Trường nghề phải mở thêm nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường

Trần Lê

(Dân trí) - Để mở rộng quy mô đào tạo, phù hợp với xu thế, đem đến cho người học nhiều cơ hội lựa chọn, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã đăng ký mở thêm một số ngành nghề mới.

Đăng ký thêm nhiều ngành nghề mới

Theo thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, năm 2021, nhà trường có 1.300 chỉ tiêu tuyển sinh, tuy nhiên do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên nhà trường chỉ tuyển sinh được khoảng 75% chỉ tiêu.

Năm 2022, nhà trường có 1.250 chỉ tiêu tuyển sinh, bên cạnh đó còn một số mã ngành mới đang chờ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp phép đào tạo. Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cũng vừa sáp nhập thêm 2 đơn vị là: Trường Trung cấp Phát thanh truyền hình và Trường Trung cấp nghề Xây dựng Thanh Hóa.

Trường nghề phải mở thêm nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường - 1

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa đã đăng ký mở thêm một số ngành nghề mới, trong đó đối với hệ Cao đẳng có các nghề: Kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật phát thanh truyền hình, may, lắp đặt điện, bảo trì bảo dưỡng thiết bị cơ khí; hệ Trung cấp có các nghề: nề hoàn thiện, điện nước...

Theo thầy Nguyễn Văn Hùng, nhà trường đã đăng ký mở thêm một số ngành nghề mới, trong đó đối với hệ Cao đẳng có các nghề: Kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật phát thanh truyền hình, may, lắp đặt điện, bảo trì bảo dưỡng thiết bị cơ khí; hệ Trung cấp có các nghề: nề hoàn thiện, điện nước...

Dự kiến cùng với việc sáp nhập thêm 2 đơn vị và sau khi được cấp phép một số ngành nghề mới, nhà trường sẽ mở rộng quy mô và bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2022. Hiện nhà trường đang đào tạo 2.500 học sinh, sinh viên và quy mô dự kiến mở rộng lên 3.200 - 3.500 học sinh, sinh viên mỗi năm. Đây là cơ hội cho nhiều người học lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với xu thế hiện nay.

Thời gian qua, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 trong năm 2021 khiến kỳ nghỉ hè kéo dài hơn 3 tháng, ảnh hưởng đến việc học sinh, sinh viên đi thực tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, dịch cũng làm ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của nhà trường. Đặc biệt, giai đoạn nhập học trùng với thời điểm nhiều địa phương tại Thanh Hóa thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong đợt dịch vừa qua, nhà trường có khoảng 600 học sinh, sinh viên và 100 cán bộ, giáo viên là F0, kéo theo đó có khoảng 500 F1. Đến thời điểm này, khoảng 70%  cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên đã quay trở lại làm việc và học tập. Sau khi thích ứng linh hoạt, đến thời điểm này nhà trường đang hoạt động bình thường.

Trường nghề phải mở thêm nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường - 2

Sau khi thích ứng linh hoạt, đến thời điểm này nhà trường đang hoạt động bình thường.

Cũng theo thầy Nguyễn Văn Hùng, nhà trường là một trong những đơn vị cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho thị trường, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa đã đến tuyển dụng, đặt hàng nguồn nhân lực. Sau Tết Nguyên đán, nhà trường điều chỉnh kế hoạch, cử 130 sinh viên đi học tập, trải nghiệm, làm việc ở tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng… Trong năm 2021, nhà trường cũng đã cử được khoảng 400 học sinh, sinh viên đi thực tập thực tế tại các doanh nghiệp.

Dự kiến vào khoảng tháng 6, tháng 7 tới đây, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa sẽ đưa khoảng 500 học sinh, sinh viên đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước.

Thầy Nguyễn Văn Hùng nhận định xu hướng hiện nay của người học thường lựa chọn các nghề như: Công nghệ ô tô, điện lạnh, điện, nề hoàn thiện… Trong đó, nghề nề hoàn thiện đang có nhu cầu rất cao nhưng mã ngành này đang trong giai đoạn xin phép mở.

"Sinh viên của nhà trường đào tạo ra đến đâu là có việc làm đến đó. Sinh viên đang trong thời gian vừa học, vừa làm tùy theo đặc thù ngành nghề cũng có mức thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng. Số học sinh, sinh viên này thường rơi vào năm thứ 2 của Trung cấp và năm thứ 3 của Cao đẳng", thầy Hùng thông tin.

Hy vọng từ gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã rà soát, xây dựng danh mục dự án, dự kiến phương án phân bổ vốn trong 2 năm 2022 - 2023 và từng năm 2022, 2023 cho các dự án bố trí vốn ngân sách Trung ương từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tổng số vốn là 486 tỷ đồng.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa là một trong những đơn vị được đưa vào chương trình thụ hưởng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19 mà Quốc hội thông qua cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Trường nghề phải mở thêm nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường - 3

Xu hướng hiện nay của người học thường lựa chọn các nghề như: Công nghệ ô tô, điện lạnh, điện, nề hoàn thiện…

Theo đó, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa là một trong 20 trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên cả nước được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 11, ngày 30/1/2022 của Chính phủ để đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo. Lộ trình đưa Trường thành chất lượng cao vào năm 2025. Tổng gói hỗ trợ mà Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa được thụ hưởng là 70 tỷ đồng, triển khai trong 2 năm 2022 và 2023.

"Đây là một dự án thực sự có ý nghĩa cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các địa phương, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra sự lan tỏa lớn tại địa phương và khu vực trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao", thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.