Lớp học tiếng Việt đầu tiên trên thành phố đá quý

Chỉ nói được tiếng Việt chút ít, nhưng những Việt kiều ở tỉnh Chanthaburi vẫn luôn coi mình là người Việt Nam. Vào những ngày lễ hội, bộ áo dài dân tộc giúp họ thể hiện cốt cách dân tộc, những món ẩm thực truyền thống cũng được bảo tồn đến bấy giờ.

Người Việt Nam tại Chanthaburi gặp mặt đầu Xuân

Người Việt Nam tại Chanthaburi gặp mặt đầu Xuân

Cách thủ đô Bangkok, Thái Lan 232 km về phía Đông, tỉnh Chanthaburi được mệnh danh là “thành phố cuả đá quý”. Bởi 90% đá thô từ khắp nơi được qua đây sàng lọc, đốt nung, mài dũa và tạo hình qua bàn tay lành nghề khéo léo cuả những người thợ kim hoàn người Việt.

Cách đây 304 năm, nhóm 130 người Việt Nam đầu tiên đã lênh đênh vượt qua bão táp sóng gió đến an cư lập nghiệp nơi xứ sở này. Gắn bó với mảnh đất này, những người con gốc Việt đã hình thành nên một cộng đồng vững mạnh với gần 9.000 thành viên. Sau 3 thế kỷ hình thành và phát triển, bà con Việt kiều tỉnh Chanthaburi nói chung và bà con Việt kiều theo Công giáo nói riêng đã trở thành một cộng đồng trụ cột, đóng góp nhiều vào sự phát triển về mọi mặt của tỉnh miền Đông - Thái Lan.

Cộng đồng những người Việt cùng người dân bản địa sống quây quần bên nhau dọc theo bờ sông Chăn và ở bao quanh nhà thờ Đức Mẹ Maria tráng lệ. Các luồng văn hoá hòa quyện vào nhau, tạo cho khu làng cổ đứng bên con sông trở nên một không gian hữu nghị, thân thiện và bình yên.

Cộng đồng những người Việt tỉnh Chanthaburi vì những nhu cầu bức bách lăn lộn về cuộc sống nên họ phải hội nhập với cộng đồng lớn hơn, mạnh hơn và do đó cũng làm giảm đi chức năng xã hội của ngôn ngữ Việt. Đến thế hệ con cháu thứ 4-5, tiếng mẹ đẻ đã bị mai một, chỉ còn vài cụ bà còn nghe nói được tiếng Việt.

Tuy nhiên, dù chỉ nói được tiếng Việt ít chút, nhưng trong tâm hồn họ vẫn luôn đậm vẻ đẹp Việt Nam. Vào những ngày lễ hội, bộ áo dài dân tộc vẫn lộng lẫy thể hiện được cốt cách Việt Nam trên xứ người; những ẩm thực truyền thống Việt như thịt kho lá chua, chả giò, bánh chưng… vẫn được bảo tồn đến bấy giờ.

Ông Thi, một doanh nghiệp chế tác đá quý, không dấu được niềm tự hào khi kể về một dân tộc nhỏ bé mà đánh thắng hai đế quốc mạnh nhất thế giới, ông nói: “Tôi là người Việt, tôi tự hào trong tôi có dòng máu Việt Nam anh hùng!”.

Chị VaNiZa, nguyên Chủ tịch Hội Du lịch tỉnh Chanthaburi trong cuộc gặp gỡ với hội người Việt đến từ các tỉnh dự lễ hội kỷ niệm 300 năm nhà thờ tỉnh Chanthaburi có lời phát biểu: “…Đối với tôi, lúc nào Việt Nam cũng mãi mãi ở trong tim”.

Cho dù lâu chừng nào, thời gian cũng không thể cướp đi được những gì là tâm hồn Việt Nam. Việt Nam vẫn còn đó, khao khát và chờ đợi những bàn tay ai đó đến châm ngòi lửa tiếng Việt rực lên trong cộng đồng.

Lớp học tiếng Việt tại Chanthaburi

Lớp học tiếng Việt tại Chanthaburi

Đầu tháng 7/2013, ông Nguyễn Văn Hợi, trưởng nhóm Việt kiều cư trú tại tỉnh Chanthaburi có cuộc hội ý với ông Su phắt Anamnạt, Ủy viên Ủy ban quản trị nhà thờ tỉnh Chanthaburi và quyết định mở lớp học tiếng Việt dành cho người lớn. Tôi và anh Phong, một sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây, đảm nhiệm việc giảng dạy.

Căn phòng đứng bên nhà thờ, trước đây cánh cửa thường khép kín, vắng người. Nay, cứ vào lúc 18.00 – 20.00 giờ cuả ngày chủ nhật hàng tuần, các phụ huynh, thanh niên, hớn hở nhộn nhịp đến lớp học tiếng Việt.

Tiếng mẹ đẻ lại hồi sinh trong cộng đồng người Việt tỉnh Chanthaburi, sau khi bị mai một đi qua nhiều thập kỷ.

***

Thực hiện theo lời Bác Hồ: Đảng phải luôn luôn chăm lo, bồi dưỡng và đào tạo cho thế hệ mai sau có cả tài năng và đạo đức, để đưa dân tộc ta sánh vai với các bè bạn khắp 5 châu.

Tại Hà Nội, từ ngày 24/9 đến ngày 24/10/2013, Đảng và Nhà nước đã mở khoá tập huấn đặc biệt nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng giảng dạy tiếng Việt cho các thầy cô đến từ các nước: Thái Lan, Lào, CH Séc, Đức, Đài Loan…

Đảng và Nhà nước đã có sự tận tình quan tâm về giáo dục dành cho người Việt Nam ở Thái Lan nói riêng và những người Việt Nam ở nước ngoài nói chung. Sự có mặt của tiếng Việt trên xứ người mang tầm quan trọng lớn lao, không chỉ riêng với người Việt Nam, nó còn đưa vẻ đẹp của đất nước, con người, văn hoá Việt Nam và sự am hiểu, thân thiện cuả người Việt Nam đến với bè bạn khắp nơi trên thế giới.

Đảng và Nhà nước đã giao trọng trách đó cho thầy cô – những giảng viên đang giảng dạy tiếng Việt tại nước ngoài, ai ai cũng hứa sẽ đưa tất cả những phương pháp hữu ích đó về xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài yêu tiếng Việt, yêu đất nước và luôn luôn hướng về cội nguồn.

Nhà thờ ở Chanthaburi

Nhà thờ ở Chanthaburi

Theo Trần Duy Mão 
Quê hương Online