Nữ nghiên cứu sinh Việt tại Đại học Bắc Kinh: Chưa bao giờ tự trả học phí

Thu Hoài

(Dân trí) - Từ bé đến lớn, Phạm Kim Thiền Vân liên tục nhận học bổng. Cô hiện là nghiên cứu sinh Tiến sĩ Việt Nam đầu tiên của chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh.

"Có thể nói, chi phí học tập từ mẫu giáo đến Tiến sĩ của mình đều do Chính phủ chi trả.

Học phí của mình từ lúc học mẫu giáo tới đại học được Chính phủ Việt Nam chi trả hoàn toàn do bố mình là bệnh binh - người có công nên mình được miễn giảm. Còn tiền học Thạc sĩ và Tiến sĩ là do Chính phủ Trung Quốc chi trả thông qua học bổng", Phạm Kim Thiền Vân chia sẻ.

Nữ nghiên cứu sinh Việt tại Đại học Bắc Kinh: Chưa bao giờ tự trả học phí - 1
Thiền Vân được Chính phủ chi trả toàn bộ học phí khi đi học. (Ảnh: NVCC).

Hành trình chinh phục kiến thức

Phạm Kim Thiền Vân sinh ra và lớn lên tại Phù Ninh (Phú Thọ). Sau khi học xong cấp 3 Vân đã thi đỗ vào ngành Ngôn ngữ Trung Đại học Hùng Vương. Trong suốt 4 năm Đại học, Thiền Vân ngày càng hiểu rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân và bắt đầu định hướng các mục tiêu về việc đi du học để có cơ hội mở rộng tầm nhìn và kiến thức. 

Thiền Vân cho biết, thời điểm đó việc thi học bổng toàn phần để đi du học ở trường cô rất hiếm, Vân gần như là một trong những người đầu tiên làm điều đó. Do vậy, Vân gặp không ít khó khăn trong vấn đề làm hồ sơ. 

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, Thiền Vân nhận được học bổng toàn phần hệ thạc sĩ Đại học Trung Sơn - một trong 10 trường đại học danh giá nhất  Trung Quốc. Tại đây, Vân được miễn tiền học phí, ký túc xá, chi phí bảo hiểm, tài liệu học và được cung cấp khoản tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Đó là nơi mang lại may mắn, cơ hội và mở ra cánh cửa rộng lớn trong sự nghiệp sau này của cô.

Nữ nghiên cứu sinh Việt tại Đại học Bắc Kinh: Chưa bao giờ tự trả học phí - 2
Vân là người có sở thích chinh phục thách thức và kiến thức mới. (Ảnh: NVCC).

Cuối năm 2021, Vân tiếp tục chuẩn bị hồ sơ xin học bổng hệ tiến sĩ. "Bản thân mình ở thời điểm này đã có công việc, sự nghiệp riêng và gia đình ổn định. Mình không có kế hoạch đi theo con đường công viên chức và áp lực phải học lên tiến sĩ để thăng tiến. Lúc đó, mình cảm thấy cuộc sống cũng như kiến thức của bản thân như vậy là đủ.

Tuy nhiên, là người có sở thích chinh phục thách thức và kiến thức mới nên mình đã suy nghĩ đến việc tiếp tục học tiến sĩ. Lúc ấy, mình đắn đo, suy nghĩ không biết nên chọn trường vừa phải để mọi thứ nhẹ nhàng, dễ dàng hay chọn trường hàng  đầu để thử thách và khẳng định bản thân", Thiền Vân tâm sự.

Cuối cùng, sau quãng thời gian suy ngẫm, Thiền Vân quyết định lựa chọn Đại học Bắc Kinh (Bắc Đại) để xin học bổng hệ tiến sĩ trước những lời khuyên ngăn của mọi người về độ khó của ngôi trường này. Sau khi xác định được mục tiêu, Vân đã chủ động tìm hiểu nhiều hơn về Đại học Bắc Kinh, đọc các bài báo tiếng Việt-Trung-Anh về trường để thu thập thêm thông tin. 

