Thư viện, giáo trình... “lên lão”?!

Giai thoại về đội quân “đầu to mắt cận” của ĐH Bách khoa cũng bắt đầu từ những cuốn giáo trình chuẩn bị lên "thượng thọ". Thư viện mấy ngàn đầu sách đều có “giấy khai sinh” chạy từ những năm 50 đến năm 80.

Giáo trình quá cũ

 

Thư viện ĐH BK mấy ngàn đầu sách đều có “giấy khai sinh” chạy từ những năm 50 đến năm 80. Sách bản A4 to cộ, giấy không nâu, không đen thì cũng xam xám nhờ nhờ. Chữ in thời còn xếp chữ chì, thi thoảng lại mất dấu và khó đọc.

 

Nguyễn Mạnh Trí, K46 ĐHBK Hà Nội phải mất cả buổi sáng chen lấn tại thư viện mới mượn được cuốn “Thiết kế mạng điện”. Trái với tập giấy trắng tinh để ghi chép những kiến thức cho “mạch điện tương lai” mà cậu sắp đem đi bảo vệ, cuốn “Thiết kế mạch điện” được xuất bản năm 1967, giấy vàng khè thậm chí đã có chỗ đen đến nỗi không đọc nổi. Ngoài bìa còn lưu lại chữ ký của một bậc tiền bối từ K39.

 

Tức là ít nhất 7 năm, với cuốn giáo trình này, những kẻ thiết kế mạch của ĐHBK vẫn dậm chân tại chỗ. Khoa Điện- Điện tử, Điện – Tự động hoá và khoa Hoá là các khoa nổi tiếng trong trường Bách khoa vì mật độ các môn học với giáo trình lên hàng “cha chú”.

 

“Đấy là còn chưa kể đến chuyện gián nhấm -Chí Dũng, SV khoa Điện tử- than thở: Khổ nhất là mấy con gián, con kiến lại chọn đúng điểm mà “nhấm”. Cả ngày đọc sách đến đau cả mắt, đúng chỗ số liệu quan trọng nhất thì nó đã bay đi phương nào”.

  

Sinh viên khoa Điện tử học khoảng 8 đến 9 môn một kỳ thì có đến 5, 6 môn học với những giáo trình U40: Điều khiển lôgic, Kỹ thuật thuỷ khí, Cung cấp điện... đều xuất bản từ năm 1960, Máy điện xuất bản năm 1971...

 

Hiện thư viện Bách khoa có số đầu giáo trình phân theo năm xuất bản là: trước năm 1980 chiếm 30%, từ những năm 80 đến cuối những năm 90 chiếm 20%. Như vậy, một nửa số giáo trình hiện có tại thư viện Bách khoa- một trường công nghệ và kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã đủ thâm niên để... mọc râu.

 

Thư viện ĐH Quốc gia, một trong những thư viện hàng đầu về cập nhật giáo trình, mới hoá giáo trình cũng thừa nhận hiện đang phục vụ sinh viên cả những quyển giáo trình đã thuộc hàng lên “lão”: Giải tích hiện đại của Hoàng Tuỵ tập 1 xuất bản năm 1967, tập 2 xuất bản năm 1970; Hướng dẫn giải bài toán giải tích của Dương Thuỷ Vĩ xuất bản năm 1970; Cơ sở phương pháp tính của Phan Văn Hạp tập 1 xuất bản năm 1969, tập 2 năm 1970; Phương pháp luận sử học xuất bản năm 1967 dưới hình thức bản tin tipô...  Tất cả đều được xuất bản từ trước thời kỳ giải phóng.

 

10 sinh viên có 3 giáo trình

 

Thạc sĩ Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Hội liên hiệp Thư viện các trường ĐH đã phải thừa nhận: Ở các nước cứ sau 5 năm, toàn bộ số giáo trình được thay mới, số hoá và được thanh lý hết. Kiến thức mới được cập nhật đến từng ngày. Trong khi ở ta, thư viện nào cũng có dăm bảy đầu sách giáo trình xuất bản từ những năm 60, 70.

