), có hai con theo học tại Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) tâm tư, chưa bao giờ gia đình chị rơi vào cảnh khóc dở mếu dở như thế này.

Vài năm trước, vợ chồng chị vét sạch tiền tiết kiệm, bán luôn mảnh đất để dành và còn vay mượn thêm bên ngoài để cho trường vay vốn với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, lãi suất 0%.

Cám cảnh phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ, đòi nợ chưa được lại… đóng tiền - 1

Từ giữa năm 2023, đã có nhiều phụ huynh rao bán gói đầu tư tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (Ảnh: Lê Đăng Đạt).

Đổi lại, hai con được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn học phí trong thời gian học chính khóa tại trường. Theo hợp đồng, trường sẽ trả lại số tiền vay khi các cháu kết thúc học tại trường hoặc chuyển trường.

Giữa năm 2023, chị như ngồi trên lửa khi nhiều phụ huynh lên tiếng đòi nợ trường. Có trường hợp phụ huynh đã hoàn tất thủ tục chuyển trường nhưng không được trường hoàn trả khoản tiền đã vay dù đã nhiều lần hứa hẹn.

Thấy bất an, chị Hương cũng muốn rút, chuyển trường cho con. Nhìn tình hình biết không thể rút lại vốn từ trường lúc này, chị Hương tính đến phương án rao bán lại gói đầu tư của mình với giá thấp hơn với hy vọng lấy được tiền.

Chị thú nhận, lúc đó, nhiều lần chị rao bán lại gói đầu tư học tập của con tại Trường Quốc tế Mỹ với lý do "nhà sắp đi định cư nước ngoài". Thật ra, nhà chị không đi đâu hết, chị chỉ muốn rút lại tiền, chuyển trường cho con. 

Thời điểm đó, như chị, không ít phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ cũng rao bán gói đầu tư vào trường mong… tìm một lối thoát.

Nhiều người vào hỏi, thăm dò nhưng khi đó thông tin phụ huynh đòi nợ trường đã ầm ĩ nên người ta chỉ hỏi chứ không ai "xuống tiền". Đi không được, ở không xong, chị Hương đành "ngồi yên" để giữ việc học cho con.

Chị Hương cũng tỏ ra khá ngạc nhiên là ở thời điểm nhà trường vướng nợ nần ầm ĩ đó nhưng theo chị biết, không ít phụ huynh vẫn ký hợp đồng mua gói đầu tư hoàn lại hoặc không hoàn lại cho con vào trường. 

Cám cảnh phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ, đòi nợ chưa được lại… đóng tiền - 2

Phụ huynh căng băng rôn đòi nợ Trường Quốc tế Mỹ vào tháng 9/2023 (Ảnh: PHCC).

Người mẹ cũng cho biết phụ huynh đòi nợ không được, trường đang vay tiền của phụ huynh nhưng trước đây, trường cũng đã từng thông báo để phụ huynh bổ sung các khoản phí thường niên cho năm học 2023-2024 để duy trì hoạt động.

Theo phụ huynh này, số tiền nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp lúc đó là khoảng 70 tỷ đồng.

Nhưng rồi, mọi việc biến động trở lại vào đầu tháng 3 năm nay khi học sinh đến trường trong tình cảnh thiếu giáo viên, có tiết có giáo viên, có tiết học sinh ngồi không…

"Và giờ đây, trường lại kêu gọi chúng tôi tiếp tục đóng tiền để vận hành. Để con duy trì việc học, phụ huynh không còn cách nào khác là đóng tiền", chị Hương nghẹn ngào nói về tình cảnh đang "cầm dao đằng lưỡi" của mình và của nhiều gia đình khác.

Không còn lựa chọn khác, chị tặc lưỡi "đành đóng". Tuy nhiên, chưa xoay được tiền nên chị chưa đóng vào số tài khoản chung vừa được cập nhật ngày 1/4. 