"Càng đọc mình càng thấy say mê và ước ao. Mình mong ước là một phần ở nơi đây,  khao khát được học hỏi những nguồn kiến thức tinh hoa nhất để phụng sự cho sự nghiệp giáo dục của bản thân. Mình mong ước được đắm chìm trong không gian học tập hàng tỷ dân mong chờ. Bên cạnh đó, mình muốn trở thành tấm gương sáng để các con noi theo và tự hào vì có người mẹ như thế", Thiền Vân bộc bạch.

"Hành trình chinh phục Đại học Bắc Kinh của mình bắt đầu với biết bao khó khăn. Mình đã phải tự mày mò tìm hiểu, bởi lẽ, mình không thể tìm thấy sinh viên người Việt đã từng học hệ tiến sĩ tại ngôi trường này để giao lưu và học hỏi", Thiền Vân cho hay.

Nữ nghiên cứu sinh Việt tại Đại học Bắc Kinh: Chưa bao giờ tự trả học phí - 3
Phạm Kim Thiền Vân tại giảng đường Đại học Bắc Kinh. (Ảnh: NVCC).

Theo Vân, quy trình xin học bổng thạc sĩ và tiến sĩ về cơ bản tương đối giống nhau. Tuy nhiên, ở Đại học Bắc Kinh, ngoài phần phỏng vấn, sẽ có thêm bài thi viết. Phần thi này được giảng viên trong trường đánh giá và chấm thi vô cùng chặt chẽ, bởi vậy, rất khó để vượt qua. 

Thiền Vân bắt đầu chinh phục Đại học Bắc Kinh bằng việc tự tìm hiểu các thông tin về trường, ngành bản thân muốn học và các học bổng trường có để đưa ra lựa chọn phù hợp. Theo Vân, với tất cả mọi người, khó khăn nhất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ chính là phần viết kế hoạch học tập.

Tuy nhiên, đây là một lợi thế của Vân. Bởi lẽ, cô đã mang trong mình nhiều năm kinh nghiệm nên hiểu rõ mục tiêu học tập, nghiên cứu của bản thân là gì. Đó chính là nghiên cứu về tiếng Trung trẻ em, một mảng khá mới mẻ và ít người nghiên cứu. Trong suốt quá trình xin học bổng, Vân phải tự chủ động tìm, hỏi và liên lạc với nhà trường bằng mọi cách qua email và điện thoại.

Nữ nghiên cứu sinh Việt tại Đại học Bắc Kinh: Chưa bao giờ tự trả học phí - 4
Thiền Vân thành công chinh phục hai học bổng danh giá của Chính phủ Trung Quốc. (Ảnh minh họa: NVCC).

Đến năm 2022, Thiền Vân xuất sắc chinh phục hai học bổng danh giá của Chính phủ Trung Quốc dành cho sinh viên nước ngoài với giá trị 5 tỷ đồng, được chào đón bởi Đại học Bắc Kinh và Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh. 

Chủ động xin thực tập không lương để tích lũy kinh nghiệm

Thiền Vân cho biết, sau thành công trong việc xin học bổng, cô rút ra được rằng: Chủ động là điều kiện cần và đủ để tạo nên kiến thức chuyên môn tốt và kế hoạch học tập rõ ràng, cụ thể. Để đạt được kết quả tốt, người học thạc sĩ và tiến sĩ đều có mục tiêu rõ ràng cũng như nền tảng chuyên môn tốt.

Thiền Vân đã rèn luyện cho bản thân tính chủ động từ lúc đang còn là sinh viên. Khi còn học đại học, Vân thường xuyên đạt học bổng trong các kỳ học tại trường. Ngoài ra, cô còn tham gia nhiều hoạt động của trường và giữ nhiều chức vụ liên quan đến sinh viên tại trường như: Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Ngoại ngữ, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Đại học. 

