Du học sinh mang ánh sáng đến cho dân nghèo

(Dân trí) - Cồn Hô nằm chơ vơ giữa sông Hậu và sông Tiền, mấy chục năm qua người dân đến đây lập nghiệp sống trong cảnh tối tăm. Bỗng một ngày, nhóm du học sinh và sinh viên tình nguyện đã mang điện đến thắp sáng cả hòn cù lao.

Cuối tháng 7, trời Miền Tây lúc mưa, lúc nắng thất thường. Từ Cần Thơ qua mất hơn trăm km,qua nhiều chặng đường hẹp và lầy lội phải mất hơn 3 giờ đồng hồ bằng xe hơi, chúng tôi mới có mặt được Cồn Hô ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
 
Vượt qua dòng sông Hậu trong cơn mưa, chúng tôi đến ấp Mỹ Hiệp A, chỉ đi bộ len lỏi qua mấy vườn cây ăn trái thì gặp ngay nhóm sinh viên (SV) tình nguyện, áo quần lấm lem bùn đất đang mãi miết làm những công việc cuối cùng để hoàn thiện trạm biến thế thu năng lượng mặt trời - hạng mục chủ yếu trong dự án đem điện mặt trời về vùng sâu.

Hệ thống năng lượng mặt trời dành cho 30 hộ dân ở Cồn Hô sống cách biệt đất liền do các tình nguyện viên của dự án A Helping Hand thuộc Hội SV Việt Nam tại Học viện Hoàng gia (Trường ĐH Imperial College) - London kết hợp với nhóm tình nguyện viên Frogsleap Foundation gồm những SV đang học tại các trường đại học ở Việt Nam thực hiện. Họ là những thanh niên nhiệt huyết, độ tuổi chưa quá 23.  

Các sinh viên vui mừng khi đèn đã sáng - dự án đã thành công
Các sinh viên vui mừng khi đèn đã sáng - dự án đã thành công.
 
Cồn Hô nổi lên giữa 2 nhánh rẽ của sông Tiền và Sông Hậu không biết từ bao giờ, mãi đến năm 1975 sau ngày giải phóng, nhiều người dân đã tìm đến khai phá, sinh sống gầy dựng cơ nghiệp. Cồn Hô chỉ vỏn vẹn 27 ha đất bồi, từ ngày người dân đến sinh sống mãnh đất này trở nên trù phú, cuộc sống có nhiều đổi thay. Thế nhưng bao năm nay, đứng bên cù lao cô độc, nhìn về phía đất liền đêm đêm điện sáng ai cũng thèm khát.
 
Lê Quang Huy, nhóm trưởng nhóm A Helping Hand cho biết: "Từ mùa hè năm 2011, em cùng với các bạn SV cùng trường và SV đang học ở Việt Nam tìm hiểu địa bàn cần thực hiện dự án. Các cơ quan chứa năng của Trà Vinh giới thiệu Cồn Hô. Sau nhiều lần đi tiền trạm và khảo sát thực địa, 2 nhóm SV đã lập được kế hoạch thực hiện".
Các sinh viên trao đổi với nhau trước khi ra nơi gắn trạm biến thế
Các sinh viên trao đổi với nhau trước khi ra nơi gắn trạm biến thế.
 
Em Huy cũng cho biết: Hệ thống năng lượng mặt trời này được mua từ một nhà sản xuất có uy tín ở Việt Nam, đã được kiểm định chất lượng và vận hành ở nhiều địa điểm khác nhau với thời gian sử dụng đến 10 năm.

Còn Đỗ Hoàng Đỉnh - kỹ sư điện - điện tử thuộc nhóm SV tình nguyện ở Việt Nam cho biết: "Mặc dù đã tìm hiểu nghiên cứu về năng lượng mặt trời khá công phu nhưng khi đến Cồn Hô vẫn gặp khó khăn vì ở đây không có điện và cũng không có nguồn điện 220V nên khi tiến hành khoan, hàn lắp các thiết bị gặp rất nhiều khó khăn".

Đứng cạnh trạm biến thế mini nơi thu nhận nguồn năng lượng mặt trời, em Nguyễn Trung Tín - SV Trường ĐH Bách khoa TPHCM say sưa kể: "Khi xây trạm biến thế này chúng em đã phải tự mày mò, đọc sách và nghiên cứu rất nhiều như đo góc quay, nhìn hướng mặt trời… để khi hệ thống hoàn thành thu nạp được năng lượng cao nhất".
Trạm thu năng lượng điện mặt trời
Trạm thu năng lượng điện mặt trời.
 
Em Holly, 20 tuổi, SV Trường ĐH Imperial College nói: "Em không thể tin được nhưng dự án đã thành sự thật. Người dân nghèo ở đây đã có nguồn ánh sáng, niềm vui mới. Những ngày ở Cồn Hô sẽ không bao giờ phai mờ trong kí ức em. Chắc chắn khi trở lại Anh chúng em sẽ vận động thêm nhiều bạn nữa để tham gia và xem như kế hoạch hằng năm".
 
Trên đường dẫn chúng tôi từ Trung tâm huyện Càng Long về Cồn Hô, ông Trương Hồng Tiến - Phó chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Càng Long, cho biết: "Điện thắp sáng cho các hộ dân ở Cù lao là niềm trăn trở nhiều năm của lãnh đạo địa phương nhiều năm nay nhưng chưa có kinh phí. Việc các SV nước ngoài đưa điện về Cồn Hô là việc làm rất thiết thực".
Các nông dân vui mừng khi Cồn Hô có điện.
Các nông dân vui mừng khi Cồn Hô có điện.

Nông dân Nguyễn Văn Linh xúc động nói: "Cuộc đời tui đã ngoài 70 tuổi, gần đất xa trời giờ mới thấy được ánh sáng đèn điện. Bao nhiêu năm sống với ngọn đèn mù u,  đèn dầu, phải gửi con cháu đi nơi khác có ánh sáng để ăn học. Từ nay có điện rồi tôi sẽ đón tụi nó về nhà ăn học”.

Ông Nguyễn Văn Phi (58 tuổi) - người có mặt đầu tiên ở Cồn Hô không giấu được niềm vui sướng: "Thật cảm kích trước tấm lòng nhân ái và trí tuệ của các em SV. Các em đã không quản đường sá xa xôi, phải sống những ngày vất vả giúp chúng tôi có điện thắp sáng. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của bà con Cồn hô chúng tôi".
 
Ngoài dự án lắp điện mặt trời, các SV tình nguyện này còn tặng Trường tiểu học Đại Phước A và Đại Phước B một phòng máy vi tính, một thư viện nhỏ với hơn 200 đầu sách và 3 kệ để sách. Trong thời gian ở Đại Phước một tuần, các SV tình nguyện còn dạy cho trẻ em ở đây học Anh văn và tin học.

Được biết, toàn bộ kinh phí để các em thực hiện dự án này hết 45.000 bảng Anh (tương đương 1,5 tỷ đồng) trong đó có khoảng 20.000 bảng Anh vận động được từ một số nhà tài trợ. Số chi phí còn lại (khoảng 25.000 bảng) do các em tự gây quỹ ở Anh và tự bỏ tiền túi ra chi trả.

Phạm Tâm