Nhà vật lý giải thích bí ẩn về vụ nổ thảm khốc của tàu Titan

Minh Khôi

(Dân trí) - Vụ nổ thảm khốc của tàu Titan có thể đã khiến thủy thủ đoàn chết ngay lập tức. Họ thậm chí không kịp nhận ra bất kỳ điều gì, cũng như cảm thấy đau đớn.

Nhà vật lý giải thích bí ẩn về vụ nổ thảm khốc của tàu Titan - 1

Tàu lặn Titan (Ảnh: OceanGate).

Tàu lặn Titan được cho là đã bị nổ tung do áp lực nước quá lớn, gây ra cái chết của cả 5 người trên tàu. Thế nhưng, làm thế nào một vụ nổ như thế lại xảy ra, và nó sẽ có tác động như thế nào đối với phi hành đoàn của tàu Titan?

Theo GS. Arun Bansil, nhà vật lý nổi tiếng đến từ trường đại học Northeastern, Boston (Mỹ), vụ nổ xảy ra với tàu Titan khác với những vụ nổ mà ta thường quan sát thấy trên đất liền.

Cụ thể, thay vì nổ tung ra bên ngoài (explode), tàu Titan gặp nạn do xảy ra cơ chế co sập, bắt nguồn từ một vụ nổ tung vào bên trong (implode). Về cơ bản, nó đối nghịch với cách thức hoạt động của một vụ nổ thông thường.

"Trong một vụ nổ thông thường, lực tác dụng hướng ra bên ngoài, nhưng trong một vụ nổ ngược, lực tác dụng lại hướng vào bên trong", GS. Bansil cho biết.

Cụ thể, khi một chiếc tàu lặn càng xuống sâu dưới đáy biển, nó sẽ chịu lực tác động lên bề mặt do áp suất nước. Khi lực này trở nên lớn hơn khả năng mà thân tàu có thể chịu được, một vụ nổ ngược sẽ xảy ra, đến từ các lực ép của áp suất bên ngoài.

Nhà vật lý giải thích bí ẩn về vụ nổ thảm khốc của tàu Titan - 2

Các vụ nổ ngược (trái) có cơ chế trái ngược so với vụ nổ thông thường, khi lực tác động hướng vào bên trong (Ảnh: Wikipedia).

Chia sẻ thêm, GS. Bansil cho rằng một vụ nổ ngược có thể rất dữ dội. Cụ thể là khi thân tàu vỡ ra, áp suất bên ngoài rất lớn, khiến một nguồn năng lượng khổng lồ được giải phóng.

"Những người bên trong có thể chết ngay lập tức", GS. Bansil nói. "Họ thậm chí không kịp nhận ra bất kỳ điều gì, cũng như cảm thấy đau đớn".

Lý giải cho nguyên nhân xảy ra thảm kịch tàu lặn Titan, GS. Bansil cho rằng chất liệu không được đảm bảo của thân tàu có thể đóng một vai trò quan trọng.

Được biết, trong thiết kế hiện đại, tàu lặn hay tàu ngầm đều sử dụng công nghệ dựa trên vật liệu từ thép, titan và nhôm để bảo vệ thân tàu trước áp lực nước lớn bên ngoài.

Nhà vật lý giải thích bí ẩn về vụ nổ thảm khốc của tàu Titan - 3

Mảnh vỡ được cho là bảng điều khiển của tàu Titan đã co rúm do tác động của áp suất (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, tàu Titan lại sử dụng một dạng thiết kế thử nghiệm, với chất liệu chủ yếu là sợi carbon. Vật liệu này có ưu điểm là nhẹ hơn titan hoặc thép, nên thân tàu cũng mỏng hơn, có thể tạo ra nhiều không gian cho hành khách.

Dẫu vậy, các tính chất của sợi carbon đối với ứng dụng ở môi trường áp suất lớn, điển hình như biển sâu, vẫn chưa được hiểu rõ. Theo GS. Bansil, chất liệu này có thể khiến vật liệu bị nứt và vỡ đột ngột.

Bên cạnh đó, tàu Titan trước đó đã từng lặn biển sâu một vài lần. Điều này có thể góp phần làm cho thân tàu bị yếu, và dễ bị hư hỏng trong một số tình huống nhất định.