Quyết tâm học vi tính ở tuổi 67

(Dân trí) - “Ở thời đại này mà không biết vi tính thì mình trở nên chậm chạp, lạc hậu và đánh mất nhiều cơ hội. Thấy tụi trẻ liên lạc nhau bằng email, chat trên Internet với tốc độ vèo vèo… thích thật. Dù hơi muộn nhưng tôi phải quyết tâm đi học vi tính”.

Đó là tâm sự vui nhưng rất chân tình, cởi mở của ông Bùi Thanh Hóa (67 tuổi, giáo viên hưu trí, ngụ 54 Phan Văn Trị, phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu) trong buổi gặp gỡ và giao lưu những độc giả tham gia cuộc thi “World Cup trong mắt tôi” do báo Tuổi Trẻ TPHCM tổ chức.  

Cuộc thi “World Cup trong mắt tôi” dành cho những độc giả mê bóng đá thể hiện khả năng cảm nhận, bình luận về những cảm xúc sau một tình huống, một bàn thắng, một trận đấu hay một câu chuyện trong và ngoài sân cỏ.

Dự cuộc thi này, ông Bùi Thanh Hóa gửi tổng cộng 34 bài dự thi. Dù bài của ông Hóa chưa đạt nhưng ban tổ chức đã quyết định mở thêm giải phụ “Bạn đọc nhiệt tình nhất” trị giá 1 triệu đồng để trao cho độc giả đặc biệt này.

Quyết tâm học vi tính ở tuổi 67 - 1
Ông Bùi Thanh Hóa (bên phải) nhận giải “Bạn đọc nhiệt tình nhất” trong cuộc thi “World Cup trong mắt tôi”. (Ảnh: Công Quang)

Tại buổi gặp gỡ, ông Hóa đã chia sẻ cùng mọi người quá trình viết bài cũng như cơ duyên khiến ông quyết định học vi tính khi gần bước vào tuổi “xưa nay hiếm”.

Ông Hóa kể, khi biết tin về cuộc thi “World Cup trong mắt tôi” là ông hào hứng tham gia. Trong suốt 64 trận đấu diễn ra cũng là gần 30 đêm ông Hóa thức trắng cùng trái bóng Jabulani và liên tục viết bài cảm nhận để gửi báo.

“Xong hiệp 1, tôi lấy giấy bút ra viết. Viết một đoạn thì nghỉ để xem tiếp hiệp 2. Trận bóng kết thúc, tôi chui vào mùng tránh mũi và viết tiếp bài dang dở đến khi trọn vẹn mới chịu đi ngủ”, ông kể. Có trận bóng hay, bất ngờ, ông viết xong nhưng suy tư mãi không ngủ được. Từ bóng đá, ông liên tưởng đến cuộc đời và thân phận con người trong xã hội. Bài viết của ông còn nêu những kinh nghiệm, bài học về kỹ thuật, đạo đức… công tác lãnh đạo, quản lý, giáo dục cho cầu thủ bóng đá Việt Nam…

Ngặt nỗi, viết nhiều là thế nhưng ông chỉ biết trình bày những ý nghĩ, cảm xúc của mình ra trang giấy. Chứ đánh máy tính, gửi bài qua email thì ông mù tịt. Thế là, cứ mỗi sáng sớm ông đem tờ giấy bài viết của mình đến nhờ con gái ông đánh máy giúp rồi gửi email đến ban tổ chức. Dù bận rộn với công việc nhưng nghĩ đến niềm đam mê của cha nên cô con gái ông Hóa luôn nhiệt tình tiếp sức bố.

Cứ thế, ngày nào ông Hóa cũng viết đều đặn rồi nhờ con gái đánh máy, gửi đi. Bài vẫn không thấy được đăng báo. Nhưng ông Hóa vẫn không nản lòng và viết một “lèo” đến 34 bài.

“Bây giờ cái gì cũng email vèo vèo đến chóng mặt. Già như tôi có viết bài nhanh cũng không thể gửi kịp so với tụi trẻ được. Ban tổ chức ra quy định gửi bài qua email thì không công bằng cho tụi tui quá!”, ông Hóa dí dỏm phân tích, “trách yêu” ban tổ chức.

Dù 34 bài viết không được đăng, nhưng qua cuộc thi này ông Hóa ngộ ra một điều: “Xã hội phát triển, không tiếp nhận cái mới, không chịu học hỏi thì lạc hậu vô cùng”. Vậy là ông Hóa quyết định đi mua ngay cho mình một dàn máy vi tính.

“Tôi sẽ đi học thêm vi tính. Có máy tính và biết sử dụng máy thì sẽ thỏa thích viết những gì mình muốn. Hơn nữa, tôi muốn mình học để làm gương và động lực cho con cháu. Việc học không bao giờ thừa mà”, ông Hóa cười vui cho biết.

Công Quang