Bài dự thi “Ký ức học đường”

Qua Đạo Đầu nhớ thầy Phan Phụng Thạch

Những năm đầu thập niên 1970, tôi ra học Trung học Đệ nhị cấp Nguyễn Hoàng (Quảng Trị). Mới đó mà đã 35 năm. 35 năm chưa phải là dài nhưng với tôi đã có những kỷ niệm sâu sắc về mái trường, về Thầy Cô, về bạn bè.

Là dân ban C (ban văn chương) nên tôi thường đến thư viện nhà trường. Người thầy “quản thư” không dạy tôi một giờ nào nhưng tôi “tâm phục khẩu phục”. Đó là nhà giáo – nhà thơ Phan Phụng Thạch, người mà tôi thường gặp tác giả trên các tạp chí Bách khoa, văn..., những tờ báo “vang bóng một thời”.

 

Một ông thầy dong dỏng cao, thường đeo kính trắng, ít nói, nhưng đọc thơ thầy nói mới hay cái TÂM của người luôn hướng về quê hương, bạn bè, đặc biệt là học trò của mình.

 

Tập thơ “Lưu bút mùa hạ” của Thầy là một minh chứng:

 

“Rồi chiều nay giã từ từng nỗi chết

Ta Trở về đứng giữa những tang thương

Quê hương đó những chiếc cầu đã gãy

Còn mong chi nối lại những con đường.

Còn ai đó những người thân yêu cũ

Thắp giùm ta một chút nắng trong hồn

Em còn không hay muôn đời đã ngủ

Ôi một thời hoa bướm Hạnh Hoa thôn...”

(Khi ta về Quảng Trị)

 

Quê Thầy ở thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, một làng quê có truyền thống văn hoá. Giáo sư Phan Văn Dật – tác giả “Bâng khuâng” (thơ tiền chiến) trong “Thi nhân Việt nam” (Hoài Thanh- Hoài Châm) có đề cập cũng là người cùng làng.

Nhiều lần qua Đạo Đầu, hình ảnh thi sĩ họ Phan này cứ ám ảnh trong tôi hoài! Phải chăng có cùng mẫu số chung về duyên nợ thi ca?

 

Sau này vào Huế học sư phạm, thì bàng hoàng nghe tin: “Thầy Thạch đã mất vì mắc phải căn bệnh quái ác” bệnh hoại huyết”. Tôi nhớ không nhầm, trên tạp chí Bách khoa ngày ấy, nhà thơ Chu Vương Miện đã có số tưởng niệm về thầy. Có đăng ảnh, vài dòng tiểu sử và trích đăng một chùm thơ tưởng niệm. Trong đó có bài tặng người bạn thơ Trần Dzạ Lữ:

 

“Thằng bạn chưa già tóc đã bạc

Bụng đầy Kinh Lễ với Kinh Thư

Chuyện đời hư ảo xin mầy gác

Không lẽ mầy là Ngũ Tử Tư.

 

Hay mầy muốn là một Nhan Hồi

Thì hãy vì nhau uống mềm môi

Đã biết đời người cơn gió thoảng

Thì mau kẻo rượu sẽ bay hơi...”

 

Mới đây gặp lại một số bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh về quê, nhắc lại Thầy cũ, ai cũng bồi hồi xúc động và mong muốn có một dịp nào đó cùng hành hương về quê Thầy – quê nhà thơ Phan Phụng Thạch.

 

Những điều chân thực mà thầy đã nghi trong thơ: “... những chiếc  cầu đã gãy...” ấy bây giờ đã được nối lại. Cầu Hiền Lương, cầu Thạch Hãn... không chỉ một cầu mà có đến hai cầu, kể cả phục chế nguyên trạng di tích cầu.

 

Thầy Thạch ơi, trong cõi vô minh, tôi vẫn tin tưởng tâm trạng khắc khoải của nhà thơ sẽ an lòng trước hiện thực cuộc sống sôi động hôm nay một khi nước nhà đã thống nhất.

 

Võ Văn Hoa

Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo
 huyện Hải Lăng - tỉnh Quảng Trị