Hai quan niệm sai lầm về tỷ lệ “chọi”

(Dân trí) - Bên cạnh điểm chuẩn, tỷ lệ “chọi” là một cái “phao” quan trọng được thí sinh lấy làm căn cứ để chọn trường vừa sức, dễ đỗ. Tuy nhiên, theo ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ GD-ĐT, tỷ lệ “chọi” là một con số tham khảo không đáng tin cậy.

Theo ông Ngọc, có 2 quan niệm sai lầm nhất về tỷ lệ “chọi” mà thí sinh hay mắc phải là:

 

1. Tỷ lệ “chọi” của trường nào càng thấp, cơ hội trúng tuyển ở trường đó càng nhiều

 

Khi theo quan niệm này, nhiều thí sinh đã phán đoán, với đề thi chung, các trường ĐH sẽ được nằm trên một mặt bằng chung, vì thế những trường nào càng có ít thí sinh dự thi, tức là tỷ lệ chọi của trường đó càng thấp, thì trường đó càng dễ trúng tuyển, kể cả đó là những trường nằm trong hàng “top”.

 

Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm vì tỷ lệ “chọi” không phản ánh được sự dễ đỗ hay khó đỗ của mỗi trường ĐH. Ví dụ như ĐH Bách khoa hay Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hàng năm, tỷ lệ chọi của những trường này chỉ trong khoảng 1 “chọi” 3 hoặc 4 nhưng mức điểm chuẩn đầu vào của trường luôn trên 23 điểm, thực tế đó cho thấy đỗ được những trường này không hề dễ.

 

Từ khi áp dụng đề thi chung, quả thật một số trường loại “top” có số thí sinh dự thi giảm mạnh như ĐH Bách khoa có năm giảm tới gần 20%, ĐH Sư phạm Hà Nội giảm tới gần 30%… Dù vậy, những trường này vẫn luôn có mức điểm chuẩn đầu vào rất cao, như: ĐH Sư phạm Hà Nội có ngành lên tới 27 điểm, ĐH Bách khoa thì luôn dao động trong khoảng từ 23 - 24 điểm. Rõ ràng, số thí sinh dự thi vào những trường lại “top” thường là những thí sinh thuộc diện xuất sắc.

 

Hiện, đã có sự phân luồng khá rõ nét trong số thí sinh dự thi đại học và như theo nhận xét của bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH (Bộ GD-ĐT) tỷ lệ “chọi” không quan trọng, điều quan trọng là “chọi” với đối tượng học lực thế nào?

 

2. Tỷ lệ “chọi” có tính quyết định đến điểm chuẩn

 

Tỷ lệ “chọi” hoàn toàn không có quan hệ gì đến mức điểm chuẩn. Nhất là trong thời điểm như hiện nay, tỷ lệ “chọi” của các trường lại đang nằm trong diện là tỷ lệ chọi “ảo” bởi số thí sinh thực tế đến thi so với số hồ sơ dự thi có một khoảng cách khá xa. Chắc chắn sẽ lại diễn ra cảnh nhiều trường có số hồ sơ dự thi cao chót vót nhưng số thí sinh dự thi không đạt nổi 60%.

 

Chẳng hạn như ĐH Kinh tế Quốc dân trong kỳ thi tuyển sinh năm 2005 “hụt” gần 10 nghìn thí sinh, ĐH Vinh “hụt” hơn 7 nghìn thí sinh… Tuy vậy, ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn có mức điểm chuẩn cao chót vót: 24,5 điểm, thậm chí có ngành lên tới 27,5 điểm như ngành Ngân hàng tài chính và Kế toán. Điểm chuẩn vào ĐH Vinh cũng ở mức khá cao so với mặt bằng chung của các trường ĐH địa phương với điểm chuẩn của ngành cao nhất lên đến 24,5 điểm.

 

Tỷ lệ “chọi” cao cũng không khiến điểm chuẩn của các trường cao theo. Chẳng hạn như ĐH Công đoàn, trong năm 2005, trường này có tỷ lệ “chọi” là 1/13, dù vậy điểm chuẩn vào truờng cũng chỉ ở mức từ 17 đến 21 điểm. Đặc biệt, như trường ĐH Văn hoá có mức “chọi” vào hàng kỷ lục: 1/15 nhưng điểm chuẩn vào trường cũng chỉ dao động trong khoảng từ 14,5 đến 19 điểm.

 

Một ví dụ chung cho tình hình này, TS Quách Tuấn Ngọc có đưa ra các con số tỷ lệ “chọi” của 5 năm (2001 - 2005): Tỷ lệ “chọi” trong 5 năm nay đã giảm liên tục từ 1/10,86 xuống còn 1/6,1. Tuy nhiên, mức điểm chuẩn vào các trường hầu như không có biến động gì đáng kể, thậm chí phần lớn các trường còn theo xu hướng có điểm chuẩn tăng lên. 

Mai Minh - Hồng Hạnh