Bất an đóng tiền 

Lùm xùm kéo dài trong sự việc nợ nần; giáo viên nghỉ việc hàng loạt; học sinh phải nghỉ học gián đoạn, ngồi tự học ở căng tin xảy ra tại Trường Quốc tế Mỹ thời gian qua đang đi đến phương án phụ huynh tiếp tục đóng tiền để vận hành đến hết năm học.

Trong cuộc họp ngày 30/3, trước hàng trăm phụ huynh và đại diện cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Út Em, chủ trường Trường Quốc tế Mỹ thừa nhận trường đã mất khả năng tài chính.

Cám cảnh phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ, đòi nợ chưa được lại… đóng tiền - 3

Cuộc họp chiều 30/3 giữa Trường Quốc tế Mỹ, các sở ban ngành với hàng trăm phụ huynh bàn phương án đóng thêm 125 tỷ đồng để trường duy trì vận hành (Ảnh: PHCC).

Để tiếp tục vận hành thêm 3 tháng của năm học này, trường kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm 125 tỷ đồng. Tùy khối lớp và chương trình học, phụ huynh sẽ đóng từ 9,5 đến 25,5 triệu đồng/tháng.

Phía nhà trường cho biết những đóng góp của phụ huynh trước đây và hiện tại đều sẽ trả lại cho phụ huynh dưới nhiều hình thức như cổ phần, vay mượn, lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng Nhà nước.

Còn việc phụ huynh nào đã tham gia hợp đồng góp vốn với nhà trường, theo trường sẽ được quy đổi giá trị hợp đồng thành cổ phần của nhà trường. Tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư dưới sự giám sát của sở ban ngành để tiến hành tái cấu trúc.

Tại cuộc họp này, một phụ huynh cũng nêu ra thắc mắc về thông tin trường đang nợ hơn 3.000 tỷ đồng gây xôn xao. Phụ huynh cần biết để biết cân nhắc nhưng thắc mắc này đã không được chủ trường giải đáp.

Phụ huynh đóng thêm tiền là phương án "không có lựa chọn nào khác" trong tình thế trường vay nợ, hết tiền.

Trong đó, không ít người đang cho trường vay vốn theo gói đầu tư học phí, giờ chưa đòi được nợ từ trường lại phải tiếp tục đóng tiền với hy vọng đảm bảo việc học cho con.

Phía Sở GD&ĐT cùng với phụ huynh sẽ lập ra những tổ tài chính nhằm rà soát các khoản chi của kế toán nhà trường xem có phù hợp không, trên tinh thần các sở ngành yêu cầu chi một cách tinh gọn nhất, tập trung những hạng mục thiết thực nhất để vận hành nhà trường.

Trong ngày đầu tiên mở tài khoản chung sở hữu đồng sở hữu 3 bên giữa Sở GD&ĐT, nhà trường và phụ huynh, tính đến tối ngày 1/4, phụ huynh trường này đã chuyển vào tài khoản này hơn 17 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu Trường Quốc tế Mỹ kêu gọi phụ huynh đóng góp để duy trì vận hành. Theo báo cáo của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ, sau khi bị phụ huynh đòi nợ, đầu tháng 10/2023, Trường Quốc tế Mỹ đã thông báo thu bổ sung các khoản phí thường niên cho năm học 2023-2024 để duy trì hoạt động.

Nhiều phụ huynh phản đối việc đóng góp các khoản bổ sung nhưng cũng nhiều phụ huynh ủng hộ đóng để duy trì hoạt động đến Tết Nguyên đán.

Bởi vậy, lần này khi trường kêu gọi phụ huynh đóng góp 125 tỷ đồng để duy trì vận hành, có những ông bố bà mẹ vừa tìm cách xoay tiền cùng với lo lắng bộn bề liệu rồi có đủ, liệu còn phải đóng thêm, liệu rồi con đi học rồi có phải nghỉ học giữa chừng?