Việt kiều được bình đẳng về nhà ở

Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Việt kiều có quyền sở hữu 1 hay nhiều nhà ở (bao gồm cả nhà đất và nhà chung cư). Nếu Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua, Việt kiều sẽ có quyền bình đẳng về sở hữu nhà ở như công dân trong nước.

Đây là một trong những nỗ lực hiện thực hóa Hiến pháp: Việt kiều là một phần máu thịt của quê hương.

Việt kiều được bình đẳng về nhà ở

Việt kiều đang dần tiến gần đến để mở cánh cửa cho quyền sở hữu nhà bình đẳng như những công dân trong nước

Luật hiện hành hạn chế

Theo Điều 126 Luật Nhà ở hiện hành (Quốc hội thông qua năm 2005), quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài có phần hơi chặt chẽ. Cụ thể, luật này quy định chỉ có người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam, nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ 6 tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.

Như vậy là không phải bất cứ Việt kiều nào cũng được quyền sở hữu nhà ở. Luật Nhà ở 2005 không chỉ giới hạn đối tượng được sở hữu nhà ở, mà còn khống chế số lượng nhà mà Việt kiều được sở hữu ở con số... 1. Quy định bó buộc này khiến nhiều Việt kiều muốn hồi hương thăm quê, thăm thân, đầu tư sản xuất kinh doanh... nhưng lại phải ở khách sạn, hoặc thuê trọ chứ không thể mua nhà sở hữu lâu dài để phục vụ công việc của mình. Chính vì điều đó mà nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã ngại ngần khi quyết định hồi hương.

Hiện thực hóa Hiến pháp

Hiến pháp sửa đổi, bổ sung 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã cởi bỏ hẳn mặc cảm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài với quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam! Với quy định này, Hiến pháp mặc nhiên thừa nhận Việt kiều là máu thịt của quê hương, và vì thế họ có quyền bình đẳng với tất cả những công dân Việt Nam khác. Điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc của dân tộc đối với những người con xa xứ.

Mỗi người có một lý do riêng để rồi phải xa quê hương, Tổ quốc, xa người thân, bạn bè... sinh sống ở nơi đất khách quê người. Nhưng tựu chung, họ đều đau đáu một nỗi nhớ quê hương da diết và luôn mong được hồi hương. Và quê hương đã, đang và sẽ luôn mở rộng vòng tay đón chào những người con xa xứ trở về.

Có lẽ đó chính là căn cứ để Bộ Xây dựng trình dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở. Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi không chỉ kế thừa Luật hiện hành, mà còn lĩnh hội được tư duy mới của Đảng, Nhà nước được thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi 2013. Theo đó, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã quy định tất cả Việt kiều đều có quyền sở hữu nhà ở. Cụ thể, Điều 159 của Dự thảo nêu rõ: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam, mà được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng nhà ở được sở hữu.

Việc sở hữu nhà ở của Việt kiều được thực hiện thông qua các hình thức: Mua, nhận, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân. Hoặc mua, thuê mua nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới được phép chia lô bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt. Ngoài các quy định chung về sở hữu nhà ở đối với mọi công dân Việt Nam, Việt kiều còn được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu nhà ở bằng các hình thức: Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở được sở hữu; được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở nhận chuyển nhượng trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; bán, tặng cho, để thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó; thế chấp nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam; được cho thuê nhà ở, uỷ quyền cho người khác quản lý nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình...

Việc Bộ Xây dựng trình Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở đã xóa bỏ sự phân biệt giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và tinh thần Việt kiều là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam được quy định trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung 2013 đang được hiện thực hóa.

Theo Lê Anh Đức
Đại Đoàn Kết