Trò “chấm điểm” thầy: Cần lắm một cơ chế!

(Dân trí) - Sinh viên sẽ “chấm điểm” thầy thế nào khi Bộ GD-ĐT chưa có một “khung” nào cho việc đánh giá? Bên cạnh rất nhiều những mặt tích cực của việc trò chấm điểm thầy thì làm thế nào để người thầy không ít nhiều bị tổn thương bởi sự chấm điểm này đã được ngành giáo dục tính đến?

Cơ hội để... trả miếng thầy!?

 

“Cần sa thải những thầy cô dạy chán, không nhiệt tình. Nhìn chung, các môn học của trường đều cần thiết nhưng không phải thầy cô nào cũng có phương pháp truyền đạt tốt để thu hút học sinh. Một số quá cứng nhắc, một số lại quá dễ dãi. Các thầy cô yêu cầu học sinh chú ý trong khi bản thân không chịu lắng nghe.

 

Giáo viên không nên dùng điểm danh để ép sinh viên lên lớp mặc dù các thầy giảng lan man rất chán. Cần trẻ hoá đội ngũ giáo viên, thầy cô nhiều tuổi như thày T, thầy N, thầy S, nên được thay thế”…

 

Đó là một số ý kiến đóng góp của sinh viên trường ĐH Ngoại thương trong năm học 2006-2007 vừa qua đối với các thầy cô giáo của mình. Nếu đọc toàn bộ những ý kiến được phòng đào tạo của trường tổng hợp thành một tài liệu dầy hơn 20 trang mới thấy những nhận xét này chất chứa đầy mầu thuẫn.

 

Ví dụ, cũng là thầy N, thầy T thì có sinh viên nhận xét rất nhiệt tình, rất tốt, có sinh viên lại nhận xét là  rất chán, rất lan man... Rồi lúc thì bên cạnh rất nhiều ý kiến phải tăng cường đội ngũ giảng viên trẻ lại cũng rất nhiều ý kiến yêu cầu không cho giảng viên trẻ đứng lớp...

 

Hay như thực tế của việc trò chấm điểm thầy khi thực hiện tại một trường ĐH phía Bắc cho thấy: Thầy nào càng dễ dãi với sinh viên thì lại càng được các em đánh giá... cao. Có sinh viên khi được hỏi rất hồn nhiên kể: “Em thích nhất là thầy Q vì thầy không bao giờ điểm danh, giờ học của thầy được ăn quà vặt thoải mái!”

 

Còn nhiều sinh viên khi biết mình sẽ được chấm điểm thầy đã tỏ ra hứng thú rõ rệt vì có cơ hội để “trả miếng” thầy! Sinh viên T.T của trường ĐH N. cho biết: “Em phải nhận xét thật “hoành tráng” để cô T  không còn thiên vị với bạn H, bạn G trong lớp nữa!”

 

Nếu áp dụng với cách chấm điểm thầy ở hình thức đào tạo tín chỉ, thầy nào được nhiều sinh viên “thích” sẽ được nhiều sinh viên đăng ký theo học và ngược lại, trong trường hợp khi sinh viên có trào lưu “buông lơi” thích chơi hơn học thì quả thật việc “chấm điểm” đã trở thành phản tác dụng và rất nguy hại cho chất lượng đào tạo của nhà trường.

Tha thiết đợi cơ chế

Theo lãnh đạo Vụ ĐH và Sau ĐH (Bộ GD-ĐT), thì hiện nay chưa có các quy định về tính pháp lý cho việc trò chấm điểm thầy; tại nhiều trường đã triển khai việc chấm điểm, việc đánh giá cũng chưa theo một “khung” nào. Chẳng hạn như tiêu chuẩn giảng viên phải như thế nào? Bằng cấp của giảng viên cần có? Thế nào là một giảng viên dạy hay, biết cách truyền đạt? Nếu không đạt tiêu chuẩn đó thì sẽ bị xử lý như thế nào?...

Như vậy, việc chấm điểm thầy ở các trường ĐH hiện nay mới chỉ ở mức... tuỳ hứng của sinh viên mà chưa có cơ chế gì làm căn cứ. Nếu thực hiện việc “chấm điểm” theo phong trào, xử lý thông tin không khéo léo, nhiều giảng viên buộc phải thôi dạy một cách bất công thì rất nguy hiểm.

Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Điện, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp có ý kiến rằng Bộ cần đưa ra lộ trình cụ thể làm sao để thu hút sinh viên đánh giá khách quan bởi nếu đánh giá sai lệch thì kết quả sẽ không tốt, không đem lại hiệu quả mong muốn.

Việc trò chấm điểm thầy luôn được coi là một trong những động thái tích cực nhất để đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay. Ngay tại Nhật, việc chấm điểm này cũng được thực hiện rất ráo riết thông qua hình thức: mỗi tiết học, sau khi giảng viên ra khỏi lớp, sinh viên có 1 tiết để điền vào phiếu nhận xét, chuyển lên ban lãnh đạo trường.

Sau đó, giảng viên sẽ nhận kết quả nhận xét này để tham khảo và nhìn nhận lại phương pháp giảng dạy của mình và cải tiến, nếu thấy cần thiết. Nếu đa số sinh viên sau nhiều tiết học đều nhận xét phương pháp giảng dạy của thầy “có vấn đề” thì có thể giảng viên này sẽ không được tiếp tục đứng lớp.

Tuy nhiên, việc chấm điểm hiện nay ở Nhật chủ yếu mới chỉ ở dừng lại ở mức độ thăm dò xem bài giảng có đáp ứng được yêu cầu của sinh viên  không, sinh viên tiếp thu có tốt không và nếu muốn thay đổi, cải tiến thì sinh viên muốn thay đổi, cải tiến thế nào...

Hiện, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ GD-ĐT), đơn vị được Bộ trưởng giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch quan trọng này sẽ đề xuất xin làm thí điểm một vài trường sư phạm, một vài khoa của một số trường ĐH trong thời gian tới.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long luôn khẳng định: “Khi coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo thì việc đánh giá giảng viên là quá trình công bằng. Đây là việc làm dân chủ trong nhà trường. Hiện nhiều nước đã thực hiện việc này. Ở nước ta, đã có những trường làm và thu được kết quả rất tốt. Nếu 70% sinh viên đánh giá không tốt về giảng viên thì thày phải xem xét lại mình và có thể phải đi đào tạo lại”.

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng nếu công việc này nếu tiến hành vội vã và không có cơ chế cụ thể thì kết quả sẽ không thể được như mong muốn và sẽ rơi vào tình trạng hoặc là đánh giá nhiều nhưng không được bao nhiêu, hoặc sẽ làm tổn thương không nhỏ đến mối quan hệ truyền thống giữa thầy và trò.

Mai Minh