“Sách đen” thịnh hành trong học sinh Trung Quốc

Với những tựa đề như “Mãnh quỷ truyền kỳ”, “Người tình bánh quy”, “Búp bê Đông quan”..., loại sách này được một bộ phận học sinh Trung Quốc yêu thích hơn nhiều so với sách giáo khoa hoặc sách tham khảo.

Hoài Lam, học tại thành phố Lan Châu cho biết: “Sách bỏ túi rất tiện lợi, dễ mang bất kỳ khi nào. Nội dung lại đa dạng phong phú, có cả những mối tình đầy cảm động và lãng mạn. Hơn nữa, chỉ mất vài tiếng là đọc xong”.

Cậu cho biết, trong trường không riêng cậu mà rất nhiều bạn mê loại sách này. Hiểu Hiểu, một học sinh khác nói:

“Ở nhà thì bị quản lý nghiêm, việc học lại quá nặng, chẳng có mấy thời gian cho giải trí. Thi thoảng xem vài cuốn cũng vui. Nhiều bạn còn đọc lén trong giờ, thầy cô phát hiện cũng chỉ phê bình, chẳng ai thu sách”.

Biện pháp mà các học sinh này áp dụng là kẹp lẫn trong giáo trình, rất khó phát hiện.

Độc giả của loại sách này chủ yếu tuổi từ 12- 16, nam thì thích đề tài bạo lực, nữ thích các câu chuyện tình ái sướt mướt. Ngoài việc mua tại các cửa hiệu, nhiều cô cậu còn thuê về đọc với giá rẻ. Một chủ hiệu sách cho biết giá trung bình 8 NDT/quyển, thuê một ngày là 0,5 NDT, đều là sách trốn thuế. Sách càng kích động giá càng cao.

Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát chặt khiến các chủ cửa hiệu không dám bày bán công khai như trước, chỉ bán cho khách quen hoặc người thực sự có nhu cầu. Nếu mua số lượng lớn, chỉ cần đặt tiền sẽ chuyển tận nơi.

Các bậc phụ huynh bức xúc: “Ai chẳng có con cái. Không thể chỉ vì lợi nhuận mà để tâm hồn trẻ bị nhiễm độc như thế”. Một nhà thơ Trung Quốc từng nói: “Ảnh hưởng của con người thì ngắn, ảnh hưởng của sách thì lâu và rộng”.

Đối phó với nạn “sách bỏ túi” đang là vấn đề rất nhiều người quan tâm. Lý Á Quân, một giáo viên lâu năm cho rằng: “Ngoài các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình, cần quan tâm nhu cầu đọc của trẻ. Người lớn cần định hướng các loại sách bổ ích, lành mạnh.

Mặt khác, cũng nên tận dụng hình thức trình bày của “sách bỏ túi” mà lồng vào đó nội dung mang tính giáo dục, tránh kiểu khô khan của sách giáo khoa”.

Hiện thành phố Cam Túc đang đẩy mạnh việc xuất bản  “sách bỏ túi” giá rẻ với nội dung phù hợp, doanh thu khá cao. Đây được coi là mô hình có triển vọng trong việc đẩy lùi vấn nạn “sách đen”.

Theo Nhật Bột
Tiền Phong/Wenxue.tom.com