Dạy con một chữ trọng thầy

Chỉ vì một lần vô ý trong giao tiếp mà tôi đã vô tình hằn lên trong nếp nghĩ của con mình một sự lệch lạc về thầy cô. Do xử lý không tế nhị xung quanh phong bì trả thù lao cho thầy dạy thêm, tôi đã làm giảm đi sự kính trọng thầy cô trong lòng con trẻ.

Về khoản chi phí cho thầy dạy kèm tại nhà, trước nay tôi đều cho vào phong bì và trao tận tay cho thầy, kèm theo dăm ba câu chuyện xã giao và cuối cùng đều không quên cám ơn thầy đã tận tâm với trò - dù thầy giáo chỉ ở tuổi đôi mươi. Mọi việc xảy ra suôn sẻ cho đến một hôm do tôi phải đi công tác xa, thay vì nhờ một người lớn khác trong nhà làm giúp thì tôi gửi lại phong bì tiền nhờ Hảo (tên cậu con trai của tôi) trao lại cho thầy giáo.

 

Sau lần đó, tôi thấy trong giờ học thêm cháu có dấu hiệu học hành chểnh mảng, không nghiêm túc. Lắm khi giờ học đã bắt đầu nhưng Hảo vẫn còn mải đọc truyện tranh, xem phim hoặc trong lúc học hay viện cớ đi uống nước, đi vệ sinh, ăn miếng bánh dằn bụng… Tôi đề nghị cháu tôn trọng giờ giấc để đảm bảo chất lượng học tập thì bất ngờ tôi nhận được câu trả lời: “Mình trả tiền thì thầy đợi chút xíu có sao đâu”.

 

Hoá ra trong đầu óc non nớt của con tôi đang dần hình thành suy nghĩ đã bỏ tiền ra mua “chữ” thì làm gì cũng được. Thậm chí chưa có thái độ đúng mực về thầy - người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho mình.

 

Từ đạo lý tôn sư trọng đạo thiêng liêng giữa thầy và trò từ bao đời nay con tôi đã chuyển sang quan hệ chủ - tớ sòng phẳng, thực dụng thời kinh tế thị trường với vị thế của người sử dụng lao động và người lao động. Chuyện không lớn nhưng lại dẫn đến một hệ quả không nhỏ.

 

“Tiên học lễ hậu học văn” là bài giảng đầu tiên mà bất kỳ học sinh nào bước chân vào mái trường đều phải nằm lòng. Nhưng học lễ từ đâu nếu không phải từ chuyện người thầy, người cô đầu tiên trong đời của trẻ. Ông bà ta cũng có câu “cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo”, khi những tấm gương kia đục thì không thể đòi hỏi con cái sống tốt được.

 

Một đứa trẻ ngoan hay hư, dở hay giỏi cũng là do người lớn uốn nắn mà ra. Chỉ vì một lần vô ý thức trong giao tiếp mà tôi đã vô tình hằn lên trong nếp nghĩ của con mình một sự lệch lạc về thầy cô - những người mà trẻ sẽ phải lĩnh hội kiến thức suốt một khoảng thời gian khá dài - từ mẫu giáo đến đại học.

 

Theo Hà Hồng Ngọc
Sài Gòn Tiếp Thị