Trò chấm điểm thầy...

Việc SV "chấm điểm" giáo viên cũng là một hoạt động trong qúa trình kiểm định chất lượng giáo dục. Nhưng xem ra, để chuyện này thực sự đi vào đời sống học đường và phát huy hiệu quả, không phải dễ dàng.

ĐHQG TPHCM vừa hoàn tất việc thu thập ý kiến SV về hoạt động giảng dạy của giảng viên - công việc mà một số trường ĐH phía Bắc như Thăng Long, Phương Đông đã tiến hành.

 

"Chấm" những "điểm" nào?

 

Trong các khía cạnh để đánh giá giáo viên, việc đánh giá chất lượng giảng dạy và kiến thức của giáo viên nhận được nhiều ủng hộ nhất (với 29% ý kiến). Thanh Hà, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho hay, nếu được trao quyền đánh giá giáo viên, cô quan tâm tới việc giáo viên sẽ cung cấp tài liệu học tập liên quan đến môn này như thế nào và cách tổ chức lớp học ra sao…

 

Còn Bảo Chân, cựu SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhấn mạnh tới việc cần đề cao việc kiểm tra đánh giá của người thầy. Thầy giáo làm tốt khâu này, kiểm tra đánh giá đúng thực chất của từng học viên chính sẽ là một trong những biện pháp giúp SV hiểu được thực chất lực học của mình để cố gắng hơn.

 

Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Lời, ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, thầy dạy tốt và thực sự có tài thì chẳng có ngại ngần gì trong việc trò đánh giá. Ngược lại, cần nên khuyến khích việc trò đánh giá thầy bởi hơn ai hết, trò là những người trực tiếp tiếp thu “sản phẩm” bài giảng của thầy.

 

Vấn đề cần quan tâm là “thực hiện việc SV đánh giá chất lượng giảng dạy của thầy như thế nào”.

 

Tại Trường ĐH Cần Thơ, nhà trường soạn ra một phiếu đánh giá (questionnair) bao gồm nhiều câu hỏi với các chọn lựa theo mức độ hài lòng của họ từ thấp đến cao và phát cho SV để họ tự trả lời theo nhận xét riêng của mình. Ngoài ra, cũng có các câu hỏi mở để SV có thể tự do ghi nhận xét của mình. Đối với cách đánh giá này thì nội dung câu hỏi rất quan trọng. Nếu không khéo, dễ dẫn đến chuyện giáo viên nghĩ rằng nhà trường muốn nhờ SV làm “cảnh sát” để theo dõi.

 

Những ý kiến của gần 3.000 SV thuộc các ngành khác nhau trong một khảo sát của đề án “Thí điểm đánh giá chất lượng giảng dạy bậc ĐH tại ĐHQG TP.HCM” cho thấy, độ hài lòng của SV đối với chất lượng giảng dạy hiện nay chỉ đạt mức trung bình khá.

 

Những điểm được đánh giá chưa mạnh như: thiếu các nguồn lực hỗ trợ học tập; thiếu chú trọng đến vai trò của kiểm tra đánh giá trong quá trình giảng dạy, chú trọng nhiều đến kiến thức hàn lâm và chuyên ngành hẹp nhưng lại quên phát triển những kỹ năng bền vững cần thiết cho SV khi tham gia thị trường lao động trong nền kinh tế tri thức.

 

"Chấm điểm" thầy: Vẫn còn rào cản?

 

TS Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Trung tâm ĐH (Viện Nghiên cứu giáo dục) cho hay, 80% giáo viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM ủng hộ việc này. Chỉ có một số trưởng khoa còn ngần ngại, e rằng giáo viên “bị” tước bỏ quyền lực của mình. Ông Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt cho rằng, đánh giá chất lượng giáo viên là việc nên làm nhưng phải từ từ để giáo viên dễ chấp nhận hơn.

 

Theo TS Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM), cho đến nay, việc đánh giá họat động giảng dạy qua ý kiến của SV vẫn chưa được sử dụng chính thức trong giáo dục ĐH vì nhiều lý do khác nhau, trong đó 2 lý do phổ biến nhất:

 

Thứ nhất, theo truyền thống văn hóa của người Việt, vai trò của người thầy được đề cao. Bởi vậy, đối với nhiều người việc để cho “trò đánh giá thày” như tại các nước phương tây hiện nay là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.

 

Thứ hai, quan trọng hơn, quan niệm cho rằng những ý kiến góp ý của SV thường có giá trị rất hạn chế, do SV được xem là chưa đủ trình  độ để đưa ra những nhận xét chính xác về các hoạt động giảng dạy. Vì vậy, việc thu thập ý kiến của SV nếu có, cũng chỉ mang tính hành chính, chẳng qua là nhằm mục đích làm cho các giảng viên và SV cảm nhận được sự chặt chẽ trong quản lý của nhà trường và có thái độ nghiêm túc trong việc dạy và học…

 

TS Đỗ Văn Xê, hiệu phó Trường ĐH Cần Thơ đề nghị sử dụng các diễn đàn (forum) để cả SV lẫn cán bộ của trường có thể đóng góp ý kiến ở bất cứ lĩnh vực nào mà họ thấy cần. SV có thể góp ý một cách thoải mái và không phải lo sợ bị trù dập vì không cần phải khai báo tên họ khi viết bài...

 

Ông Trần Tấn Dũng, trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM cho rằng, SV đánh giá thầy giáo là hoạt động tâm lý tự nhiên của người học nên không ngại gì việc trò đánh giá thày. Tuy nhiên việc đánh giá theo kiểu phong trào hay tự phát thì không tốt tạo cho sinh viên lợi dụng điều này để làm những điều không hay.

 

Theo Vietnamnet