Du học Mỹ bằng con đường trao đổi văn hóa:

Một hành trình phiêu lưu!

Từ cuối hè 2005 đến nay, các hội thảo về chương trình trao đổi văn hóa trung học Mỹ liên tục được tổ chức. Và mặc dù tên gọi của chương trình là trao đổi văn hóa, nhưng trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh và HS, đây là con đường tắt để có thể vào thẳng ĐH Mỹ...

Đường tắt để vào ĐH Mỹ?

 

Theo lời quảng cáo của các trung tâm tư vấn du học, tìm đường du học Mỹ bằng cách này được nhiều cái lợi: chi phí rẻ, thủ tục chứng minh tài chính đơn giản, đặc biệt phỏng vấn xin visa dễ hơn so với các chương trình du học tự túc thông thường mà lại không cần phải có điểm TOEFL. Nếu không vào được ĐH, CĐ mà trở về VN thì ít nhất HS cũng có được một năm kinh nghiệm sống và học tập ở Mỹ, được nâng cao trình độ tiếng Anh và có được “những kỷ niệm và mối quan hệ đáng nhớ đến suốt đời”.

 

Phụ huynh của một HS - hiện đang tham gia chương trình trao đổi văn hóa tại bang Indiana - cho hay ngay khi con họ trúng tuyển kỳ thi SLEP (kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh đối với các em HS tham gia chương trình này), họ đã được trung tâm tư vấn rằng con họ vẫn có thể học tiếp lên CĐ hoặc thậm chí là ĐH ở Mỹ nếu học tốt. Người cha bộc bạch: “Bây giờ thì tùy thuộc cháu thôi. Nếu cháu thích nghi với môi trường sống và học tập ở bên đó thì gia đình cũng sẽ cố gắng lo cho cháu học tiếp lên CĐ hoặc ĐH”.

 

Và đây là một lộ trình thông thường mà phụ huynh và HS dự tính để vào được ĐH Mỹ: đi trao đổi văn hóa một năm; trong một năm đó HS sẽ học để đạt điểm thật tốt ở trường trung học Mỹ, thi lấy bằng TOEFL và SAT (nếu chưa thi ở VN), viết bài luận... (các yêu cầu cụ thể tùy từng trường) rồi nộp đơn vào các trường ĐH, CĐ cộng đồng tại Mỹ kèm theo bảng điểm ba năm học gần nhất ở VN (thường là bảng điểm lớp 9, 10 và 11).

 

Để đạt kết quả mỹ mãn đó (tức là thẳng tiến vào ĐH Mỹ), không cách nào khác HS phải nỗ lực cho việc học và luyện thi. Nhưng trên thực tế không có nhiều HS VN có thể đi thẳng vào ĐH Mỹ mà thường chỉ được chấp nhận vào học tại một trường CĐ cộng đồng và sau hai năm học mới được liên thông lên ĐH.

 

Chương trình trao đổi văn hóa một năm trung học Mỹ do rất nhiều tổ chức tư nhân tại Mỹ tổ chức và khai thác. Các tổ chức này thiết lập đồng thời mạng lưới các tình nguyện viên (volunteer), các đại diện vùng (area representative) để thông tin về chương trình, liên hệ các trường công lập đón nhận HS quốc tế và liên hệ các gia đình nhận nuôi các em HS này (host family)...

 

Tại VN, các trung tâm tư vấn du học tự túc đăng ký trở thành đại diện của các tổ chức (CCI, ISE, YFU, AYUSA, EF, ASPECT Foundation...) và triển khai chương trình này dưới nhiều tên gọi: chương trình học bổng trung học công lập, chương trình du học và giao lưu văn hóa tại Hoa Kỳ cho HS trung học, chương trình giao lưu văn hóa tại các trường trung học công lập Mỹ... chi phí trọn gói từ 5.500-8.000 USD.

Có khi đường... vòng

 

Con chị Y. lúc mới qua California “bị sốc dữ lắm, đến nỗi nó đòi về vì ở California buồn quá! Nhà nào nhà nấy cách nhau có khi cả năm, bảy dặm; đường sá vắng tanh, không đông đúc xe cộ như ở TPHCM”. Đến khi con chị được chuyển tới Kansas để chính thức nhập trường thì lại bị sốc thêm một lần nữa vì “nó cứ nghĩ qua đó sẽ được học lớp 12, ai dè học lại lớp 11; nó sợ bị trễ mất một năm và không thể vào được ĐH”.

 

Đó là chưa kể người Mỹ ở Kansas nói tiếng Anh khó nghe hơn ở California, con chị phải mất một thời gian nữa để thích nghi. Chị biết rõ cho con đi như vậy cũng là cả một sự phiêu lưu vì không có gì đảm bảo rằng con mình có thể vào được ĐH ở Mỹ.

 

Trong khi đó, cũng có những trường hợp được đưa về những vùng quá xa trung tâm, bao nhiêu dự tính đi thi TOEFL, SAT... đều không thực hiện được. Và đã có trường hợp vì thi TOEFL quá trễ nên HS không kịp nộp đơn vào trường ĐH, quay về VN phải học lại lớp 12 ở trường ngoài công lập, thi tốt nghiệp THPT... và đến hai năm sau mới có cơ hội sang một nước khác du học.

 

Chúng tôi đặt vấn đề có nên cho con đi trao đổi văn hóa thì nhận được lời bộc bạch của ông Nguyễn Hoài Chương, trưởng phòng GD trung học, Sở GD-ĐT TPHCM: “Việc gì cũng có giá của nó, cũng có cái tốt nhưng nếu không học tiếp lên ĐH được thì về VN sẽ bị chậm mất một năm học”.

 

Còn chị O. nhớ lại quãng thời gian một năm cho con đi trao đổi văn hóa mà ngán ngẩm: “Chị nói thật suốt cả năm nó đi trao đổi văn hóa, chị cứ thường xuyên bị nhức đầu, chóng mặt vì lo cho nó”. Nỗi lo của những vị phụ huynh này không phải không có cơ sở, bởi có em khi qua tới Mỹ không thể thích nghi được nên gia đình đành phải bay sang đón về. Tốn kém mà chẳng thu được kết quả gì!

 

Và còn một thực tế nữa mà phụ huynh cần hết sức lưu ý. Ông Huỳnh Minh Trí, trưởng phòng GD chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT TPHCM, cũng thừa nhận hiện nay sở chưa quản lý được các chương trình trao đổi văn hóa trung học.

 

Trong khi đó các trung tâm tư vấn du học tự túc đã đưa vào khai thác chương trình này từ nhiều năm nay và số HS tham gia chương trình ngày càng tăng. Như vậy, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của HS nếu có rắc rối nảy sinh trong và sau chương trình?      

 

 

Theo Phong Châu

Tuổi Trẻ