Mặt trời đang "thức dậy" đe dọa cuộc sống trên Trái Đất

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Mặt Trời đang hoạt động mạnh hơn so với một thập kỷ trước, nó có thể bùng phát các cơn bão gây mất điện diện rộng, ảnh hưởng đến các chuyến bay và tạo ra cực quang trên Trái Đất.

Mặt trời đang thức dậy đe dọa cuộc sống trên Trái Đất - 1
Mặt Trời đang chuẩn bị bước vào chu kỳ hoạt động cực đại (Ảnh minh họa: NASA).

Theo các nhà khoa học, Mặt Trời đang bước vào thời kỳ hoạt động cực đại có thể kéo dài vài năm, điều này đồng nghĩa với việc các vết đen Mặt Trời sẽ tạo ra các cơn bão điện từ, phóng các tia bức xạ vào Trái Đất.

Cứ khoảng sau 11 năm, Mặt Trời lại bắt đầu một chu kỳ hoạt động cực đại và ngày nay khi cuộc sống của chúng ta đang phụ rất nhiều vào hệ thống cơ sở hạ tầng điện, Mặt Trời đang chuẩn bị vào một chu kỳ mới có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho con người.

Mặt Trời là một quả cầu plasma lớn, nó được nung nóng bởi lõi trung tâm, plasma mang các hạt tích điện, chúng sôi, nổi lên bề mặt sau đó nguội đi và chìm trở lại lõi.

Đây được gọi là chuyển động đối lưu của Mặt Trời tạo ra từ trường mạnh ở các cực.

Giáo sư vật lý không gian Matthew Owens, Đại học Reading, Vương quốc Anh cho biết: "Thông thường, sau khoảng 11 năm hoặc có thể lâu hơn, Mặt Trời trở nên không ổn định đối lưu, từ trường của nó ở các cực từ Bắc và Nam đột ngột đảo lộn gây ra sự tàn phá từ trường trên bề mặt khiến nó trở nên hoạt động mạnh hơn. Đây được gọi là chu kỳ hoạt động cực đại của Mặt Trời".

Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống của con người trên Trái Đất.

Các chuyến bay bị ảnh hưởng

Khi từ trường Mặt Trời trở nên không ổn định, nó sẽ tạo ra các cơn bão Mặt Trời xuất phát từ các vết đen mang những hạt tích điện, bức xạ về phía Trái Đất, đe dọa an toàn các chuyến bay.

Một nghiên cứu trong năm 2023 cho thấy, các chuyến bay có khả năng bị trễ giờ cất và hạ cánh ít nhất 30 phút khi gặp các cơn bão Mặt Trời hoạt động mạnh.

Các tia Mặt Trời có thể thay đổi từ trường trong tầng điện ly (lớp bên trên khí quyển) gây ảnh hưởng đến hệ thống GPS, các tín hiệu vô tuyến.

Dù tín hiệu vô tuyến ít quan trọng trong đối với thông tin liên lạc cơ bản ngày nay. Song một số ngành công nghiệp sử dụng sử dụng nó để sao lưu các hệ thống liên lạc khác trong trường hợp xảy ra sự cố.

Khi tầng điện ly bị ảnh hưởng bởi một cơn bão mặt trời nó có thể gây mất các tín hiệu trên, làm ngắt kết nối từ đài kiểm soát không lưu với các máy bay. Điều này tiềm ẩn nguy cơ va chạm giữa các tàu bay, đồng thời khiến chúng không thể cất - hạ cánh đúng giờ.

Gây mất điện diện rộng

Các cơn bão Mặt Trời có thể làm xáo trộn điện tích từ của tầng điện ly, nó tạo ra các dòng điện trong bầu khí quyển, chúng sẽ tương tác với các hạt phía dưới tạo ra dòng điện rất mạnh có thể bao phủ các cơ sở hạ tầng trên mặt đất.

Điều này có thể gây ra một số hiện tượng hiếm gặp, ví như vào năm 1972, các phi công quân sự Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đang lái máy bay về phía Nam cảng Hải Phòng đã nhìn thấy 24 quả thủy lôi phát nổ trong nước mà không rõ nguyên nhân.

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã kết luận nguyên nhân dẫn đến vụ nổ này là do một cơn bão Mặt Trời mạnh tấn công Trái Đất.

Bên cạnh đó, nếu dòng điện mạnh xung đột lưới điện dưới mặt đất, nó có thể khiến máy biến áp bị nổ, phá hủy toàn bộ lưới điện.

