ĐH Princeton phải chi 1,2 triệu USD để "xóa" dấu hiệu bất bình đẳng giới

Minh Hương

(Dân trí) - Đại học Princeton đồng ý trả thêm 1,2 triệu USD cho 106 nữ giáo sư sau một nghiên cứu của Chính phủ Mỹ về tình trạng bất bình đẳng giới trong thu nhập tại ngôi trường danh tiếng này.

Bộ Lao động Mỹ cho biết nghiên cứu từ năm 2014 cho thấy có sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa các nam và nữ giáo sư tại Đại học Princeton trong giai đoạn 2012-2014.

ĐH Princeton phải chi 1,2 triệu USD để xóa dấu hiệu bất bình đẳng giới - 1
Đại học Princeton, Mỹ. 

Trong giai đoạn này, 106 nữ giáo sư nhận được mức lương thấp hơn so với các đồng nghiệp nam. Đại học Princeton chấp nhận trả thêm số tiền 925.000 USD cho 106 nữ giáo sư được xác nhận trong nghiên cứu trên.

Đồng thời, nhà trường sẽ trả thêm 250.000 USD trong việc điều chỉnh mức lương trong tương lai cho các nữ giáo sư này. Tổng số tiền được nhà trường chấp thuận trả thêm cho 106 nữ giáo sư là 1,2 triệu USD.

Đại học Princeton cũng chấp thuận áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm công bằng trong thu nhập trong tương lai, bao gồm các biện pháp như xét tăng lương định kỳ, khuyến khích nữ giới tham gia trong các lĩnh vực hiện nam giới chiếm vị trí chủ yếu và khuyến khích nữ giới tham gia các vị trí lãnh đạo. 

New York Times dẫn số liệu từ Chronicle of Higher Education cho thấy, thu nhập của các nữ giáo sư tại Đại học Princeton năm 2018 là 235.000 USD, trong khi con số này ở các đồng nghiệp nam là 253.000 USD. 

Tuy nhiên, phát ngôn viên Đại học Princeton Ben Chang cho biết nhà trường chấp thuận trả thêm lương cho các nữ giáo sư sau nghiên cứu của Bộ Lao động Mỹ nhằm tránh các thủ tụng tố tụng lâu dài và tốn kém cũng như ảnh hưởng của sự việc lên danh tiếng của nhà trường. 

Ông Chang cho biết quá trình tự xem xét và đánh giá của Đại học Princeton cho thấy nhà trường không xảy ra tình trạng bất bình đẳng giới trong thu nhập.

Ông Chang cho rằng việc so sánh thu nhập các tất cả giáo sư trong trường theo giới tính là cách thống kê sai lầm, bởi Đại học Princeton có cách đánh giá, tuyển dụng và trả lương cho nhân viên theo chuyên ngành, chứ không phải theo giới tính. 

Ông Chang cho rằng mỗi chuyên ngành học thuật khác nhau có nhu cầu tuyển dụng và mức lương khác nhau trong thị trường lao động và đây mới là căn cứ đúng để xem xét có tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập giữa các giảng viên trong trường hay không.