“Hai không” tiếp tục được triển khai quyết liệt

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân vừa ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục trong năm học 2007-2008. Theo đó, “Hai không” tiếp tục là cuộc vận động “nóng” phải triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

Về cuộc vận động “Hai không”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt lưu ý toàn ngành phải gắn kết việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục để tiếp tục triển khai quyết liệt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”.

 

Cuộc vận động “Hai không” trong năm học 2007-2008 gồm 4 nội dung:

 

1. Nói không với tiêu cực trong thi cử.

2. Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục.

3. Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo.

4. Nói không với việc ngồi nhầm lớp (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp).

 

Trên cơ sở kết quả học tập năm học 2006-2007 và kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm học, các trường cần nghiêm túc tổ chức sinh hoạt đầu năm học cho tất cả các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh về 4 nội dung của cuộc vận động. Cần tổ chức đăng ký, cam kết thi đua của các tổ bộ môn và tập thể sư phạm nhà trường, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức và tự học.

 

Ngoài ra, 9 nhiệm vụ trọng tâm khác trong năm học 2007-2008 bao gồm:

 

- Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt phân ban lớp 10, lớp 11 và khắc phục việc ngồi nhầm lớp. Phát triển và ứng dụng rộng rãi hệ thống các công cụ phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật.

 

- Phát triển hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng, tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu phản ánh đúng chất lượng.

 

- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng chuẩn nghề nghiệp đối với hiệu trưởng trường phổ thông, triển khai thí điểm việc luân chuyển hiệu trưởng.

 

- Nâng cao năng lực của hệ thống quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương và năng lực quản lý của các trường. Đẩy mạnh phân cấp quản lý giáo dục cho địa phương và cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong quản lý tuyển dụng giáo viên, sử dụng ngân sách, tổ chức quá trình đào tạo.

 

- Cơ quan Bộ GD-ĐT và các Sở GD-Đt đẩy mạnh xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” đối với các quy trình giải quyết công việc, tin học hóa các hoạt động quản lý.

 

- Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, phát triển mạng lưới trường, lớp học, phòng học bộ môn, nhà công vụ cho giáo viên; thu hút các nguồn lực cho xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp học, thiết bị giáo dục bằng những chính sách và quy hoạch rõ ràng.

 

- Củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ, thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở đảm bảo kết quả vững chắc; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

 

- Thực hiện công bằng trong giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn, giáo dục khuyết tật.

 

- Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu nhằm tạo tiền đề cho công tác bồi dưỡng nhân tài. Tổ chức đánh giá hoạt động 42 năm của hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu trong toàn quốc, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và mỗi tỉnh, thành phố.  

 

M.M