1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa

"Cổ phần hóa ở VN đang gần với công chúng hóa hơn bởi đây không phải là tư nhân hoá" - Phó Trưởng Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương Hồ Xuân Hùng khẳng định điều này và cho biết thêm, bước đột phá sắp tới sẽ là cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Khi Chính phủ bắt đầu thí điểm cổ phần hóa vào năm 1992, nhiều ý kiến cho rằng khái niệm cổ phần hóa ở VN với tư nhân hóa trên thế giới không có nhiều khác biệt, qua thực tiễn, câu trả lời cho vấn đề này là sao, thưa ông?

Tôi có thể khẳng định rằng với cách làm của VN, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước hoàn toàn không phải là tư nhân hóa. Với những doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn sau khi cổ phần, thì theo Luật Doanh nghiệp nó vẫn là doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy không nên băn khoăn nó là tư nhân hay Nhà nước.

Qua khảo sát thực tế, cho thấy đến thời điểm hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào rơi vào tay một hoặc một nhóm nhỏ cổ đông, mà đang là của tập thể người lao động. Phần lớn loại hình doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ thì đều có thành viên trong Hội đồng quản trị là đại diện phần vốn Nhà nước.

Từ đầu năm 2005 đến nay, thực hiện bán đấu giá công khai cổ phần, với những doanh nghiệp có cổ phần bán ra giá trị trên 10 tỷ đồng phải được thông qua thị trường chứng khoán, càng làm cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trở nên công chúng hóa hơn.

Nếu nói giai đoạn cổ phần hóa vừa qua chỉ là khúc dạo đầu của một cuộc trường chinh, thì chúng ta sẽ tiếp tục cuộc trường chinh đó như thế nào?

Cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa - 1
  

Ông Hồ Xuân Hùng.

Mới đây, Chính phủ đã đưa ra chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2006-2010, nét cơ bản là tiếp tục quá trình đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, kiên trì việc cổ phần hóa song song với việc tạo môi trường mới để thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, kiện toàn các Tổng công ty để làm nòng cốt phát triển thành các tập đoàn kinh tế.

Đây sẽ là những tập đoàn kinh tế đa sở hữu, đan xen giữa kinh tế Nhà nước và các thành phần kinh tế khác, chứ không phải là tập đoàn “thuần khiết” quốc doanh như một số người suy nghĩ.

Dĩ nhiên, chúng ta phải giữ lại 100% vốn Nhà nước ở một số loại hình doanh nghiệp nhất định. Một số lĩnh vực lâu nay được coi là nhạy cảm thì trước yêu cầu hội nhập, Chính phủ đã xác định lại để tiến hành cổ phần, ví như lĩnh vực ngân hàng.

Có thể nói theo WTO thì ngân hàng là một trong những lĩnh vực phải mở cửa sớm nhất, vào năm sau. Kế hoạch để cổ phần hóa tất cả các ngân hàng thương mại Nhà nước đã được vạch rõ, bắt đầu từ Ngân hàng Ngoại thương và sau cùng là Ngân hàng Nông nghiệp.

Tôi được biết, Chính phủ đã quyết định chỉ có 28 tập đoàn và tổng công ty là Nhà nước giữ lại 100% vốn ở công ty mẹ, còn lại gần 80 tập đoàn và tổng công ty khác sẽ cho tiến hành cổ phần hóa, trong đó có Tổng công ty Dệt may, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy…

Có thể coi bước đột phá của cổ phần hóa trong giai đoạn 2006-2010 là cổ phần hóa các tập đoàn và Tổng công ty.

Theo kết quả đàm phán gia nhập WTO trong, VN đã cam kết sẽ không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào các hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, ông có bình luận gì về điều này?

Nói can thiệp của Nhà nước vào doanh nghiệp, trước hết là nói đến việc Nhà nước “nhúng tay” vào điều hành công việc của doanh nghiệp, sau đó là việc Nhà nước trợ cấp ngầm hoặc trợ cấp công khai cho doanh nghiệp và cuối cùng là Nhà nước sẵn sàng “đứng sau lưng” doanh nghiệp để xử lý khi cần thiết.

Trên thực tế cùng với tiến trình đổi mới kinh tế, ở các doanh nghiệp Nhà nước, đến nay về cơ bản không còn chuyện can thiệp của Nhà nước nữa, và chúng ta sẽ thực hiện đúng cam kết khi vào WTO mà không có gì phải quá lo lắng.

Cần nhớ rằng không phải đến bây giờ chúng ta mới tham gia vào các quan hệ song phương và đa phương. Với AFTA, với Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA), chúng ta đã có thực tiễn để tự tin hơn khi vào WTO.

Cần làm gì để tiến trình cổ phần hóa tới đây tránh được những “bệnh” của giai đoạn trước như cổ phần hóa nội bộ, thất thoát vốn Nhà nước thưa ông?

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo sửa Quyết định 155 và Nghị định 187, là hai văn bản quan trọng của việc cổ phần hóa, tinh thần là làm rõ hơn nữa tiêu chí nắm giữ các ngành nghề 100% vốn Nhà nước, thu hẹp đối tượng doanh nghiệp trong diện không cổ phần hóa, trở nên thị trường hơn nữa việc cổ phần hóa.

Chẳng hạn, để chống cổ phần hóa khép kín thì phải đem ra đấu giá. Tới đây sẽ cho nhà đầu tư bên ngoài tham gia nhiều hơn nữa, rồi cho doanh nghiệp được hưởng phần chênh lệch đấu giá so với giá chào.

Ngoài ra, để tránh tình trạng cổ phần hóa theo kiểu “bình mới rượu cũ”, VN sẽ sửa đổi Nghị định 187, sao cho đại diện của Nhà nước trong Hội đồng quản trị sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa sẽ ít hơn.

Vừa qua, tôi có đi khảo sát, nhận thấy một tình trạng không vui là rất nhiều doanh nghiệp sau cổ phần, thì phần lớn bộ máy quản lý vẫn là những lãnh đạo cũ.

Theo Võ Văn Thành
Báo Tiền Phong