1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Sóng ngầm” sau cổ phần hóa:

Bài 2: Lộ rõ “chiêu bài” tư nhân hóa

(Dân trí) - Sau khi trở thành tân Chủ tịch HĐQT, ông Phan Huy Lệ đã có những cư xử thể hiện sự “lộng quyền”, thâu tóm công ty. Mà việc tăng vốn điều lệ lên con số “ngất ngưởng” là một trong những nước đi nhằm tiến tới tư nhân hóa Cầu Đước...

>> Bài 1: “Gậy” quyền lực khiến người lao động lao đao

Từ việc “bạo vì tiền”...

Thông báo số 28/TB-HĐQT ngày 6/5/2007 do ông Phan Huy Lệ ký ghi rõ: “Tăng vốn điều lệ Công ty cổ phần xi măng và vật liệu xây dựng Cầu Đước từ 10 tỷ lên 15 tỷ đồng. Hình thức huy động vốn là phát hành cổ phiếu bán cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ vốn góp, mệnh giá giữ nguyên 10 ngàn đồng/1 cổ phần.

Bãi miễn chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Huy Lệ

Ngày 14/6/2007, HĐQT Công ty Cầu Đước đã họp HĐQT (ông Lệ vắng mặt không lý do) và quyết định bãi miễn chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Huy Lệ. Lý do mà ông Lệ bị "phế truất" là do vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp, điều lệ Công ty. Nội dung trên được các thành viên HĐQT thông qua biểu quyết nhất trí 4/4 đạt 100%

Thời gian cổ đông đăng ký và nộp tiền từ ngày 7/5 đến 18/5/2007. Quá thời gian trên số cổ phần cổ đông mua không hết, HĐQT sẽ bán tiếp cho các cổ đông có nhu cầu không hạn chế tỷ lệ cho tới khi bán hết số vốn đã tăng”. Thông báo trên đã không nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên HĐQT, cổ đông mặc dù trước đó Nghị quyết HĐQT công ty cũng đã quyết nghị vấn đề này. Lý giải vấn đề này nhiều cổ đông cho rằng đây cũng chỉ là động cơ để ông Lệ thâu tóm công ty mà thôi.

Và tính pháp lý của quy trình thực hiện nội dung lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc tăng vốn điều lệ lần 2 trong nhiệm kỳ III (2007-2012) từ 10 tỷ lên 15 tỷ đồng là hoàn toàn vi phạm Luật Doanh nghiệp, điều lệ Công ty, vi phạm quyền của cổ đông.

... đến "bốc tay phải bỏ tay trái"!

Xin nói thêm, trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Cầu Đước ông Lệ là giám đốc Công ty TNHH Hà Thành đóng ở Thanh Hóa - đối tác quan trọng của Cầu Đước. Sau khi nhậm chức, ông Lệ “nhiệt tình” can thiệp sang quyền hạn của giám đốc, ưu tiên cho Công ty Hà Thành một số đặc quyền.

Bằng các giấy giao việc hàng ngày cho giám đốc, Chủ tịch HĐQT Phan Huy Lệ đã bất chấp HĐQT để làm cái việc gọi là "bốc tay phải bỏ tay trái". Giấy giao việc ký ngày 5/4/2007 có nội dung như sau: "Căn cứ vào nhu cầu sử dụng bao bì các loại trong năm, đồng ý ký hợp đồng mua hai đơn vị theo tỷ lệ sau: Công ty Hà Thành 80% số lượng; Doanh nghiệp tư nhân Vinh Tài 20% số lượng".

Việc chỉ đạo này không có gì vướng mắc nếu nó không liên quan đến lợi ích trực tiếp của cá nhân công ty "con" của ông Lệ. Đằng này, Công ty Hà Thành mà ông Lệ chỉ đạo phải mua 80% số lượng bao bì trong năm là công ty do chính ông làm giám đốc. Và trên thực tế, chính ông Lệ đã "thay" giám đốc Cầu Đước ký hợp đồng mua bao bì của công ty ông.

Bằng chứng là: Hoá đơn số 0049636 ngày 30/4/2007 của Công ty Hà Thành xuất bán cho Cầu Đước 61.000 vỏ bao, với giá 2000 đồng/bao. Hoá đơn số 0049645 ngày 6/5/2007 là 60.000 vỏ bao, cũng với giá tương tự. Tuy nhiên cả hai hoá đơn này không có ai ký ở phần người mua hàng.

Ở đây, ông Lệ đã vi phạm Điều lệ của Công ty Cầu Đước mà chính ông cũng tham gia soạn thảo và thông qua. Điều lệ này có đoạn: Khi giao dịch với khách hàng là người thân của lãnh đạo Công ty có chung huyết thống trực hệ 3 đời nhất thiết phải được sự đồng ý của HĐQT.

Thế nhưng đây không phải là khách hàng 3 đời nữa mà là chính công ty của ông Lệ, do chính ông làm giám đốc. Vậy, chứng tỏ ông này đang biến Cầu Đước thành nơi tiêu thụ sản phẩm của chính mình.

Rồi đây Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần xi măng và vật liệu xây dựng Cầu Đước sẽ tiếp tục họp phiên bất thường để "định đoạt" tiếp "số phận" uỷ viên HĐQT của ông Phan Huy Lệ theo luật định.

Đặng Nguyên Nghĩa