"Một đề tài khoa học mỗi năm làm... 20 báo cáo, không biết để làm gì"

Hoài Nam

(Dân trí) - "Có đề tài nghiên cứu, mỗi năm phải làm đến 20 báo cáo khoa học, những báo cáo mà sau đó không biết để làm gì", PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) nói.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 6/9. 

Một đề tài khoa học mỗi năm làm... 20 báo cáo, không biết để làm gì - 1

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo (Ảnh: Hoài Nam).

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo cho biết, nhiều nhà khoa học có đề tài lớn gặp nhiều khó khăn nhất là về mặt giấy tờ, thủ tục. 

"Có những đề tài, mỗi năm phải làm 20 báo cáo khoa học. Mà sau đó không biết sử dụng để làm gì, trong khi kết quả cuối cùng mới quan trọng", bà Thảo cho hay. 

Ngoài ra, nữ phó giáo sư cho biết, điều cực kỳ khó khăn với các nhà khoa học là các thủ tục tài chính. Nếu may mắn, suôn sẻ thì không sao nhưng có những giai đoạn như Covid-19 vừa rồi, các thủ tục cứ lòng vòng như "con gà quả trứng" không giải quyết được, điều này dẫn đến rất khó để chuyển giao công nghệ. 

Bà Thảo kể, họ có thể xin được tài trợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp yêu cầu 3 tháng báo cáo kết quả một lần nhưng với thủ tục hành chính nhà nước như hiện nay thì 3 tháng chưa xử lý được gì. Trong khi, chỉ cần vài lần chậm là doanh nghiệp nản, không còn muốn hợp tác. 

Với việc chuyển giao công nghệ ra nước ngoài, bà Thảo dẫn chứng bằng sự việc của nhóm mình xảy ra tuần vừa rồi. 

"Nhóm chúng tôi lọt vào vòng cuối chuyển giao công nghệ cho đối tác ở Saudi Arabia. Đối tác đánh giá rất cao về mặt kinh nghiệm, chuyên môn của nhóm vượt hẳn đối thủ từ châu Âu nhưng chúng tôi lại không có cơ chế để vận hành lab (phòng thí nghiệm) cho phía đối tác", bà Thảo nói. 

Theo bà Thảo, nếu như các thầy cô ở trường đại học, trường đại học có thể thành lập công ty spin-off (công ty công nghệ ứng dụng thành quả nghiên cứu khoa học, thường là công ty khởi nghiệp nằm trong các trường đại học) thì sẽ giải quyết bài toán chuyển giao công nghệ.

Trước vướng mắc của các nhà khoa học về nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho hay thành quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam đang tập trung ở các cơ sở giáo dục đại học, cùng với một số viện nghiên cứu khác.

Về các thủ tục đấu thầu, quyết toán, nghiệm thu, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt là vấn đề lớn trong quản lý khoa học công nghệ. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành nghiên cứu, tập trung tháo gỡ những khó khăn này, kiến nghị, sửa đổi những cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

Bộ Khoa học Công nghệ đã xây dựng để báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần tháo gỡ. Trong đó xác định 13 nội dung cần giải quyết chia theo các nhóm theo cấp độ của ngành, Bộ; cấp độ vướng mắc từ các nghị định, thông tư và cấp độ khó nhất là liên quan đến luật. 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông tin, sắp tới Bộ sẽ làm việc với các cơ sở nghiên cứu khoa học có quy mô để lấy ý kiến, có kiến nghị tháo gỡ…

Lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, của hai đại học quốc gia và các Bộ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, Nghị định về đại học quốc gia phải khắc phục những tồn tại như đang thiếu hẳn về cơ sở pháp lý, tiêu chí đại học quốc gia. 

Nghị định về đại học quốc gia  cần xây dựng để thực hiện đúng sứ mệnh đã đặt ra với hai đại học quốc gia, phải có những nhiệm vụ lớn, đủ tầm, tập trung cho nghiên cứu khoa học công nghệ có tính chiến lược đối với sự phát triển của đất nước. 

Hai đại học quốc gia cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước thành chính sách pháp luật.

Một đề tài khoa học mỗi năm làm... 20 báo cáo, không biết để làm gì - 2

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Ảnh: Phúc Nam).

Trong đó, Phó Thủ tướng bày tỏ ông quan tâm cơ chế tổ chức, mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai, giữa đại học quốc gia với các trường đại học trong đại học quốc gia, doanh nghiệp và các trung tâm khởi nghiệp, hệ sinh thái của hai đại học quốc gia để tạo ra sự phát triển. 

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu, hai đại học quốc gia phải có đề án tổng thể trên cơ sở pháp lý để đề với nhà nước về những vấn đề nhà nước phải đầu tư, đặt hàng...

Bên cạnh đó, đại học quốc gia cũng như các trường đại học cần tập trung vào việc đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư, tổ chức bộ máy, phải tham gia cùng Chính phủ khi đưa ra thiết chế ngành để làm sao có được cơ chế thuận lợi.