Một trường nghề dành cho người nghèo

(Dân trí)- Với mức học phí thấp hơn quy định: 30.000đ/tháng, tiền KTX nhà trường không thu, dù có tới 95% học sinh nội trú, duy trì nhà ăn tập thể cho học sinh với mức 70.000đ/tháng/học sinh nhưng mỗi tháng học sinh cũng chỉ phải nộp 30.000đ, số còn lại nhà trường trang trải giúp.

Thậm chí, nếu học sinh loại giỏi còn được trả lại tiền ăn thừa. 100% học sinh tốt nghiệp đều có việc làm ngay với mức lương trên dưới 1 triệu đồng.

 

Trường Công nhân kỹ thuật chế biến gỗ Trung ương (Thanh Liêm, Hà Nam) là trường chuyên sâu duy nhất của cả nước đào tạo công nhân kỹ thuật chế biến gỗ bậc cao bao gồm các nghề: Mộc mỹ nghệ, Mộc dân dụng, Chạm khắc gỗ, Khảm trai, Ván dăm, ván sợi phục vụ đắc lực cho công nghiệp sản xuất chế biến gỗ và phát triển ngành nghề ở nông thôn.

 

Hàng năm, nhà trường tuyển sinh từ 500 đến 600 học sinh. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho nhiều xí nghiệp, công ty sản xuất đồ gỗ trong cả nước. Các cơ sở này hàng năm liên tục gửi nhu cầu tuyển thợ là học sinh tốt nghiệp của trường. Học sinh tốt nghiệp của trường luôn được hàng chục công ty, xí nghiệp đưa xe đến tận trường đón mời học sinh về làm việc tại các công ty, xí nghiệp mình. Số chỉ tiêu các công ty “xin” thường lớn hơn số học sinh mà trường đào tạo hàng năm. Có thể nói, hầu hết học sinh tốt nghiệp của trường CNKT Chế biến gỗ TƯ khi ra trường đều có việc làm với mức lương thu nhập bình quân từ 500.000đ đến 1.000.000đ/tháng.

 

Ngay từ khi mới vào học, mỗi học sinh học nghề mộc, chạm khắc gỗ hay khảm trai đều được phát một bộ đồ nghề của nghề chuyên môn và bộ đồ nghề này các em được tặng sau khi đã tốt nghiệp. Cùng tay nghề đã qua đào tạo và đồ nghề nhà trường cung cấp, các em có thể đi làm ngay khi vừa tốt nghiệp. Thậm chí ngay trong thời gian đi học, nhiều học sinh đã biết mua thêm nguyên liệu để tự tập làm các sản phẩm nhằm nâng cao tay nghề và cũng bán ngay được những sản phẩm đó để cải thiện đời sống. Đó không phải là điều mà học sinh của  trường nghề nào cũng làm được.

 

Từ mấy dãy nhà tranh tre nứa lá ở vùng quê nghèo đồng trũng của huyện Thanh Liêm (Hà Nam) những năm 1977, 1978… Đến nay, trường CNKTCBGTƯ đã trở thành một trong những trường nghề lớn nhất cả nước.

 

Trong những năm qua, Trường Công nhân Kỹ thuật Chế biến Gỗ T.Ư đã đào tạo được gần hai vạn công nhân kỹ thuật chế biến gỗ, trong đó có hơn 4000 công nhân kỹ thuật nghề chạm khắc gỗ và khảm trai, 5000 công nhân kỹ thuật nghề mộc góp phần tạo nhiều việc làm cho con em nông dân và phát triển các làng nghề ở nông thôn; số học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt chất lượng khá cao, thường từ 80% học sinh đạt loại khá giỏi, hầu hết học sinh tốt nghiệp đều có việc làm.

 

Mai Minh