Tạo “sân chơi” bình đẳng cho dạy nghề

(Dân trí) - Để tạo ra sân chơi bình đẳng, cơ hội mới đối với các cá nhân có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - dạy nghề, Đề án xã hội hoá dạy nghề đã khuyến khích cả những đối tượng người nước ngoài, Việt kiều được tham gia đầu tư mở trường nghề.

Phát triển nhanh số lượng và chất lượng các cơ sở dạy nghề. Chú trọng thành lập cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Đến năm 2010, chuyển phần lớn các cơ sở dạy nghề công lập sang hoạt động theo theo cơ chế cung ứng dịch vụ… Đây là những điểm mới của Đề án phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010 của Bộ lao động TB-XH trình Chính phủ.

 

Theo Thứ trưởng Bộ lao động TB-XH Nguyễn Lương Trào, với mục tiêu năm giai đoạn năm 2006 - 2010 cả nước tạo việc làm cho khoảng 8 triệu người (1,6 triệu/năm). Tăng quy mô dạy nghề hàng năm trên 8%, trong đó dạy nghề dài hạn 17%; trong 5 năm tuyển 7,5 triệu người học nghề (cao đẳng và trung cấp nghề chiếm 25%) thì xã hội hoá dạy nghề là rất quan trọng...

Mục tiêu của Đề án phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010 là nâng số lượng học sinh dạy nghề vào năm 2010 là 1.500.000 người,  trong đó tỷ lệ học nghề ngoài công lập chiếm tới 60%.  Sẽ có khoảng 50 trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và 300 trung tập dạy nghề ngoài công lập được thành lập. Theo tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp, đến năm 2010 sẽ chuyển 30 trường nghề thuộc doanh nghiệp Nhà nước sang hình thức cổ phần hoá.

Trước mắt, Bộ lao động TB-XH tiến hành rà soát, quy hoạch lại hệ thống dạy nghề và hướng đến chọn mô hình dạy nghề hoạt động theo cung ứng dịch vụ phục vụ cho xu hướng xã hội hóa giáo dục, đào tạo nghề. Bên cạnh đó, nội dung của đề án cũng quy định: Nhà nước phải chú trọng vào việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dạy nghề ngoài công lập và đến năm 2010 phần lớn các cơ sở dạy nghề công lập phải chuyển sang mô hình ngoài công lập, cơ sở dạy nghề bán công được chuyển thành dân lập hay tư thục, các cơ sở dạy nghề thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước sẽ được tiến hành cổ phần hóa...

 

Tuy nhiên, đánh giá của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về công tác dạy nghề đã chỉ ra 3 bất cập chưa thể giải quyết của mạng lưới này. Một là tình trạng đào tạo nghề đang bị “gói” trong những ngành nghề mà nhà trường có chứ chưa đào tạo được những nghề mà xã hội cần. Hai là trang thiết bị dạy và học nghề còn thiếu về số lượng, lạc hậu về công nghệ, nhất là ở các địa phương và ngoài công lập. Ba là đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa đảm bảo về chất lượng và số lượng. Tỷ lệ học sinh học nghề dài hạn cho 1 giáo viên theo quy chuẩn 15/1, nhưng thực tế hiện nay là 30/1 và vẫn còn 30% chưa đạt chuẩn giáo viên dạy nghề.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội thì, nhiều tỉnh đã có quyết định thành lập trường dạy nghề nhưng vẫn chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ để đưa vào hoạt động. Thậm chí có tỉnh còn dùng ngân sách xây dựng trường dạy nghề để đầu tư cho lĩnh vực khác. Đã thế lại có sự phân biệt đầu tư khác nhau giữa các loại trường như: trường công lập của bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì được giao chỉ tiêu đào tạo cùng kinh phí ngân sách, được giao đất, cấp vốn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, còn trường của doanh nghiệp dân lập, tư thục hầu như phải tự lo trang trải tất cả.

 

Mai Minh