1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá tiêu dùng không cao hơn mức tăng trưởng GDP

(Dân trí) - Theo phân tích của một số chuyên gia cao cấp về giá cả, thị trường, nếu thực hiện triệt để các giải pháp bình ổn giá, Việt Nam vẫn có thể đạt chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng dưới mức tăng trưởng GDP (khoảng 8%), sau khi giá xăng dầu tăng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, mức tăng giá xăng dầu lần này sẽ tác động tới các ngành sản xuất từ 0,05-4,9%. Một số ngành như than, điện, ximăng, thép, giấy sẽ chịu ảnh hưởng từ 0,06-1,4%; giá thành vận tải hàng hóa chịu tác động từ 1,7-4,3%; đối với nông nghiệp là 0,05-0,8%; đánh bắt xa bờ sẽ ảnh hưởng tới 4,9%.

Nhưng khi quyết định tăng giá xăng dầu, Chính phủ cũng yêu cầu cân nhắc mức tăng sao cho không ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô. Đi đôi với nó là áp dụng đồng bộ các biện pháp để cắt giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm xăng dầu, để không vì giá xăng dầu mà đội giá bán sản phẩm.

Đặc biệt là phải đảm bảo cầu không vượt cung, trong đó các mặt hàng thiết yếu như sắt thép, xi măng, phân bón, điện... phải đảm bảo không được thiếu.

Với những biện pháp quyết liệt và đồng bộ, thứ trưởng Trần Văn Tá khẳng định có thể giữ được chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng ở mức Quốc hội đã phê duyệt (6,5%).

Mới đây Tổng công ty Thép đã báo cáo Chính phủ kế hoạch giảm 5-10% chi phí về phôi thép, giảm 10-15% chi phí bán hàng.

Để tránh áp lực tăng giá, kiềm chế lạm phát và ngăn chặn hiện tượng “tát nước theo mưa”, lần này cùng với việc tăng giá xăng dầu, Chính phủ đã chỉ đạo vẫn phải ổn định giá bán điện, than và yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải đẩy mạnh các biện pháp quản lý giá, tiết kiệm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm, kiểm soát chặt thị trường và các tầng nấc lưu thông hàng hóa để không xảy ra hiện tượng lợi dụng tăng giá các sản phẩm không hợp lý.

P.T