Giáo sư Owens cảnh báo: "Việc khôi phục lại mạng lưới điện có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Các thiết bị điện trong gia đình không thể sử dụng hay bệnh viện mất điện sẽ đe dọa sức khỏe, tính mạng cho các bệnh nhân đang được điều trị".

Cơn bão Mặt Trời khiến con người bị ảnh hưởng nhất cho đến nay xảy ra vào ngày 13/3/1989, nó khiến 6 triệu người ở Quebec (Canada) sống trong cảnh mất điện hơn 9 giờ đồng hồ.

Cực quang lớn và sáng hơn

Cực quang được tạo ra bởi các hạt mang điện từ các cơn bão Mặt Trời, chúng tương tác với các hạt trong khí quyển tạo ra những bức màn ánh sáng lung linh ở đường chân trời.

Mặt trời đang thức dậy đe dọa cuộc sống trên Trái Đất - 2
Một cơn bão Mặt Trời đã tạo ra cực quang có thể nhìn thấy từ hầu hết Quần đảo Anh vào ngày 26/2 vừa qua (Ảnh: Evan Boyce)

Giáo sư Owens giải thích: "Cực quang nằm trên các cực Bắc và Nam là kết quả của các dòng chảy trong bầu khí quyển của Trái Đất, chúng gần như luôn tồn tại ở đó, song sẽ trở nên sáng và mạnh hơn khi có thêm sự tiếp xúc của các hạt mang điện từ cơn bão Mặt Trời".

Chúng ta đang bắt đầu thấy một số tác động của những vết đen mặt trời, bản thân quả cầu lửa này đang phun trào plasma với những hình thù đẹp hơn. Đáng chú ý, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ mới phát hiện ra một cơn lốc plasma cực hiếm xảy ra trên bề mặt Mặt Trời.

Phi hành gia ngoài không gian có thể gặp nguy hiểm

Bên cạnh đó, bão Mặt Trời có thể giải phóng chất phóng xạ được gọi là hạt năng lượng mặt trời, gây nguy hiểm cho các phi hành gia, thậm chí dẫn đến chết người.

Thực tế, con người sống trên Trái Đất được bảo vệ khỏi các tia bức xạ đó, do phần lớn chúng sẽ dội ngược ra khỏi tầng điện ly và phần còn lại được tầng khí quyển hành tinh của chúng ta hấp thụ.

Ngay cả Trạm Vũ trụ quốc tế ISS vẫn đang nằm trong vùng bảo vệ của tầng điện ly.

Song một cơn bão Mặt Trời đủ mạnh, nó hoàn toàn có thể vượt qua được lớp bảo vệ từ tầng khí quyển Trái Đất và tấn công chúng ta.

Owens cho biết: "Nếu các cơ quan vũ trụ đang cố gắng đưa một phi hành đoàn lên Mặt Trăng hay Sao Hỏa, họ cần phải lo lắng về những điều này bởi đây là một liều phóng xạ nguy hiểm chết người".

Vào năm 1972, hai sứ mệnh Apollo 16 và 17 đã thoát khỏi cơn bão Mặt Trời trong gang tấc khi đang ở giai đoạn hạ cánh trở về Trái Đất.

NASA đã bỏ qua sự tính toán của cơn bão này trong khi nó có thể gây tử vong cho phi hành đoàn vào thời điểm đó.

Nhận biết được sự nguy hiểm của các cơn bão Mặt Trời, Tập đoàn Công nghệ Vũ trụ Khai phá Không gian SpaceX và NASA ngày càng tăng cường bảo vệ các phi hành gia trong các sứ mệnh hiện tại và tương lai.

Song vấn đề là hiện nay không có cách nào có thể che chắn hoàn toàn họ khỏi các tia bức xạ của một cơn bão Mặt Trời.

Theo Owens, cứ mỗi thập kỷ, chúng ta lại trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng điện, chu kỳ cực đại mới nhất của Mặt trời xảy ra vào năm 2010 và nó yên tĩnh cho đến gần đây khiến chúng ta có cảm giác nó đã ngủ yên.

Song chu kỳ tiếp theo của nó đang đến gần và Mặt Trời đã bắt đầu hoạt động mạnh hơn. Nhờ công nghệ hiện đại ngày nay các nhà khoa học hoàn toàn có thể dự đoán một cơn bão Mặt Trời khi nào xảy ra và tấn công Trái Đất.

Tàu thăm dò mặt trời Parker của NASA đang ngày càng tiếp cận hành tinh này và nó sẽ cung cấp những hình ảnh và dữ liệu chưa từng có về Mặt Trời vào cuối năm nay.

Theo Business Insider