Trong thời gian học thạc sĩ, kết quả học tập và điểm thi chứng chỉ trình độ tiếng Trung của Vân luôn đứng đầu lớp và được miễn thi ở lần thi tiếp theo. "Thông thường, du học sinh cần phải thi 2 lần mỗi năm. Đến năm hai, sinh viên nước ngoài cần thi đánh giá để đủ điều kiện xét tiêu chí tốt nghiệp. Mình được miễn thi vì thành tích ở lần thi thứ nhất vượt qua mức nhà trường và đơn vị cấp phát học bổng yêu cầu", Thiền Vân cho hay.

"Sau nhiều thử thách, hiện tại mình đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ Việt Nam đầu tiên tại Học viện giáo dục Hán ngữ quốc tế - cái nôi đào tạo ra những giáo viên giảng dạy tiếng Trung Quốc", Thiền Vân cho biết. 

Nữ nghiên cứu sinh Việt tại Đại học Bắc Kinh: Chưa bao giờ tự trả học phí - 5
Vân đã từng xin làm thực tập không lương để học hỏi thêm kiến thức. (Ảnh: NVCC).

Để đạt được thành tích bao người ngưỡng mộ, Thiền Vân học mọi lúc mọi nơi và bằng nhiều cách khác nhau. Với đặc thù là dân ngôn ngữ, nên cách học của cô cũng linh hoạt hơn nhiều chuyên ngành khác. Khi chưa có kinh nghiệm, Vân thường xin làm thực tập không lương tại các công ty của Trung Quốc để học hỏi, tiếp thu kiến thức. 

Bên cạnh đó, Thiền Vân luôn chủ động xin trải nghiệm tất cả vị trí trong công việc liên quan đến ngành học ngay từ năm hai đại học để có thêm kinh nghiệm sống và cơ hội sử dụng ngôn ngữ, Thiền Vân tâm sự

Theo Vân, cô không thuộc nhóm mọt sách. Bởi vậy, Vân không thể ngồi đọc hàng nhiều giờ về một cuốn sách, nhưng cô có thể tập trung cao độ khi cần thiết. Ngoài ra, Vân là người hướng ngoại và cô thường xuyên sử dụng mạng xã hội để kết nối, tìm hiểu thêm các thông tin mới, mở rộng và thiết lập các mối quan hệ cho mình.

Thói quen vạch rõ kế hoạch làm việc

Chia sẻ về "bí kíp" tạo nên thành công, Thiền Vân cho hay: "Với mình, áp lực tạo nên kim cương. Mình đã sử dụng quan điểm đó để dạy dỗ con cái từ lúc các bé mới 3-4 tuổi. Mình muốn con có tính chủ động thay vì ở bên cạnh nhắc nhở những điều nhỏ nhặt".

Để đạt được thành tích bao người ngưỡng mộ, Thiền Vân luôn vạch rõ kế hoạch làm việc mỗi ngày. Cô có thể tư duy và làm nhiều việc một lúc để tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, khi gặp áp lực Thiền Vân thường ngồi lại, lấy giấy bút để vạch ra những rào cản khiến bản thân rơi vào trạng thái stress để giải quyết triệt để, Thiền Vân chia sẻ.

Nữ nghiên cứu sinh Việt tại Đại học Bắc Kinh: Chưa bao giờ tự trả học phí - 6
Thiền Vân có thói quen vạch rõ kế hoạch làm việc mỗi ngày. (Ảnh: NVCC).

Nhận được quả ngọt sau quãng thời gian phấn đấu không ngừng nghỉ, Thiền Vân nhận thấy: "Trong bất kể tình huống, công việc nào, nỗ lực của bản thân là điều cực kỳ quan trọng. Sự chủ động sẽ quyết định đến mục tiêu, quá trình hiện thực hóa mục tiêu của cá nhân.

Dẫu xuất phát điểm của bạn có như thế nào đi chăng nữa thì việc đặt ra mục tiêu và sự chủ động sẽ đưa bạn đến với thành công một cách nhanh chóng". 

"Hãy luôn chủ động để là phiên bản tốt nhất của chính mình, bạn sẽ bất ngờ về năng lực nội tại của chính bản thân mình", Thiền Vân tâm sự.