Sinh viên Anh chỉ dành 10 phút chú ý bài giảng

(Dân trí) - Sinh viên đại học ở Anh chỉ dành vẻn vẹn trung bình 10 phút cho việc lắng nghe bài giảng và nhiều lần “bùng học” vì phải đi làm thêm, theo kết quả của một cuộc nghiên cứu mới đây với sinh viên xứ sở sương mù.

Sinh viên Anh chỉ dành 10 phút chú ý bài giảng - 1
Các sinh viên nói rằng họ thiếu tập trung nghe giảng vì quá mệt khi phải đi làm thêm tự “cứu” mình. (Ảnh minh họa từ BBC)

Cuộc khảo sát của hãng công nghệ Olympus được thực hiện trên 1.000 sinh viên cho thấy thời gian trung bình mà một sinh viên có thể tập trung vào các bài giảng trên lớp là 10 phút. 13% sinh viên thừa nhận họ bỏ lỡ 5 giờ đồng hồ cho các bài giảng mỗi tuần.

Đồng thời, nhiều sinh viên phải kiếm việc làm thêm để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Khoảng 1/3 sinh viên đổ lỗi rằng họ thiếu chú ý trên lớp vì bị thiếu ngủ và phải làm việc quá sức. 17% sinh viên được hỏi cho biết họ phải ưu tiên thời gian cho các công việc làm thêm hơn là cho các bài giảng để tự “cứu” mình.

Nhiều người cho biết việc học tập của họ bị ảnh hưởng bởi công việc và 21% nhận thấy họ đang rất chật vật để hoàn thành việc học đúng thời gian.

Khảo sát này cũng phát hiện rằng nhiều sinh viên thiếu sự chuẩn bị cho cả việc học và sống trong môi trường đại học hiện đại. Khoảng một phần tư số sinh viên được hỏi đang chật vật với “bài toán” quản lý tiền bạc và cuộc sống độc lập. Gần một nửa sinh viên lo sợ họ sẽ trở thành những con nợ và thất nghiệp khi tốt nghiệp đại học.

Theo cuộc khảo sát, để thích nghi với cuộc sống sinh viên, tiền bạc và các bài giảng là rào cản lớn nhất với sinh viên Anh.

Trong khi đó, cứ 10 sinh viên thì 1 người cho biết họ lo sợ tấm bằng tốt nghiệp đại học của mình sẽ chỉ là một sự lãng phí tiền bạc. Khoảng ¼ trong số đó tin rằng họ sẽ bị thất nghiệp sau khi ra trường.

Wes Streeting, Chủ tịch Hiệp hội sinh viên quốc gia, nói: “Với tình trạng nhiều sinh viên ra trường gánh lên mình những khoản nợ kỉ lục và khả năng kiếm được việc làm rất thấp thì chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều người trong số họ phải đi kiếm việc làm thêm, để rồi việc học tập của họ bị ảnh hưởng”.

Võ Hiền
Theo BBC