 

Riêng thư viện ĐH Quốc gia thì phải đến năm 2003 mới có kế hoạch thay đổi dần dần những đầu sách đã rất cũ như Kinh tế chính trị, Triết học Mác- Lênin...

 

Những ngành mới như Luật, Kinh tế đang rất thiếu giáo trình. Có những giáo trình hiện chỉ có duy nhất một bản nằm ở thư viện nhưng cũng đã qua quá nhiều “đời SV” nên đã nát bươm. Với nỗ lực hiện có, thư viện ĐHQG cũng chỉ đủ sức phục vụ được 750 đầu giáo trình cho 30.000 sinh viên tại các cơ sở.

 

Thạc sĩ Tạ Minh Hà, PGĐ Thư viện ĐHBK cho biết: “Hiện tại thư viện cũng chưa đủ sức đáp ứng được nhu cầu giáo trình cho SV. Trong khi giáo trình còn thiếu thì lượng tuyển sinh vẫn tăng, do đó thư viện mới chỉ phục vụ được 30% nhu cầu của SV. Thư viện đã phân bổ theo lớp và SV sẽ phải tự photo để có giáo trình học”.

 

Như vậy, 10 SV ĐHBK thì chỉ 3 người được mượn giáo trình. Do giáo trình cũ, giấy ố vàng nên photo ra cũng không đọc nổi. Nguyễn Minh Trí cho biết thêm: SV Bách khoa chọn giải pháp thủ công là đánh máy lại và photo cùng dùng. Nhưng khoản photo lại giáo trình cũng ngốn một số tiền đáng kể.

 

Mỗi kỳ học là khoảng 500.000đ chưa kể đến sách tham khảo. Cho nên cùng quá mới phải photo, phần lớn vẫn là chuyền tay nhau những quyển giáo trình cũ kỹ.

 

Giáo trình Y2K ở đâu?

 

Bộ GD-ĐT đang triển khai chương trình khảo sát, thí điểm đánh giá chất lượng các trường ĐH Việt Nam theo chuẩn chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, khi xem xét đến tiêu chí giáo trình và chất lượng giáo trình thì vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay, chưa có một hệ thống biên soạn giáo trình một cách thống nhất, quy củ. Phần lớn giáo trình do các khoa tự biên soạn, thậm chí nhiều môn vẫn chưa có giáo trình cố định.

 

Một số giáo trình được in vào những năm đầu thể kỷ XXI thực tế là sự “in mới hoá” những giáo trình từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Cuốn giáo trình mới nhất của SV khoa Đồ họa vừa in xong năm 2005 vẫn chưa bổ sung được nổi mảng kiến thức 3D vào chương trình giảng dạy cho SV.

 

Thạc sĩ Tạ Minh Hà cho biết: "Giữa năm 2004, thư viện Bách khoa có khoảng 160 000 cuốn. Năm 2004 đã đầu tư  259 triệu đồng (chỉ tính riêng cho giáo trình). 6 tháng đầu năm 2005 đã đầu tư thêm 320 triệu đồng nữa. Tổng cộng 2 đợt đầu tư đã nâng số sách của thư viện lên 200.000 cuốn. Khi hoàn thành thư viện điện tử, công suất phục vụ bạn đọc sẽ từ 600 chỗ đến 4000 chỗ ngồi".

 

Còn Thạc sĩ Nguyễn Huy Chương thì khẳng định: “Có hiện tượng một số trường cùng dùng chung một đầu sách nhưng lại in một cách lẻ tẻ và chịu lỗ do số bản in ít. Hội Liên hiệp thư viện các trường ĐH phía Bắc đang cố gắng liên kết, phối hợp in chung một số đầu giáo trình để hạ giá thành cũng như tăng khả năng phục vụ cho SV. Việc viết mới giáo trình phụ thuộc chủ yếu vào người biên soạn, giảng viên dạy môn đó".

 

Hiện tại, nhiều SV và bản thân thư viện cũng vẫn phải phục vụ đầu sách photo cho SV. 

 

Theo Sinh viên VN